Văn hóa làng trong thời kỳ hội nhập
Đình làng Cẩm Du (Quỳnh Sơn - Quỳnh Phụ). Ảnh: Ngọc Linh
Khi đất nước chuyển mình bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) thì Thái Bình đã xác định trọng tâm của cuộc cách mạng này là CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn. Thiết nghĩ, một trong những vấn đề mang ý nghĩa quan trọng là làm thế nào huy động được sức mạnh tổng hợp các nguồn lực của cộng đồng làng để thực hiện thắng lợi các chương trình kinh tế xã hội theo nội dung CNH, HĐH đã được xác định.
Để thực hiện được sứ mệnh này, ngoài việc đánh giá đúng và đủ vốn liếng văn hóa làng, nắm đúng hiện trạng văn hóa làng hiện nay còn là việc xác định đúng và kế thừa di sản nào, khắc phục những mặt hạn chế nào để thích ứng với thời kỳ hội nhập. Đây là một vấn đề lớn, không dễ lý giải được một cách thấu đáo trong khuôn khổ của một bài báo. Xin được trình bày một số vấn đề về hiện trạng văn hóa làng ở Thái Bình hiện nay và xác định hệ giá trị văn hóa làng trong thời kỳ CNH, HĐH ở Thái Bình. Đương nhiên, đây mới chỉ là những nét mang tính khái quát nhất.
Làng xã cổ truyền ở Thái Bình đã có quá trình hơn nửa thế kỷ hội nhập với hình thái kinh tế xã hội mới. Đó là sự hội nhập để tham gia vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các giai đoạn cách mạng, trong đó có những sản phẩm văn hóa vật thể được xác định là của công làng xã đã bị hư hao như việc phá dỡ cầu cống, đình, chùa, đền, miếu, điếm, quán... để tiêu thổ kháng chiến hoặc phục vụ cho việc xây dựng các công trình phúc lợi công cộng vào những thời kỳ, thời điểm khác nhau. Đó cũng là sự hội nhập trong thế ứng xử mới của văn hóa làng với sự thay đổi, xáo trộn chia ra, nhập lại của đơn vị hành chính cơ sở qua từng thời kỳ.
Đó còn là sự hội nhập của quá trình mởi tung những cổng làng để giao lưu phát triển kinh tế – xã hội bằng quan hệ sản xuất và phương thức sản xuất mới. Trong bối cảnh đó văn hóa làng, tâm lý làng đã phải tự điều chỉnh để tồn tại và phát triển trong guồng quay của sự di phong, dịch tục.
Trong quá trình tự điều chỉnh đó có những thành tố, những thiết chế văn hóa làng bị nhạt phai hoặc tự lột xác để tồn tại dưới hình thức mới là lẽ đương nhiên và là cách lựa chọn không thể khác để văn hóa làng tiếp tục chiếm giữ vị thế quan trọng trong đời sống văn hóa của cư dân Thái Bình. Trải những biến động lớn do chiến tranh, do xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là những đổi thay ở thời kỳ đổi mới, làng xã ở Thái Bình đã có những thay đổi cơ bản, toàn diện và triệt để cả về cảnh quan, cơ cấu kinh tế, quan hệ cộng đồng làng và các mặt biểu hiện của văn hóa làng. Dưới đây xin khái quát một số nét cơ bản.
1. Cảnh quan
Qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, qua các chặng đường xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội như quá trình xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông thôn, nhu cầu từng bước nâng cao mức sống về vật chất, tinh thần đã làm cho cảnh quan làng xã trong nông thôn Thái Bình cơ bản đổi khác. Thay thế cho hình thức quần cư nông thôn phổ biến như thuở trước ở các triền sông, thành những trại lẻ là việc quần cư tập trung theo các trục đường bộ: đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và đường làng.
Ngoại mạo của làng hoàn toàn thay đổi bởi không còn những lũy tre xanh. Ranh giới của hầu hết mọi làng dường như đã bị xóa nhòa. Những gò đống trong nhiều làng cổ không còn bởi nhu cầu san ghềnh, lấp trũng hoặc lấy đất làm gạch. Những sông ngòi, kênh mương ngoằn ngoèo, uốn lượn trong đồng phần lớn đã được lấp đi để thay thế bằng hệ thống thủy nông máng nổi, mương chìm thẳng tắp. Những năm gần đây, tiến trình kiên cố hóa kênh mương lại càng làm cho cảnh quan của từng làng quê đổi thay theo hướng văn minh, hiện đại.
Những cây bóng mát, những điếm, quán, trại lẻ giữa những cánh đồng lớn thưa thớt dần. Những thửa ruộng theo nhiều hình thế khác nhau được ví với con thuyền, cánh buồm, cánh quạt, cán bút... bị xóa sạch thay vào những ô ruộng được phân định theo bờ vùng, bờ thửa. Những thửa ruộng cũ bị nhập lại rồi bị đem chia nhỏ rồi quá trình dồn điền đổi thửa đã lại đổi khác thêm. Tên những cánh đồng làng đã bị nhạt nhòa và tan biến dần trong ký ức của dân làng... Những trại lẻ giữa đồng bị dồn lại cho thích ứng với sản xuất lớn thế rồi nền kinh tế nhiều thành phần lại khuyến khích những trang trại, gia trại mọc lên...
Đặc biệt là từ những năm đầu thế kỷ XXI, ở nhiều làng quê với việc hình thành những khu công nghiệp, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp trên đất ruộng của làng đã làm thay đổi sâu sắc cảnh quan và môi trường sinh thái. Quá trình công nghiệp hóa thúc đẩy tiến trình đô thị hóa đã dẫn đến những đổi thay khôn lường về cảnh quan của từng làng.
Đi sâu vào trong từng làng thì đường làng, ngõ xóm được nâng cấp dần bằng gạch, vữa, bê tông... Ngăn cách giữa các khu đất ở của các hộ gia đình còn rất ít dậu tre, dậu ruối. Những ngôi nhà lợp rạ, trình tường đất, trát vách, nhà cổ có nhiều cột còn rất hiếm, thay vào đó là nhà xây không cột lợp ngói hoặc mái bê tông. Tỷ lệ nhà tầng ngày một nâng lên trong từng làng. ở nhiều làng, trung tâm của làng khó xác định.
Các quần thể kiến trúc công cộng của xã như trường học, bệnh xá, trụ sở UBND... đã hình thành những trung tâm kinh tế – chính trị – văn hóa của xã. Trong những năm đổi mới, nhiều trung tâm sinh hoạt của làng được khôi phục bằng việc tu tạo, dựng lại đình làng, chùa làng và các nhà văn hóa thôn làng. Cũng trong những năm đổi mới, chủ trương huy động các nguồn lực để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như: điện – đường – trường – trạm – thông tin – nước sạch trong nông thôn ở Thái Bình đã làm cho cảnh quan làng xã truyền thống thật sự thay da, đổi thịt.
Theo tâm thức truyền thống, người xa quê mỗi khi có dịp trở lại thường ra nghĩa địa của làng để thắp hương tại phần một của gia tiên và những người thân đã quá cố. Nếu ai đó xa quê chỉ khoảng 5 – 10 năm khi về quê cũng khó lường ra những cảnh quan cũ khi đến nghĩa địa của làng, không dễ tìm ra một của gia tiên vì cả nghĩa địa là một thành phố thu nhỏ với những ngôi mộ xây muôn màu muôn vẻ. Cảnh quan thay đổi dẫn đến môi trường sinh thái cũng thay đổi. Cùng với việc cải thiện đời sống sinh hoạt, nếp ăn, nếp ở của từng làng theo xu hướng văn minh, tiến bộ thì những “con cò bay lả bay la”, những “con sáo sang sông”, rồi thậm chí cả những con “ếch ngồi đáy giếng”, những “chú mèo trèo cây cau”... cũng thưa vắng dần. Với lớp trẻ ở nhiều làng nay chỉ còn biết những hình tượng này qua văn học dân gian.
2. Kinh tế
Cho đến những năm cuối thế kỷ XX thì kinh tế nông nghiệp, nghề nông vẫn giữ vai trò chủ đạo trong nhiều làng xã ở Thái Bình. Cơ cấu 4-3-3 (40% nông nghiệp; 30% công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; 30% dịch vụ và thương mại) là mục tiêu phấn đấu của toàn tỉnh đến năm 2000. Cơ cấu 5-3-2 là mục tiêu phấn đấu đến năm 2005 nhưng với nhiều làng rất là khó thực hiện vì những tiền đề để mở mang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thương mại chưa thuận lợi hoặc chưa ổn định. Tuy vậy số làng thuần nông ở Thái Bình hiện đã giảm đáng kể.
Ngoài hơn 80 làng nghề truyền thống đang được duy trì và tương đối ổn định thì nhiều làng xã đã du nhập nghề mới như thêu ren, cơ khí, trồng nấm, nuôi trồng những cây, con đặc sản, chế biến lương thực, thực phẩm và các hoạt động dịch vụ đa dạng phục vụ nhu cầu dân sinh. Nhiều gia trại, trang trại, nhiều doanh nghiệp trong làng nghề ra đời...
Quá trình đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa từng phần trong quy trình sản xuất ở các khâu nước – phân – cần – giống cùng với quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông thôn nông nghiệp, mở rộng diện tích gieo trồng các loại cây màu vụ đông... đã làm thay đổi sâu sắc nếp làm ăn và tính chất, đặc điểm mùa vụ của từng làng quê.
Một điểm rất đáng chú ý về diện mạo kinh tế của nhiều làng quê ở Thái Bình là sự thay đổi đột biến của quá trình CNH-HĐH những năm gần đây. Điều này có tác động sâu sắc vào sự tồn tại của văn hóa làng của từng làng xã.
Mặt khác, lại cũng cần phải thấy tuy các khâu trong quy trình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã được cải tiến bằng sự ứng dụng khoa học và công nghệ; về phương thức sản xuất đã hình thành những gia trại, trang trại, những doanh nghiệp trong làng nghề nhưng giá thành hàng hóa nông nghiệp thấp. Sản phẩm hàng hóa tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ bé trong điều kiện sản xuất thủ công, lạc hậu, giá thành cao, mẫu mã chậm đổi mới, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện trạng này có nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có nguyên nhân từ vốn văn hóa làng để lại...
Vào thời điểm cuối năm 2005, Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thức XVII (nhiệm kỳ 2005-2010) đã đánh giá: “Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện, từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa. Các khu, cụm công nghiệp được hình thành và phát huy hiệu quả bước đầu. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển gắn với mở rộng nghề, làng nghề. Dịch vụ có bước phát triển, đáp ứng cơ bản yêu cầu sản xuất và đời sống... Tuy nhiên, kinh tế phát triển chưa vững chắc, tụt hậu so với các tỉnh trong khu vực và bình quân chung cả nước...”. Đại hội này đã thông qua chỉ tiêu về cơ cấu kinh tế năm 2010:
- Nông, lâm, ngư nghiệp: 30%
- Công nghiệp, xây dựng: 37%
- Dịch vụ: 33%
Từ năm 2000, tỉnh Thái Bình đã xác định 5 trọng tâm tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế phù hợp với thực tế của tỉnh. Đến tháng 12 năm 2005, nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh xác định đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện 5 trọng tâm này:
Một là, khai thác có hiệu quả cao các khu, cụm công nghiệp hiện có; tiếp tục quy hoạch, xây dựng các khu công nghiệp tại thành phố, ven đường 10, cụm công nghiệp ở huyện, thành phố, điểm công nghiệp ở xã gắn với phát triển làng nghề và công nghiệp nông thôn; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư vào các khu, cụm, điểm công nghiệp.
Hai là, đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và chuyển nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa. Xây dựng các vùng sản xuất tập trung với kết cấu hạ tầng đồng bộ. Phát triển mạnh chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, ổn định. ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất. Tiếp tục chuyển 8.000 đến 10.000 ha cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng các cây, con có giá trị kinh tế cao, chuyển mạnh diện tích úng trũng sang nuôi trồng thủy sản.
Ba là, đẩy mạnh phát triển nghề, làng nghề, mở rộng nghề, làng nghề hiện có, du nhập nghề và phát triển làng nghề mới, đồng thời tăng cường đầu tư chiều sâu để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Chú trọng quy hoạch phát triển làng nghề gắn với xây dựng điểm công nghiệp và bảo vệ môi trường.
Bốn là, phát triển kinh tế biển tập trung vào nuôi trồng, đánh bắt và chế biến hải sản, chú trọng phát triển dịch vụ, du lịch và vận tải biển. Quy hoạch mở rộng diện tích, tăng cường đầu tư, nâng cao hiệu quả nuôi hải sản cả trong và ngoài đê biển; chuyển mạnh sang phương thức nuôi thâm canh, bán thâm canh.
Năm là, rà soát bổ sung và thực hiện tốt quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế – xã hội ở các cấp, quy hoạch ngành và lĩnh vực bảo đảm tính chiến lược đồng bộ. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để khai thác ở mức cao nguồn nội lực, thu hút mạnh nguồn lực bên ngoài cho đầu tư phát triển; ưu tiên thu hút những dự án có quy mô lớn, công nghiệp kỹ thuật cao và công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng cường đầu tư, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động.
Tùy hoàn cảnh thực tế khác nhau, ở mức độ khác nhau, quá trình thực hiện 5 trọng tâm trên đã thu hút được những kết quả khả quan tạo những tiền đề phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực nông thôn và đã tác động sâu sắc vào diện mạo văn hóa làng xã khi bước vào thời kỳ đầu của tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
3. Dân cư và dân số
Điểm nổi bật về dân cư và dân số của các làng xã ở Thái Bình từ truyền thống đến hiện tại là làng có dân số lớn với mật độ dân số cao. Theo quy mô làng cũ thì mỗi làng trung bình khoảng từ 2000 đến 3000 dân. Những làng lớn nay là một xã khoảng 6000 đến 7000 dân, có làng hơn 10.000 dân. Mật độ dân số bình quân chung ở các làng phổ biến là trên 1000 người/km2.
Do quá trình phát triển kinh tế – xã hội theo xu hướng số làng thuần nông ngày càng giảm mạnh nên thành phần cư dân trong mỗi làng cũng đa dạng hơn. Nếu như các làng trước kia vốn được coi là thuần nông với thành phần nông dân là chủ yếu thì nay cũng đã đan xen nhiều thành phần khác như người làm dịch vụ, buôn bán, người đi làm công nhân tạo các doanh nghiệp, người đi làm cán bộ công chức Nhà nước nhưng “ly nông bất ly hương”, người nghỉ hưu... vẫn cư trú ở làng với gia đình, với mức sống, nếp sống khác nhau; nếp cảm, nếp nghĩ khác nhau dẫn đến tính cộng đồng, cộng cảm trong từng thôn làng được biểu hiện dưới những hình thái mới.
Cũng do tiến trình phát triển kinh tế – xã hội ở thời kỳ hiện tại, người làng ra khỏi làng sinh sống, người ngoài làng vào nhập cư ngày càng có những biến động lớn, nhất là đối với những làng ven thành phố, thị trấn, làng có những cơ quan, doanh nghiệp, trường học, làng ven trục đường quốc lộ, tỉnh lộ... Thực tế này đã làm cho thành phần xuất thân của các thành viên trong cùng một cộng đồng làng ở thời kỳ hiện tại đa dạng, phức tạp hơn, văn hóa làng có mặt phong phú hơn, có mặt nhạt nhòa dần.
Mặt khác, do tác động của cơ chế, chính sách thông thoáng ở thời kỳ đổi mới, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, số hộ giàu ngày càng gia tăng, số hộ nghèo và cận nghèo ngày càng giảm nhưng sự phân hóa giàu nghèo giữa các thành viên trong cùng một làng ngày càng rõ rệt. Tâm lý “xấu đều hơn tốt lỏi” bị xóa dần nhưng mọi quan hệ ứng xử trong nếp sống, lối sống cũng buộc phải thay đổi để thích ứng dần.
Một điểm đáng chú ý là mặt bằng trình độ nhận thức của các thành phần dân cư Thái Bình ở thời kỳ hiện tại tương đối đồng đều. Người ở độ tuổi trung niên trở xuống đa phần được phổ cập bậc trung học cơ sở. Người mù chữ còn không đáng kể. Cán bộ hưu trí về quê sinh sống ngày một đông thêm. điện sáng đến mọi ngõ xóm, mọi gia đình. Phương tiện nghe nhìn phổ cập mọi nhà, máy điện thoại ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong các hộ gia đình. Đến cả những thôn làng ở vùng nông thôn xa thị trấn, thị tứ cũng đã có những hộ gia đình nối mạng internet... Đó là những thuận lợi cơ bản để bảo lưu và xây dựng văn hóa làng theo những chuẩn mực phù hợp với đời sống hiện hành.
4. Thực trạng của quá trình chấn hưng văn hóa làng
Có thể xem xét quá trình chấn hưng văn hóa làng bắt đầu từ giữa những năm 1980 (kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới). Đó là quá trình chấn hưng sự cố kết cộng đồng, cộng cảm làng xã truyền thống được biểu hiện bằng việc tôn tạo các công trình tín ngưỡng, tôn giáo của làng như đình, chùa, đến miếu... khôi phục hội làng truyền thống và những trò chơi, trò diễn dân gian, soạn thảo hương ước mới của làng... Đối với dòng họ là việc “vấn tổ tầm tông” huy động các nguồn lực tôn tạo, xây mới từ đường, phần mộ, duy trì việc giỗ chạp trong họ, dịch thuật, tục biên, biên soạn gia phả...
Cũng là những biểu hiện của tính cộng đồng làng xã, nhiều loại phường hội tình nghĩa, tương tế ra đời như hội động hương, đồng môn, đồng ngũ, các phường hội nghề nghiệp, phường hiếu, phường hỉ hình thành một cách tự phát, hợp rồi lại tan, tan rồi lại hợp. Từ tâm lý phường hội không hiếm những phường tiền, phường thóc đổ bể do người cầm cái phường vụ lợi dẫn đến việc “vỡ hụi” làm tổn thương tình làng nghĩa xóm và hạnh phúc của các gia đình tham gia.
Một trong những mặt biểu hiện sự chấn hưng văn hóa làng là việc chấn hưng các phong tục tập quán như cưới hỏi, mừng thọ, tang ma, giỗ chạp, lễ tết... trong đó có cả những thuần phong mỹ tục và cả những hủ tục lạc hậu cũng trỗi dậy với những biểu hiện tiêu cực của lối sống phô trương, thực dung song hành. Ngoài những hình thức tín ngưỡng dân gian mang tính truyền thống như việc siêng năng hương khói thờ thổ công trong nhà, thờ thổ thần ở miếu xóm, các điện thờ tại gia, thờ ông đống bà đa theo quan niệm “thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”... là việc du nhập các hình thức thờ cúng từ các tỉnh phía nam tràn vào như việc lập ban thờ thần tại nhà hoặc dựng tượng Quan âm quá hải ở chùa làng...
Rất cần phải khẳng định là quá trình chấn hưng văn hóa làng ở Thái Bình trong hơn hai thập kỷ qua đã mang lại nhiều giá trị tích cực. Tính tự chủ, tự quản trong các cộng đồng làng xã được chấn hưng. Việc huy động các nguồn lực trong cộng đồng để xây dựng các thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo và các công trình phúc lợi của làng, tổ chức lễ hội, khôi phục các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian... được dân làng tự giác chăm lo tổ chức thực hiện. Đây là tiền đề thuận lợi để tiến hành xã hội hóa các hoạt động văn hóa, xã hội mà vốn đã một thời Nhà nước chăm lo nhưng lo không xuể. Văn hóa dòng họ, văn hóa gia đình được chấn hưng góp phần giáo dục đạo đức, nhân cách cho mỗi thành viên trong hằng số Gia đình – Làng – Nước.
Về một phương diện nào đó cũng có thể nhận ra rằng quá trình chấn hưng văn hóa làng không chỉ là để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa mà còn là để tạo sức đề kháng của văn hóa làng với sự xâm thực của các luồng văn hóa độc hại. Cũng trong chừng mực nào đó quá trình chấn hưng văn hóa làng đã góp phần điều chỉnh, duy trì tính khoan dung khi các thành tố của văn hóa làng tiếp biến cho phù hợp với đời sống hiện tại và tiếp xúc, tiếp thu tinh hoa văn hóa từ bên ngoài vào theo xu thế tất yếu của quá trình mở cửa hội nhập.
Đương nhiên, quá trình chấn hưng văn hóa bao giờ cũng có hai mặt biểu hiện. Văn hóa làng được chấn hưng trong bối cảnh đất nước đổi mới. Nền kinh tế đang bước đầu chuyển sang cơ chế thị trường theo định hướng XHCN còn nhiều vấn đề chưa định hình bền vững. Lối sống phô trương, thực dụng, coi thường các giá trị nhân văn có cơ hội để hình thành và tồn tại trong nhiều mặt biểu hiện của văn hóa làng, len lỏi vào các công việc hiếu, hỉ của từng gia đình khi ở những cương vị khác nhau...
Nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là mục tiêu nước ta đang hướng tới nhưng trong bước đi ban đầu đang gặp hàng loạt những thách thức do “mặt trái” của cơ chế thị trường mang lại. Tác động trước nhất, trực tiếp nhất là trong lĩnh vực nếp sống, lối sống với những tệ nạn xã hội biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau làm nảy sinh những khó khăn trở ngại trong việc đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội.
Cũng lại cần phải thấy rằng, hệ giá trị văn hóa làng không phải là những gì nhất thành, bất biến. Sở dĩ vốn văn hóa làng phong phú là vì trong quá trình hình thành và tồn tại, nó đã trải biết bao nhiêu lần di phong, dịch tục bằng việc loại bỏ những yếu tố lạc hậu, lỗi thời cùng với sự tiếp biến các giá trị văn hóa nội sinh để tồn tại, tiếp thu những yếu tộ ngoai sinh để phát triển.
Vấn đề còn lại là, xác định rõ giá trị tích cực để duy trì, những hạn chế để khắc phục đối với từng biểu hiện cụ thể của các thành tố văn hóa làng đang tồn tại. Đó là một trong những căn cứ khoa học để xây dựng đời sống văn hóa với những chuẩn mực mới phù hợp cuộc sống hiện hành mà vẫn mang hồn cốt của văn hóa làng. Nhận diện đúng giá trị của các thành tố cấu thành hệ giá trị của văn hóa làng vốn là việc làm không mấy dễ dàng. Việc bảo lưu, duy trì sự tồn tại của các thành tố đó bằng những phương thức mới phù hợp với cuộc sống đương đại để phát huy, phát triển lại càng không dễ dàng hơn. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đã từng chỉ rõ: “Truyền thống của tất cả các thế hệ đã chết đè nặng như quả núi lên đầu óc những người đang sống”(1).
Mục tiêu lâu dài của Đảng ta đã và đang đặt ra là xây dựng nước Việt
Nguyễn Thanh
(Nguyên giám đốc sở VHTT tỉnh Thái Bình )
Tin cùng chuyên mục
- Hà NộiBàng hoàng 100 ngôi mộ “mất tích” trong đêm 26.08.2010 | 13:46 PM
- Chuyện Bác Hồ làm báo ở Pari 26.08.2010 | 13:51 PM
- Những linh hồn phiêu dạt Không chỉ là chuyện của hai người lính 09.08.2010 | 15:22 PM
- Bệnh "nhồi kiến thức" 26.08.2010 | 14:49 PM
- Cô gái 20 tuổi ''ngủ'' trong mộ 300 năm 12.08.2010 | 17:06 PM
- Tàu ngầm Kursk - 10 năm với nguyên vẹn nỗi tiếc thương 13.08.2010 | 07:56 AM
- Vedan đồng ý đền bù 100% thiệt hại cho nông dân 2 tỉnh 10.08.2010 | 07:14 AM
- Diêm Điền “ôm” rác 10.08.2010 | 09:20 AM
- Mánh khóe làm tiền của "dân" IT 17.08.2010 | 16:40 PM
- Thái Bình loạn xe buýt 10.08.2010 | 09:30 AM
Xem tin theo ngày
-
Khởi công dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước