Thứ 6, 26/07/2024, 06:23[GMT+7]

Thực trạng người lao động tại các khu công nghiệp ở Thái Bình

Thứ 5, 17/11/2011 | 16:09:49
1,938 lượt xem
Tại các khu công nghiệp nói chung và doanh nghiệp nói riêng vẫn còn thiếu các thiết chế văn hoá, thiếu các phương tiện giải trí cho người lao động như: sách, báo, phương tiện nghe nhìn, sân thể thao... Do đó sự hiểu biết, nhận thức của người lao động về các kiến thức xã hội còn hạn chế. Đặc biệt đối với lao động nữ, các kiến thức về sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình ít được cập nhật thông tin.

Công nhân nữ ngành may mặc không có thời gian tham gia các hoạt động xã hội.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 6 khu công nghiệp tập trung và 19 cụm công nghiệp đang hoạt động, với 298 dự án đã đi vào sản xuất. Theo thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp là 93.828 người. Về trình độ học vấn và tay nghề của đội ngũ công nhân lao động: tốt nghiệp THCS, PTTH chiếm 84,9%; đại học và cao đẳng 9,6%; trung cấp 5,5%. Công nhân lao động qua đào tạo nghề chiếm 42,4%; công nhân lao động phổ thông được đào tạo ngắn hạn tại doanh nghiệp và chưa qua đào tạo nghề: 57,6%.

 

Toàn tỉnh có khoảng 92 nghìn thanh niên công nhân, độ tuổi từ 16 đến 30, chiếm khoảng 70,1% đội ngũ công nhân lao động, tỷ lệ nữ 73% (chủ yếu làm việc trong các doanh nghiệp dệt, may), tỷ lệ lao động từ nông thôn chiếm trên 70%. Về cơ bản, tay nghề của công nhân bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh, song năng suất và hiệu quả lao động vẫn còn hạn chế, đặc biệt là đối với những ngành sản xuất đòi hỏi trình độ tay nghề cao.

 

Tính đến tháng 6/2011, toàn tỉnh đã thành lập mới 8 tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp, nâng tổng số cơ sở Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp lên 84 cơ sở. Cụ thể có 81 cơ sở Đảng và chi đoàn trực thuộc, 3 cơ sở Hội, thu hút 7.618 đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt, chiếm 8,3% số thanh niên, công nhân hiện có. Các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên bước đầu phát huy được vai trò chức năng của mình như: tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động nhân đạo, từ thiện; tổ chức các hội thi tay nghề, thi thợ giỏi, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật... giúp thanh niên có thêm cơ hội nâng cao tay nghề, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.

 

Tuy nhiên, các khu công nghiệp nói chung và doanh nghiệp nói riêng vẫn còn thiếu các thiết chế văn hoá, thiếu các phương tiện giải trí cho người lao động như: sách, báo, phương tiện nghe nhìn, sân thể thao... Do đó sự hiểu biết, nhận thức của người lao động về các kiến thức xã hội còn hạn chế. Đặc biệt đối với lao động nữ, các kiến thức về sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình ít được cập nhật thông tin. Khó khăn lớn nhất của lao động nữ là việc chăm sóc con cái sau khi có gia đình (vì thiếu nhà trẻ, mẫu giáo, phải làm việc tăng giờ). Bên cạnh đó, tiền lương và thu nhập của người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung còn thấp, với mức bình quân chung là 1,7 – 2 triệu đồng/người/tháng. Một số doanh nghiệp đã có chế độ tiền ăn giữa ca cho người lao động, tuy nhiên vẫn còn ở mức thấp (khoảng 10.000/bữa/người).

 

Thời gian gần đây, thu nhập thực tế của người lao động không những không được cải thiện mà còn có xu hướng giảm sút do giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng nhanh trong khi tiền lương, các khoản thu nhập không được tăng. Sự phát triển của các khu công nghiệp trong những năm qua vừa qua đã tạo sức hút mạnh về lao động, làm tăng nhu cầu về nhà ở, song hầu hết các doanh nghiệp đầu tư trong các khu công nghiệp chưa xây dựng nhà ở tập thể cho người lao động. Việc tổ chức cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật được doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thực hiện và đã đạt một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn một số bất cập.

 

Đến nay, có hơn 95% số người lao động tại 6 khu công nghiệp tập trung và các cụm công nghiệp ở các huyện được tham gia bảo hiểm xã hội, riêng các khu công nghiệp, có 38.450/39.650 người lao động tham gia, đạt 97% vẫn còn một bộ phận không nhỏ người lao động chưa được tham gia bảo hiểm xã hội. Ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tỷ lệ người lao động được tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp hơn. Hiện tượng trốn tránh và nợ đọng bảo hiểm đã từng bước được khắc phục nhưng vẫn còn chậm. Công tác chăm sóc y tế, sức khoẻ cho người lao động tại các khu công nghiệp và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của người lao động còn rất thấp. Việc giám sát môi trường lao động còn hạn chế.

 

Một số doanh nghiệp có số lượng lao động lớn đã thành lập phòng y tế và hợp đồng với các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để tổ chức khám chữa bệnh ban đầu cho người lao động tại doanh nghiệp (mới chỉ có 30% số doanh nghiệp đang hoạt động có phòng y tế). Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh công nghiệp cho người lao động đã được các doanh nghiệp quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế, (80% số doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, trong đó chỉ có 40% số bếp ăn đạt yêu cầu).

 

Minh Thuý

(Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ TB)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày