Báo động tình trạng người già cô đơn ở nông thôn
Ảnh minh họa: Ngô Quang Yên
Nhà cao cửa rộng vẫn buồn
Hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Thị, thôn Tân Duyên, xã Tân Lập (Vũ Thư) sinh được hai người con trai. Vợ chồng bà đều là nông dân, hàng ngày phải đi làm thuê lấy tiền nuôi hai con ăn học. Sự vất vả, khó nhọc ngày càng tăng lên theo cấp học của các con, nhưng hai ông bà không nản, bởi ông bà nghĩ “chỉ có học mới thoát nghèo”. Không phụ công bố mẹ, hai anh con trai học hành giỏi giang, đỗ đạt cao, ra trường trở thành những doanh nhân thành đạt, lập gia đình và sinh sống luôn ở Hà Nội. Đứa nào cũng nhà cao cửa rộng, có xe ô tô con, ngày giỗ, lễ, tết chúng lái xe đưa vợ con về thăm ông bà. Mỗi lần con cháu về, ông bà vui hơn bắt được vàng. Chưa thỏa nỗi nhớ cháu con thì chúng lại ra đi. Hai anh con trai đầu tư xây cho ông bà một ngôi biệt thự đẹp nhất xã, ông bà cũng không phải làm gì nữa vì hàng tháng các con đều gửi tiền để chi tiêu. Mới đầu ông bà hãnh diện lắm, thấy mát mặt với thiên hạ, bõ những năm tháng lam lũ, vất vả nhưng cũng chỉ được vài tháng ông bà thấy mệt mỏi, chán nản vô cùng. Bà Thị nhìn xa xăm, buồn nói “Nhà to mà chẳng có người ở lại kín cổng cao tường hàng xóm ngại đến chơi, đã vắng càng thêm vắng. Chỉ khổ cái thân già, hàng ngày cặm cụi lau chùi, cọ rửa hết phòng nọ sang phòng kia, tầng trên xuống tầng dưới, mệt đứt cả hơi. Rồi mỗi ngày leo lên, leo xuống mấy chục bậc cầu thang, lo ngã gẫy tay chân nằm đấy ai chăm, leo được đến nơi chân tay bủn rủn hết cả...”.
Không chỉ có ông bà Thi mới rơi vào cái cảnh đông con mà chẳng khác gì không con. Ngày càng nhiều người già ở nông thôn cũng đang phải sống trong cảnh cô đơn như vậy. Lúc mới chớm già còn có thể tham gia các CLB của người cao tuổi, đi chùa lễ Phật cho khuây khỏa nỗi nhớ con cháu, nhưng khi trái gió trở trời, ốm yếu tủi thân, tủi phận vô cùng, nhớ con, mong cháu nên bệnh càng thêm trầm trọng, cụ bà Trần Thị Quế, gần 80 tuổi (Thị trấn Tiền Hải) mắt nhăn nheo ngấn lệ, móm mém nói với chúng tôi trong cơn xúc động. Cụ Quế sinh được 4 người con, các con cụ đều vào T.P Hồ Chí Minh sinh sống, mỗi năm về thăm mẹ một, đôi lần. Có lần cụ ốm nằm viện, phần vì đường xa, phần vì bận việc, rồi con cái nhỏ các con cụ không về được nhờ đứa cháu họ chăm sóc cụ. Mới nhập viện bệnh còn nhẹ, điều trị mãi không thuyên giảm, bác sỹ nản bắt gọi điện cho con cháu cụ về. Nhìn thấy con cháu đông đủ bên giường bệnh, cụ vui vẻ hẳn lên, ăn được lưng cháo, hai hôm sau thì xuất viện. Thế mới thấy, đối với người già món ăn tinh thần quan trọng biết nhường nào. Người già sống thiên về tình cảm, thích vui vầy, đầm ấm với con cháu. Phải sống lủi thủi một mình sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm, sinh lý, thậm chí cả sức khỏe của các cụ.
Sống cô đơn đến lúc chết
Vẫn biết rằng, nuôi dạy con cái thành đạt là niềm mong mỏi suốt cuộc đời phấn đấu của các ông bố bà mẹ ở nông thôn, nhưng về già đòi hỏi về vật chất giảm dần hoặc không phải bận tâm nữa thì những cơn đói tinh thần lại khiến họ chết dần, chết mòn trong sự cô đơn. Cụ bà Nguyễn Thị Làn (Đông La- Đông Hưng) nắm chặt tay tôi bằng bàn tay nhăn nheo, gầy gò, nụ cười héo hắt, ánh mắt mờ đục, răng rụng gần hết chỉ còn vài cái làm duyên phều phào kể: Nhớ con cháu lắm, ra thành phố ở với chúng được mấy ngày, song vì tiếng ồn ào, bụi bặm, vì bị giam trong 4 bức tường ngột ngạt, cháu đi học suốt ngày tối về lại xem ti vi, chơi trò chơi chứ không thích chơi với bà nên bà chán đòi về quê. Tủ lạnh lúc nào cũng đầy ắp thức ăn do con bà mỗi lần về thăm mua bỏ vào nhưng chẳng mấy khi bà đụng đến, thi thoảng gọi mấy đứa trẻ hàng xóm mang về ăn chứ để lâu sợ nó hỏng. Cuối tháng con về lại mua đồ bỏ đầy vào tủ, dặn bà chịu khó ăn uống, giữ sức khỏe, chứ đâu có hiểu người già lấy vui làm chính chứ ăn uống được bao nhiêu, mỗi bữa lưng bát cơm, nửa bát cháo là đủ. Bà sợ nhất là lúc trái gió, trở trời, cảm, sốt đột ngột biết kêu ai, nhất là đêm hôm.
Thường ngày người ta vẫn thấy bà T.T. Nh (Tân Lập, Vũ Thư), đi chợ, quét ngõ, nói chuyện vui vẻ với mấy ông, bà quanh xóm. Bẵng đi mấy ngày không thấy bóng bà ra vào, nhà lại đóng cửa, hàng xóm tưởng bà lên Thái Nguyên chơi với cô con gái. Đến khi ngửi thấy mùi hôi thối bốc ra từ nhà bà Nh, mọi người phá cửa vào thì phát hiện bà L đã mất từ bao giờ, cơ thể đã bắt đầu phân hủy, mọi người cho là bà bị cảm lạnh khi đi vệ sinh đêm. Câu chuyện thương tâm này là một lời nhắc nhở sâu sắc, cảnh tỉnh cho những đứa con mải lo chuyện làm ăn, lo xây dựng gia đình nhỏ của mình mà lãng quên chăm sóc những bậc sinh thành vất vả một đời nuôi mình khôn lớn, đến lúc nhận ra thì đã quá muộn màng.
Thu Hiền
Tin cùng chuyên mục
- Hà NộiBàng hoàng 100 ngôi mộ “mất tích” trong đêm 26.08.2010 | 13:46 PM
- Chuyện Bác Hồ làm báo ở Pari 26.08.2010 | 13:51 PM
- Những linh hồn phiêu dạt Không chỉ là chuyện của hai người lính 09.08.2010 | 15:22 PM
- Bệnh "nhồi kiến thức" 26.08.2010 | 14:49 PM
- Cô gái 20 tuổi ''ngủ'' trong mộ 300 năm 12.08.2010 | 17:06 PM
- Tàu ngầm Kursk - 10 năm với nguyên vẹn nỗi tiếc thương 13.08.2010 | 07:56 AM
- Vedan đồng ý đền bù 100% thiệt hại cho nông dân 2 tỉnh 10.08.2010 | 07:14 AM
- Diêm Điền “ôm” rác 10.08.2010 | 09:20 AM
- Mánh khóe làm tiền của "dân" IT 17.08.2010 | 16:40 PM
- Thái Bình loạn xe buýt 10.08.2010 | 09:30 AM
Xem tin theo ngày
-
Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước
- Quyết liệt triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
- Kiểm tra công tác chuẩn bị phương án bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tại thành phố Thái Bình
- Đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng các giải pháp sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất, đời sống xã hội