Được mùa và nỗi trăn trở của người làm ruộng
Ảnh minh họa nguồn internet
Dắt xe vào cổng, theo ngõ về sân. Đập vào mặt tôi là hai dãy bì lúa phổng phao xếp thành hàng dài trước hiên nhà chị. Tôi ngạc nhiên hết sức: “- Ghê quá nhỉ? Đã gặp và tuốt bao giờ mà có thóc chờ phơi thế này?”. – Đang sẩy nốt mẻ rẹp cho gọn, chị ngẩng lên nhìn tôi: “- Vừa mới sớm nay đấy chú ạ! Chưa đầy một tiếng đồng hồ, bốn sào gặt máy tuốt luôn tại ruộng, nhà chủ chỉ việc cho thóc lên xe rồi chở về phơi”. Tôi gật gù: “- Hay đấy! Tưng đây lúa, bấy diện tích mà chị đi thuê người gặt liềm như mọi năm thì phải tám thợ mới xong. Trời nắng nóng thế này, công thuê vụ này cứ phải là trăm hai mà vẫn không mướn được người”. Anh chồng chị ngắt lời tôi: “Đúng vậy! Nhưng với thợ thì họ chỉ có cắt, xén ra thôi, còn bó, chở về nhà, tìm máy tuốt là chủ phải lo”.
- Vậy công xá máy gặt họ tính với bác thế nào? – Tôi hỏi. Chị vợ nhanh nhảu: “-Chả có bao nhiêu? Chỗ này chỉ hết có ba trăm hai. Chú bảo đang còn cây lúa ngoài đồng, giờ về chỉ có việc phơi săn, rê sạch rồi đổ vào hòm sướng quá chứ chú!”. Tôi khoát tay tán thưởng: “- Thật là tuyệt vời, nếu bốn sào này tám thợ cắt liềm, riêng tiền công trả họ đã hết chín trăm sáu rồi, lại còn phải: kem chuối, chanh đá, bánh mỳ, dưa hấu... phục vụ thợ ăn lúc giải lao nữa chứ!”. Chị cười mỉm nhưng vẻ mặt thì tỏ ra xởi lởi: “Chú ơi! Những thứ đó thì nói làm gì? Làng nước thế nào thì mình thế vậy!”. Tôi tỏ thái độ phản ứng: “- Thế chị bảo người cấy ruộng không tính vào thóc thì còn tính vào đâu? Đơn giá theo chỉ đạo vụ này là ba ngàn rưởi một cân thóc? Riêng mấy cái thứ mà chị động viên thợ khi giải lao cũng phải đi đứt gần một bì thóc để kia của chị rồi đấy!” chị công nhận: “Điều ấy thì đúng rồi, nhưng cái được chính là thu hoạch nhanh gọn. Còn với công xá máy móc thì chỉ bằng một phần ba giá thành đi thuê mướn nhân công lao động tự do, giải phóng sức lao động được nhiều đấy chú ạ”.
Hoà cùng với sự phấn chấn của chị, tôi hạ giọng: “Sao mà Nhà nước còn thấu tỏ tới nỗi vất vả của nông nghiệp, có giải pháp cho nông dân vay vốn bằng số tiền lớn, với lãi xuất không đáng kể nên trên thôn bác sớm có cái máy liên hoàn này, nếu không, nhà bác muốn gặt, thuê cũng chẳng được người, lại đến phải huy động con cái vào chủ nhật mới xong”. Chị bữu môi: “Gớm! Chú bảo bọn nó đi làm công ty cả tuần đã mệt mỏi rồi, được ngày nghỉ nể bố mẹ mà đi gặt, chúng cũng chẳng hào hứng gì? Rồi lại “Ăn cơm gà gáy cất binh nửa ngày”, đã chẳng được mấy công việc, lại khệnh khạng, rềnh ràng hệt như ông cán bộ hành chính thời bao cấp đi “lao động xã hội chủ nghĩa” giúp dân. Một cái cắt, mấy cái thưỡn sao bằng các thợ chuyên “đánh thuê” mà đòi gặt xong bốn sào một ngày hả chú. Chẳng thà bảo chúng đưa tiền bố mẹ tự giải quyết là hay nhất. Để bố mẹ chúng mày không vất vả, mỗi đứa cho tao một trăm để trả tiền máy gặt là được rồi!”.
Vẫn còn cay cú về mấy cái máy “cào cào” chuyên cày nông bừa trớt mà lại chém đau, anh chồng bây giờ mới lên tiếng: - “Nghĩ lại mấy vụ trước mà bực, cực chẳng đã khâu làm đất. Hợp tác thì chẳng quản lý được để cho mấy thằng bất nhân với máy nhỏ lẻ, cò con tự tung tự tác mỗi vụ chúng tăng đến mươi giá mà lại cày dối, bừa điêu. Vợ chồng tôi đã phải đặt cây mạ ngồi trên vỡ cày để cho kịp thời vụ mà vẫn cứ phải tim lặng trả tiền. Bây giờ chỉ cần mỗi thôn có một máy liên hoàn cỡ hai trăm triệu với 4 chức năng: gặt, tuốt, cày, bừa thì mấy thằng có máy nhỏ lẻ, làm đểu cũng phải bán máy, giải nghệ”.
- “Nghe Đài nói nông nghiệp được mùa, năng suất bình quân 60 tạ/ha, bốn sào của bác chỗ này được trên 1 tấn không? Tôi hỏi. Chị chỉ tay vào mấy bao thóc mà bào: “Cứ trông bì, tính thúng thì ra. Nó chỉ được từng thửa từng nhà thôi. Chứ nhiều nhà lúa xấu “dã man”. Cấy xuống trỗ lên đã không gặp bơm, bị hạn, chăm sóc phòng trừ tuy có kịp thời nhưng nhiều nhà cũng chỉ đạt tạ tám một sào. Còn với nhà tôi trông vậy cũng chỉ đạt hai tạ. Anh chồng phụ hoạ: “Công nhận lúa năm nay mẩy ông ạ! Phơi săn đổ hòm không phải rê cũng được. Xem như vậy đài nói nông nghiệp được mùa là cũng không sai.
Bà cụ ngồi trong hiên thấy vui chuyện, nhả vội miếng bã trầu nói chòi ra: “Lại nói đến được mùa, những năm tôi còn làm đội phó đội sản xuất, thật không biết để đâu cho hết thóc. Nhà trên nhà dưới cót quây chồng lá đôi lá ba, trở ra vuốt ngọn cót thóc, trở vào vỗ vỗ bì thóc chỉ nhìn những lá thóc đầy là đã no rồi. Mắt no, bụng vui thì lại càng hăng. Kéo đá suốt đêm, chưa tới ba giờ sáng đã chồng nào vợ ấy gánh phân ra ruộng, vạc bờ cuốc góc trưa trặt mới về. Nhếu nháo mắm dưa có gì ăn nấy, chưa bỏ bát đã giục nhau đi làm...”. Tôi ngắt lời cụ: “Bây giờ được mùa nhìn đống thóc bắc thơm to như đống rơm mà chả vui à bà”. Cụ đưa tay vuốt quết trầu hai méo, cười đôn hậu: “Vui cũng vừa vừa thôi “ông” ạ! Trông thế mà đã chi phí vào nó già nửa rồi đấy! Này nhé: cày, bừa, gặt, tuốt, giống má, đạm lân, thuốc sâu, thuốc chuột rặt những tiền là tiền. Vạc bờ, cuốc góc, vơ cỏ, phun thuốc, làm mạ, cấy lúa là công việc của mình. Nếu không làm được thì cứ phải bỏ tiền ra mà thuê. Lại còn bao nhiêu nỗi lo lắng vất vả, lận đận ốm vì ruộng. Nhà nông mà không làm ruộng thì làm gì? Ở thôn bên, mấy bà sang đây thuê ruộng cấy để lấy thóc ăn đấy! Nhưng giá phải nhẹ, ruộng phải ngon người ta mới làm.
Cấy ruộng ai mà chả phải làm nghĩa vụ với Nhà nước, nhưng cũng chẳng đáng bao nhiêu? Nhà nước gần như cho dân cấy ăn không. Cứ xem như sổ sản nhà tôi đủ thấy: Sáu sào chỉ phải nộp lên xã có tạ hai thóc cả năm nhưng để làm ra nó thì như tôi vừa tính với “ông” rồi đấy”... Tôi và anh chị chủ nhìn nhau cùng cười. Xem ra bà cụ nói rất có lý. Được mùa người cấy ruộng chưa hẳn là đã có niềm vui lớn.
Duy Hậu
(Vũ Thư)
Tin cùng chuyên mục
- Hà NộiBàng hoàng 100 ngôi mộ “mất tích” trong đêm 26.08.2010 | 13:46 PM
- Chuyện Bác Hồ làm báo ở Pari 26.08.2010 | 13:51 PM
- Những linh hồn phiêu dạt Không chỉ là chuyện của hai người lính 09.08.2010 | 15:22 PM
- Bệnh "nhồi kiến thức" 26.08.2010 | 14:49 PM
- Cô gái 20 tuổi ''ngủ'' trong mộ 300 năm 12.08.2010 | 17:06 PM
- Tàu ngầm Kursk - 10 năm với nguyên vẹn nỗi tiếc thương 13.08.2010 | 07:56 AM
- Vedan đồng ý đền bù 100% thiệt hại cho nông dân 2 tỉnh 10.08.2010 | 07:14 AM
- Diêm Điền “ôm” rác 10.08.2010 | 09:20 AM
- Mánh khóe làm tiền của "dân" IT 17.08.2010 | 16:40 PM
- Thái Bình loạn xe buýt 10.08.2010 | 09:30 AM
Xem tin theo ngày
-
Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Khởi công dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị