Thứ 5, 08/08/2024, 17:17[GMT+7]

Nhức nhối môi trường làng nghề

Thứ 3, 20/09/2011 | 09:03:47
2,198 lượt xem
Sự phát triển của các làng nghề đang góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Thế nhưng, những chất thải phát sinh từ các làng nghề đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động trực tiếp tới sức khoẻ của người dân và ngày càng trở thành vấn đề bức xúc.

Chạm bạc Đồng Xâm, Kiến Xương. Ảnh: Thành Tâm

Làng nghề đứng trước thách thức

 

Ra đời cách đây gần 600 năm, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, xã Hồng Thái (Kiến Xương) ngày một phát triển, thu hút hàng ngàn lao động. Doanh thu mà các sản phẩm mỹ nghệ được chế tác từ bạc ở làng Đồng Xâm mỗi năm đã mang về cho xã Hồng Thái hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển thì vấn đề ô nhiễm môi trường nơi đây theo thời gian đang ngày càng nghiêm trọng. Trung bình một tháng làng nghề sử dụng khoảng 5 tấn thau, 2 tạ bạc để làm ra các loại mặt hàng như lư hương, đĩa quả, hoa tai, nhẫn, vòng, lắc... Đó là “thủ phạm” khiến cả làng phải sống trong ô nhiễm.

 

Mặt khác, do các hộ sản xuất thường xuyên sử dụng axit để rửa bề mặt kim loại nên nguồn nước thải ở đây có rất nhiều thành phần độc hại, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 – 2 lần. Điều đáng chú ý là người lao động nơi đây phải tiếp xúc với các loại hoá chất và khỏi bụi hàng ngày nhưng họ chỉ có khẩu trang để chống ô nhiễm.

 

Trước thực trạng trên, tháng 5/2004 tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường tập trung tại địa phương nhưng tình trạng ô nhiễm chưa được cải thiện. Lý do, vì đây là nghề gia truyền nên mỗi cơ sở có một bí quyết sản xuất riêng dẫn đến việc tập trung lại để sản xuất tại một địa điểm là điều khó thực hiện. Vậy là việc xử lý chất thải  trong quá trình sản xuất ở đây vẫn được thực hiện với những dụng cụ hết sức thô sơ và lạc hậu. Thậm chí, chất thải không được xử lý còn đổ thẳng ra mương máng, ao hồ xung quanh gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước một cách nghiêm trọng. Ngày qua ngày, những người thợ chạm bạc và người dân làng Đồng Xâm phải hít thở bầu không khí ô nhiễm với mùi nồng nặc của hoá chất kết tủa trong quá trình phân kim vàng bạc gây tức ngực, khó thở. Điều đó có thể lý giải vì sao nhiều người dân ở đây dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp, tim mạch...

 

Môi trường trở thành vấn đề bức xúc

 

Không chỉ ở làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, hiện nay các làng nghề khác trên địa bàn tỉnh ta tình trạng ô nhiễm môi trường cũng đang diễn ra hết sức phức tạp và việc tìm ra giải pháp xử lý dường như “nằm ngoài khả năng”. Sự phát triển của các làng nghề đang góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Thế nhưng, những chất thải phát sinh từ các làng nghề đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động trực tiếp tới sức khoẻ của người dân và ngày càng trở thành vấn đề bức xúc. Chất lượng môi trường hầu hết khu vực sản xuất trong các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn. Các nguy cơ mà người lao động tiếp xúc khá cao: 95% người lao động tiếp xúc với bụi, 85% tiếp xúc với nhiệt, 59,6% tiếp xúc với hóa chất.

 

Do quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, đan xen trong khu dân cư nên đây là loại hình ô nhiễm khó quy hoạch và kiểm soát. Cùng với xu hướng phát triển, mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề cũng có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, là ô nhiễm chất hữu cơ tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ. Hầu hết các chất thải rắn tại các làng nghề chưa được thu gom xử lý mà xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng không khí và các nguồn nước tại các địa phương.

 

Ô nhiễm môi trường làng nghề có tác hại rất lớn đến sức khoẻ cộng đồng dân cư. Ở nhiều làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh, nhất là nhóm người trong độ tuổi lao động đang có xu hướng tăng cao. Mỗi làng nghề thường có nguy cơ ô nhiễm môi trường đặc trưng vì vậy ảnh hưởng của các hoạt động làng nghề đến sức khoẻ người dân cũng khác nhau. Ô nhiễm môi trường làng nghề còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động kinh tế, xã hội của chính các làng nghề, gây ra những tổn thất không nhỏ về kinh tế và dẫn đến những xung đột môi trường trong cộng đồng. Một điều đáng chú ý là các chủ cơ sở sản xuất vẫn chưa quan tâm đến quyền lợi bảo vệ sức khoẻ cho người lao động. Nhiều cơ sở còn không trang bị những thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân.

 

Bảo vệ môi trường làng nghề theo hướng phát triển bền vững

 

Hiện nay, công tác quản lý môi trường làng nghề còn nhiều hạn chế. Hệ thống quy phạm pháp luật  chưa đầy đủ, chưa cụ thể hoá. Bên cạnh đó, công tác xã hội hoá bảo vệ môi trường làng nghề chưa được triển khai sâu rộng, chưa huy động được nguồn lực xã hội. Việc ứng dụng công nghệ môi trường tại các làng nghề chưa được chú trọng đúng mức. Do đó, bảo vệ môi trường làng nghề theo hướng phát triển bền vững là việc làm cấp thiết. Trước hết, phải chú trọng đến các chính sách phát triển bền vững làng nghề. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường làng nghề để các cơ sở sản xuất kinh doanh hiểu rõ và nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường.

 

Các làng nghề cần tiến hành xây dựng quy định về vệ sinh môi trường dưới dạng các quy định, hương ước, cam kết bảo vệ môi trường. Tăng cường các hoạt động giám sát môi trường làng nghề và thực hiện kiểm kê nguồn thải. Việc quy hoạch không gian làng nghề phải gắn với bảo vệ môi trường, đồng thời di dời các cơ sở gây ô nhiễm nặng ra khỏi khu dân cư. Quy hoạch tập trung  theo cụm công nghiệp nhỏ cần tránh xa khu dân cư và quy hoạch đồng bộ mặt bằng sản xuất, cơ sở hạ tầng như đường giao thông,  hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống thông tin, thu gom và xử lý nước thải, chất thải để xử lý tập trung. Tăng cường  mạnh mẽ công tác quản lý môi trường tại các làng nghề. Khuyến khích các cơ sở sản xuất áp dụng các giải pháp sản xuất sạch  hơn để vừa giảm lượng phát thải, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường làng nghề theo hướng phát triển bền vững.

 Ngọc Mai

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày