Thứ 4, 24/07/2024, 04:24[GMT+7]

Buồn vui giữa phố lồng đèn

Thứ 2, 16/01/2012 | 11:11:02
887 lượt xem
Thời gian lặng lẽ đi qua, mọi sự thay đổi đến chóng mặt. Có mấy người còn quan tâm giữ lại những cái truyền thống, cái hồn cốt của dân tộc như gia đình ông lão nông thôn quê mà tôi gặp. Phải chăng nét đẹp truyền thống cứ ngày càng mai một nhường chỗ cho sự lai căng học đòi chỉ vì những suy nghĩ hời hợt của chúng ta.

Đèn lồng Trung Quốc được bầy bán trên phố Minh Khai (Thành phố Thái Bình). Ảnh: Quang Viện

Tôi nhớ hai tết trước, một buổi tối gần 30 tết, ông tổ trưởng dân phố tổ tôi sau khi đến chơi nhà con giai về hể hả kể với cả xóm: phố thằng Dũng nhà tôi, mọi nhà treo đèn lồng đỏ đẹp lắm! Xuýt xoa khen, rồi như để làm gương, sáng sớm hôm sau, ông đi mua ngay một đèn lồng to mãn nguyện mắc giây điện treo lên trước nhà. Ngắm đèn lồng đỏ, nhiều người tấm tắc khen rồi cũng bắt chước tổ trưởng mua đèn về treo. Được đà, ông tổ trưởng lên tiếng phát động các gia đình trong tổ. Có nhiều ý kiến không đồng tình, song nhà nọ nhìn nhà kia, tết ai cũng muốn giữ hoà khí nên đến chập tối, hầu như trước cửa nhà nào cũng treo đèn lồng đỏ.

Đêm ấy và suốt tết, cả phố rực sáng đèn lồng. Sang tết năm sau, các gia đình trong tổ không còn phải lo chuyện treo đèn mà ngay từ giáp tết, tổ đã huy động các hộ đóng tiền, mắc một giây điện chung, vài mét treo một đèn lồng đỏ. Đèn lồng cũng được thắp sớm, ngay từ Tết ông Táo, đến qua mồng 10 mới tháo. Những chiếc đèn lồng được ông tổ trưởng trách nhiệm cất đi, đường dây điện cũng giữ lại để chờ tết năm tới.

Không chỉ ở phố tôi, rất nhiều tuyến phố khác trong thành phố đều thắp đèn lồng như vậy. Là tuyến phố trung tâm với nhiều cửa hiệu buôn bán và quán cafê, Minh Khai có lẽ là phố khởi xướng lên phong trào "phố đèn lồng". Nhà nhà đều mua đèn lồng Trung Quốc treo trước cửa. Bắt đầu từ phố Minh Khai, các phố đèn lồng khác cũng mọc lên khắp nơi trong thành phố và nhanh chóng lan xuống các thị trấn và cả các đoạn đường trung tâm xã. Có nơi việc thắp đèn lồng tuỳ thuộc vào các hộ gia đình nhưng cũng có nơi tổ dân phố đứng lên chỉ đạo. Xung quanh việc chơi đèn lồng và hình thành các phố đèn lồng cũng có nhiều tranh luận.

Trước hết phải khẳng định, trừ phố cổ Hội An thì khắp nơi trên đất nước ta từ xưa đến nay việc thắp đèn lồng không phải là truyền thống của người Việt. Đèn lồng phố cổ Hội An cũng là đèn lồng đủ màu sắc, hình dáng, kích cỡ chứ không phải là "đèn lồng đỏ treo cao" như của Trung Quốc. Song vài năm gần đây, có lẽ cùng với sự du nhập ồ ạt những mặt hàng gia dụng khác của Trung Quốc sang Việt Nam, đèn lồng cũng vì đó mà theo sang. Hình dáng đẹp, giá cả lại phải chăng nên không ít gia đình đã mua thắp làm đèn trang trí nhân dịp tết. Rồi cứ thế, nhà này nhìn nhà kia học theo, thị trường đèn lồng đã lên ngôi trong mấy tết gần đây. Các phố treo nhiều đèn lồng Trung Quốc cũng vì thế mà hình thành. T

heo báo chí đưa tin thì không chỉ có ở Thái Bình, nhiều tỉnh, thành phố khác (phần lớn là những tỉnh, thành phố phía Bắc có cửa khẩu và cảng biển thông thương với Trung Quốc) cũng đã mọc lên các "phố đèn lồng". Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, lịch sử cũng như người dân đã lên tiếng không đồng tình với "phố đèn lồng". Bởi theo các ý kiến này, việc thắp đèn lồng không chỉ là sự học đòi, lai căng mà còn là một hành động lãng phí. Ngoài việc tiêu tốn tiền cho việc mua đèn, giây điện, lãng phí lớn nhất là mất đi một lượng điện năng không nhỏ cho việc thắp đèn ở các tuyến phố. Nhất là trong tình trạng thiếu điện như hiện nay thì việc thắp đèn lồng hàng loạt trên phố như mấy tết gần đây quả là điều cần bàn và cần chấn chỉnh.

Khác với phong trào treo đèn lồng ở khu phố tôi và nhiều phố khác, ngày 29 tết năm ngoái khi về Kiến Xương thăm một người quen tôi được chứng kiến một không khí hoàn toàn khác. Khung cảnh ấm cúng của gia đình ấy làm tôi nhớ mãi. Trong nhà, hai anh con giai gói bánh chưng, giữa sân ông bố đã đầu bạc đang đẽo tre để làm một cây nêu. Ông bảo: "Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh mới là tết của người Việt. Nhà nước không cho đốt pháo vì lo sự an toàn cho người dân nhưng cây nêu và bánh chưng thì nhà ông chưa bao giờ bỏ. Tết nào nhà cũng gói bánh chưng và trồng một cây nêu trước sân...”.   

Tết lại về. Đi giữa phố đèn lồng không khỏi bùi ngùi, chạnh lòng. Thời gian lặng lẽ đi qua, mọi sự thay đổi đến chóng mặt. Có mấy người còn quan tâm giữ lại những cái truyền thống, cái hồn cốt của dân tộc như gia đình ông lão nông thôn quê mà tôi gặp. Phải chăng nét đẹp truyền thống cứ ngày càng mai một nhường chỗ cho sự lai căng học đòi chỉ vì những suy nghĩ hời hợt của chúng ta. 

Trần Thu Hương

       

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày