Thứ 3, 30/07/2024, 13:25[GMT+7]

Lời giải cho bài toán đình công?

Thứ 5, 28/07/2011 | 09:43:18
1,319 lượt xem
Tính đến thời điểm này, tại các khu công nghiệp của tỉnh đã xảy ra 6 cuộc đình công. Tất cả các cuộc đình công đều bất hợp pháp, không đúng trình tự quy định của pháp luật, không có sự vào cuộc của tổ chức công đoàn, chỉ khi đình công đã xảy ra, thì tổ chức công đoàn mới biết và vào cuộc.

Nguyên nhân chủ yếu là đòi tăng lương vì mức lương hiện tại không đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động (NLĐ), điều kiện làm việc khắc nghiệt (môi trường ô nhiễm, làm thêm giờ, tăng ca quá mức cho phép, áp lực tai nạn lao động luôn rình rập...). Trước sức ép của giá cả sinh hoạt tăng cao, trong khi thu nhập vẫn giậm chân tại chỗ, các chủ doanh nghiệp vẫn lấy mức lương tối thiểu trả lương cho công nhân. Để đòi quyền lợi, NLĐ chỉ còn mỗi cách... đình công, lãn công.

 

Song không phải tất cả các quyền lợi của NLĐ đều được giải quyết sau đình công, nhưng về cơ bản hầu hết các doanh nghiệp đều phải đáp ứng những nhu cầu, đòi hỏi thiết thực của NLĐ. Cuối tháng 6 vừa qua, tại Công ty TNHH Hanul (Kiến Xương), 100% vốn nước ngoài, hơn 500 công nhân lao động đã ngừng việc, đứng ở ngoài cổng, không vào làm việc đòi tăng tiền chuyên cần, thâm niên, xăng xe, ăn ca...

 

Ngay sau khi sự việc xảy ra, LĐLĐ huyện Kiến Xương với chức năng của mình đã xuống làm việc với Công ty và các đại diện của công nhân. Sau buổi làm việc, Công ty cam kết và thông báo một số vấn đề liên quan đến chế độ, quyền lợi của NLĐ như: tăng tiền chuyên cần từ 200.000 lên 300.000 đồng, xăng xe từ 100.000 lên 200.000 đồng, ăn ca từ 7.000 lên 9.000 đồng, hỗ trợ tiền thâm niên từ một, hai, ba năm tương ứng 50.000, 80.000, 120.000 đồng /người /tháng, hỗ trợ 50.000 đồng cho tất cả công nhân, công nhân ngồi may trực tiếp 100.000 đồng và thưởng tháng lương thứ 13.

 

Hàng tháng, Công đoàn Công ty sẽ tổ chức phát động các phong trào thi đua: Lao động giỏi, lao động sáng tạo, tăng năng suất… có khen thưởng. Đối với những công nhân hoàn thành nhiệm vụ loại A sẽ được thưởng 150.000 đồng, loại B: 100.000 đồng, loại C: 50.000 đồng. Hay tại Công ty Cổ phần may xuất khẩu Việt Thái, đường Quang Trung, Thành phố. Công nhân đã tổ chức ngừng việc tập thể vì chế độ đối với NLĐ của Công ty có nhiều điểm chưa hợp lý như: Công nhân đi khám bệnh bị trừ tiền chuyên cần, khẩu phần ăn kém chất lượng, mức lương, thưởng chuyên cần thấp, làm việc 10 giờ /ngày nhưng chỉ được hưởng lương 1 giờ làm thêm....

 

Sau đình công, chủ doanh nghiệp đã phải tăng tiền chuyên cần lên mức 400.000 đồng /tháng, NLĐ được nâng bậc, nâng lương 3 năm /lần nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ và không vi phạm kỷ luật lao động, đối với NLĐ phải ra ngoài 1- 2 giờ để khám bệnh sẽ không trừ tiền chuyên cần nếu có giấy xác nhận của cơ quan y tế nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của công ty; cam kết điều chỉnh mức tiền suất ăn trưa để phù hợp với giá cả thị trường...

 

Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Văn Thành, Chủ tịch LĐLLĐ huyện Kiến Xương cho biết: Các cuộc đình công, lãn công trên địa bàn huyện đều diễn ra tự phát, không có vai trò của công đoàn cơ sở (CĐCS) doanh nghiệp. Mặc dù biết nguyên nhân và manh nha diễn ra lãn công nhưng cán bộ CĐCS không dám đứng ra vì sợ chủ trù dập, sa thải, bị mất việc làm, bởi họ là người ăn lương trực tiếp của chủ sử dụng lao động. Vì vậy, khi công nhân tổ chức đình công không có sự hướng dẫn của CĐCS. Chỉ sau khi ngừng việc tập thể xảy ra, LĐLĐ huyện mới biết và vào cuộc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

 

Trên thực tế, hiện nay nhiều doanh nghiệp đặt ra định mức quá cao khiến NLĐ dù làm hết sức vẫn không đủ định mức, không đạt định mức, không thưởng, các quy định về giờ làm việc, tiền nghỉ phép quá khắt khe và khi công nhân đề nghị xem lại định mức nhưng không sửa đổi, không có trao đổi thông tin giữa 2 bên một cách dân chủ dẫn đến đình công. Hơn nữa, đa số công nhân chưa có sự am hiểu sâu sắc về pháp luật, trình độ nhận thức còn hạn chế, lại nóng vội, do đó các cuộc đình công xảy ra thời gian qua đều mang tính tự phát và không theo quy định của pháp luật. Vì vậy, có thể thấy vai trò của CĐCS trong việc đàm phán với doanh nghiệp về những quyền lợi của công nhân là rất cần thiết. Chỉ khi cán bộ CĐCS không ăn lương của chủ sử dụng lao động, là những cán bộ công đoàn chuyên trách thì vai trò của CĐCS mới được nâng lên; việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động mới “dễ” được thực hiện, mới thực sự là chỗ dựa tin cậy của NLĐ. Trong trường hợp phải “nói chuyện” với doanh nghiệp bằng đình công, CĐCS phải là tổ chức hướng dẫn công nhân đình công theo trình tự hợp pháp.

Trong bối cảnh lạm phát đang “phi mã”, các mặt hàng thiết yếu tăng “chóng mặt” như hiện nay, với mức lương 1, 7 triệu đồng/tháng thì cuộc sống của những người làm công ăn lương gặp rất nhiều khó khăn, chật vật. Hạn chế được tình trạng đình công sẽ có lợi cho cả “ba bề, bốn bên”: công nhân có việc làm ổn và thu nhập ổn định; doanh nghiệp có lợi nhuận và phát triển; xã hội được ổn định, phát triển bền vững về mọi mặt và Nhà nước thu hút được vốn đầu tư nước ngoài. Điều đó chỉ là “hiện thực” khi đồng lương của NLĐ được bảo đảm. Đã đến lúc không vì mải thu hút đầu tư, ưu tiên cho sự tăng trưởng kinh tế mà quên đi chính sách an sinh xã hội, nâng cao mức sống cho NLĐ.

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày