Thứ 4, 07/08/2024, 06:32[GMT+7]

Cần khắc phục triệt để những vi phạm về bảo vệ môi trường tại khu vực cảng cá Tân Sơn

Thứ 3, 13/12/2011 | 10:23:57
1,251 lượt xem
Năm 2007, do không đủ kinh phí trả lương cho cán bộ nên tổ quản lý khu vực ngư nghiệp Tân Sơn ngừng hoạt động để người dân và các phương tiện đánh bắt cá ra vào tự do. Các chất thải như túi nilon, cá, dầu thải, rác thải từ các tàu thuyền khi về cảng để rơi vãi khắp nơi hoặc trút hết xuống biển...

Cảng cá Tân Sơn thuộc địa phận xã Thụy Hải ( huyện Thái Thụy) được xây dựng từ năm 1999.  Hàng ngày có khoảng 60 tàu đánh bắt cá của ngư dân xã Thụy Hải, Thụy Xuân và một số xã lân cận ra vào. Năm 2007, do không đủ kinh phí trả lương cho cán bộ nên tổ quản lý khu vực ngư nghiệp Tân Sơn ngừng hoạt động để người dân và các phương tiện đánh bắt cá ra vào tự do. Các chất thải như túi nilon, cá, dầu thải, rác thải từ các tàu thuyền khi về cảng để rơi vãi khắp nơi hoặc trút hết xuống biển. Người dân phơi cá vụn, đầu tôm, chượp cá trên cảng cũng gây mùi làm ô nhiễm không khí. Nước thải phát sinh trong quá trình bốc dỡ cá, vận chuyển không được thu gom vào đúng nơi quy định.

 

Quanh cảng cá Tân Sơn có 4 doanh nghiệp là: Công ty TNHH chế biến hải sản Biển Đông, Công ty TNHH Vạn Đạt, Công ty TNHH chế biến thực phẩm RichBeauty, Nhà máy chế biến bột cá Thụy Hải hoạt động, xử lý nước thải không triệt để thải trực tiếp ra khu vực cảng cá. Bãi rác thải của xã Thụy Hải gần khu vực cảng cá chưa được đầu tư xây dựng theo đúng quy định. Nước thải sinh hoạt trong khu dân cư gần đó xả thải trực tiếp ra khu vực cảng cộng thêm rác thải, bèo tây khi mở cống Trà Linh không được thu gom, gây ứ đọng, bồi lắng tại cảng.

 

Báo cáo kết quả kiểm tra ô nhiễm môi trường tại cảng cá( ngày 10/6/2011) của Sở Tài nguyên & Môi trường đã kết luận: chính  những nguyên nhân trên đã tác động, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực cảng cá Tân Sơn. Vào ngày 8/8/2011, một số người dân của xã Thụy Hải lấy lý do Nhà máy bột cá Thụy Hải hoạt động gây ô nhiễm môi trường nước và khí thải, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân nên đã dùng xi măng, cát, gạch, đá đắp thành bờ xếp chặn 2 cổng không cho nhà máy hoạt động khiến 4 tháng nay công nhân phải nghỉ việc, hàng nghìn ngư dân lao đao, mất một nguồn thu nhập đáng kể vì không bán được cá cho nhà máy.

 

Trước những bức xúc nêu trên, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ huyện Thái Thụy 500 triệu đồng để khắc phục tình trạng ô nhiễm tại khu vực cảng Tân Sơn đồng thời giao cho huyện làm chủ đầu tư cải tạo, nâng cấp cảng cá kết hợp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Tân Sơn.

 

Cuối tháng 9/2011, Sở Tài nguyên & Môi trường đã tiến hành kiểm tra, giám định mẫu nước thải công nghiệp và xử phạt hành chính đối với  Công ty TNHH Vạn Đạt, Công ty TNHH chế biến hải sản Biển Đông vì đã xả thải nước chưa đạt tiêu chuẩn gây ô nhiễm môi trường. Phối hợp với huyện Thái Thụy, các sở, ngành liên quan giám sát chặt chẽ 4 doanh nghiệp: thực hiện các biện pháp khắc phục vi phạm về bảo vệ môi trường. Đến nay cả 4 doanh nghiệp nói trên đã đầu tư kinh phí nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom, xử lý nước thải, khí thải. Tổ giám sát khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại cảng cá đã phối hợp với Công an tỉnh, chỉ đạo các ngành chức năng, UBND xã Thụy Hải dỡ lều, lán trại khu cảng cá, không cho các hộ dân sử dụng  mặt sân cảng phơi cá, chượp cá, tổ chức lực lượng thu gom rác thải, bèo tây ứ đọng tại khu vực cảng.

 

Hiện nay tổ công tác của huyện đang phối hợp tích cực với chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân và đề ra các biện pháp xử lý cứng rắn đối với những đối tượng có biểu hiện quá khích, kích động, sớm tháo dỡ đập chắn cổng tại Nhà máy bột cá Thụy Hải để nhà máy đi vào hoạt động, bảo đảm lập lại trật tự khu vực.

 

Mặc dù UBND huyện Thái Thụy, các ngành chức năng tập trung chỉ đạo khá quyết liệt nhưng theo đánh giá của Sở Tài nguyên & Môi trường, đến nay tiến độ thực hiện khắc phục những tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường tại khu vực cảng cá Tân Sơn vẫn chậm. Tổ kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đã tổ chức kiểm tra 13 hộ kinh doanh, chế biến hải sản tại thôn Quang Lang Đoài, Quang Lang Đông (xã Thụy Hải) và đã xác định: hầu hết nước thải từ quá trình chế biến thủy hải sản, nước thải sinh hoạt trong khu dân cư không được xử lý mà  thải trực tiếp  ra môi trường gây mùi hôi thối, ô nhiễm nước sông và môi trường khu vực cảng cá. Tuy nhiên, việc kiểm tra lần này vẫn chưa áp dụng các biện pháp kỹ thuật là thuê đơn vị tư vấn lấy mẫu chất thải quan trắc, phân tích để có cơ sở xác định tính chất, mức độ vi phạm và yêu cầu khắc phục triệt để vi phạm về bảo vệ môi trường của từng hộ.

 

Đến thời điểm này, UBND xã Thụy Hải vẫn chưa quy hoạch được vị trí bãi xử lý rác thải sinh hoạt của xã, chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý người dân khu vực cảng cá Tân Sơn và một số người dân thị trấn Diêm Điền đổ rác ra khu vực giáp nghĩa trang xã nên tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt khu vực cảng cá vẫn chưa được khắc phục triệt để. Các phương tiện vận chuyển, đánh bắt, thu mua hải sản vẫn hoạt động tự do ở khu vực cảng.

 

Hiện tại, đập chắn cổng  vào Nhà máy chế biến bột cá thủy sản Thụy Hải vẫn chưa được tháo dỡ nên nhà máy vẫn chưa thể vận hành hoạt động thử nghiệm hệ thống thu gom, xử lý nước thải, khí thải  mới được đầu tư nâng cấp để các cơ quan chức năng có cơ sở, căn cứ đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường của đơn vị. Vì vậy, đề nghị UBND huyện cần sớm khắc phục những tồn tại trong trong công tác bảo vệ môi trường tại khu vực cảng cá. Giám sát 4 doanh nghiệp khắc phục triệt để những vi phạm ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ xã Thụy Hải xác định vị trí quy hoạch bãi xử lý rác thải sinh hoạt của xã, hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm túc, đổ rác thải vào đúng nơi quy định. Vận động các hộ dân tự thu dỡ hoặc tổ chức thu dỡ đập chắn cổng vào Nhà máy chế biến bột cá Thụy Hải để đưa nhà máy vào hoạt động bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp, hàng nghìn ngư dân và trả lại môi trường trong sạch cho khu vực cảng cá Tân Sơn.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày