Thứ 5, 01/08/2024, 01:23[GMT+7]

Quản lý khai thác cát ở Quỳnh Phụ Thừa giải pháp, thiếu quyết tâm

Thứ 5, 12/01/2012 | 15:56:06
817 lượt xem
Trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ có hai tuyến sông lớn chảy qua là sông Hoá và sông Luộc với tổng chiều dài 35,5km. Mặc dù cả hai tuyến sông này không có mỏ cát nào nằm trong diện khai thác giai đoạn 2006- 2010 và quy hoạch khai thác giai đoạn 2011- 2015 nhưng hàng ngày, hàng giờ hoạt động khai thác cát trái phép vẫn diễn ra tấp nập gây ảnh hưởng không nhỏ tới các công trình phòng chống lũ bão và hoạt động sản xuất nông nghiệp của các xã duyên giang.

Bãi tập kết, kinh doanh VLXD tại xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ)

Tuyến sông Hoá nằm trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ có chiều dài 16km chảy qua 8 xã khu An, tuyến sông Luộc có chiều dài 19,5km cũng chảy qua 8 xã gồm 6 xã khu Quỳnh và 2 xã khu An. Tại các xã, thị trấn có hai tuyến sông chảy qua hiện có 36 bãi tập kết vật liệu xây dựng với diện tích mỗi bãi từ 500- 3.000m2. Hầu hết các bãi nói trên đều do UBND xã sở tại cho thuê, mượn làm bãi tập kết, trung chuyển và kinh doanh VLXD. Mỗi năm, các bãi tập kết VLXD đóng góp cho ngân sách xã khoảng 700 triệu đồng. Trong số 36 bãi tập kết VLXD, có 10 bãi vừa là nơi kinh doanh vừa là chủ phương tiện tàu thuyền khai thác cát trái phép, tập trung chủ yếu tại các xã Quỳnh Hoàng, Quỳnh Giao, An Ðồng, An Khê.

Theo Hạt quản lý đê điều huyện Quỳnh Phụ, tại hai tuyến sông Hoá và sông Luộc thường xuyên có khoảng 30 tàu thuyền tham gia khai thác cát, tập trung tại các đoạn sông thuộc địa phận các xã Quỳnh Giao, Quỳnh Lâm, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Hoa, An Khê, An Ðồng, An Ninh và thị trấn An Bài. 100% các tàu thuyền tham gia khai thác cát đều không có giấy phép và các thủ tục liên quan đến khai thác khoáng sản. Các tàu thuyền khai thác cát bằng cách sử dụng vòi sục hút trực tiếp. Sản phẩm thu được chủ yếu là loại cát phục vụ san lấp mặt bằng các công trình xây dựng vốn đang có nhu cầu rất lớn trên thị trường. Thời gian khai thác cát chủ yếu diễn ra vào ban đêm, ban ngày hầu hết các tàu thuyền đều ngừng hoạt động, neo đậu hai bên bờ sông.

Tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra thường xuyên, liên tục trong thời gian dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân các xã duyên giang. Tại các xã Quỳnh Hoàng, Quỳnh Lâm, Quỳnh Hoa việc khai thác cát đã làm sạt lở sâu vào vùng sản xuất từ 10- 25m, trung bình khoảng 20m phía ngoài đê bối. Riêng bờ sông khu vực thôn An Lộng, xã Quỳnh Hoàng có chỗ mép nước chỉ còn cách đê bối khoảng 1m, bờ sông gần như dốc đứng, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của 36ha đất bãi ven sông. Tại xã An Khê, chỉ trong vòng 6 năm (2005- 2010), qua kiểm kê đất đai cho thấy có tới 9.000m2 vùng đất bãi thuộc các thôn Lộng Khê 1, Lộng Khê 2, Hiệp Lực, Ðại Ðồng đã biến mất khỏi bản đồ canh tác. Còn tại xã An Ðồng, hoạt động khai thác cát đã làm sạt lở hơn 11.000m2 đất canh tác nông nghiệp hàng năm... Ðặc biệt việc neo đậu và khai thác cát trái phép của các tàu thuyền còn gây cản trở giao thông đường thuỷ và làm ảnh hưởng đến các công trình phòng chống lũ bão, nhất là việc tập kết vật liệu xây dựng làm xô tụt đá của các tuyến kè trên đê.

Trước tình trạng khai thác cát trái phép diễn biến ngày càng phức tạp, huyện Quỳnh Phụ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2009- 2015, định hướng đến năm 2020, đồng thời phân công trách nhiệm bảo vệ môi trường cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Ðể khắc phục tình trạng các xã cho thuê đất làm bãi kinh doanh VLXD không đúng thẩm quyền, UBND huyện đã có văn bản yêu cầu các xã chấm dứt hợp đồng với các cơ sở này, những trường hợp phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì hoàn tất các thủ tục, hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành gồm công an, tài nguyên- môi trường và UBND các xã duyên giang tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm...

Tuy nhiên những giải pháp nói trên vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn, việc khai thác cát trái phép vẫn là chủ đề nóng của người dân các xã duyên giang trong các kỳ tiếp xúc cử tri. Nguyên nhân là do nhu cầu về cát xây dựng và san lấp trũng ngày càng nhiều, lợi nhuận thu được từ khai thác cát trái phép là rất lớn nên dù biết sai luật nhưng các chủ tàu vẫn cố tình làm. Trong khi đó hoạt động khai thác cát diễn ra khá tinh vi, một số chủ tàu đã tìm cách lách luật và tránh né cơ quan chức năng. Hoạt động khai thác thường diễn ra vào đêm khuya và thay đổi địa điểm liên tục nên rất khó tiếp cận phương tiện để kiểm tra. Việc khai thác cát không chỉ diễn ra trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ mà còn liên quan đến các huyện lân cận như Ninh Giang, Thanh Miện (Hải Dương) và Vĩnh Bảo (Hải Phòng) nên khi có đoàn kiểm tra các phương tiện sẽ di chuyển sang địa giới hành chính các huyện khác khiến cho việc kiểm tra, xử lý không thực hiện được.

Mặt khác, đa số lao động trên các tàu thuyền trực tiếp khai thác cát lại là người làm thuê còn chủ phương tiện thường vắng mặt nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Trường hợp phải tạm giữ phương tiện cũng không hề đơn giản bởi các tàu thuyền khai thác cát rất cồng kềnh, khi thu giữ sẽ khó bố trí nơi neo đậu an toàn và không có lực lượng để canh coi. Ðặc biệt các chế tài xử phạt hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe, ngoại trừ lực lượng thanh tra tài nguyên môi trường cấp tỉnh là có thẩm quyền xử phạt tương đối lớn còn các lực lượng chức năng cấp huyện chỉ có thẩm quyền xử phạt mức rất thấp.

Thời gian tới nếu không khắc phục được hai vấn đề về sự phối hợp liên ngành giữa các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện, cũng như giữa huyện Quỳnh Phụ với các huyện giáp ranh và tăng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm thì tình trạng khai thác cát trái phép sẽ còn diễn biến phức tạp và dĩ nhiên các chủ phương tiện khai thác cát sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất.

Vũ Mạnh

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày