Thứ 5, 01/08/2024, 17:25[GMT+7]

"Trông người lại ngẫm đến ta"

Thứ 5, 16/02/2012 | 14:32:47
839 lượt xem
Nếu ai đó thử cầm điều khiển bấm một loạt các kênh truyền hình quảng bá, thậm chí là truyền hình trả tiền vào giờ phim truyện thì chắc chắn có tới non nửa số kênh chiếu phim Hàn Quốc. Khi mới xuất hiện trên VTV cách đây chừng chục năm, đó như là “món ăn” lạ, làm mê mẩn bao người, nhất là giới trẻ và các bà nội trợ.

Ảnh manh tính minh họa

Nhưng xem lâu thành nhàm bởi các phim có cốt truyện gần giống nhau, hầu hết đều là mối tình tay ba, bệnh nặng; ngay đến cách diễn của nhân vật cũng na ná nhau, từ ánh mắt, cử chỉ đến điệu bộ…Thế nhưng có một điều mà các bộ phim của Hàn Quốc đã làm rất tốt, hơn hẳn các bộ phim hiện đại của chúng ta, đó là thể hiện được phong cách Hàn Quốc, lối sống Hàn Quốc và trên hết là văn hoá Hàn Quốc.

 

Ða số các diễn viên Hàn Quốc khi xuất hiện trên màn ảnh đều ăn mặc và sử dụng tư trang do chính nước họ sản xuất. Từ quần áo đến khăn quàng cổ, giầy dép, mũ, son môi…Ðặc biệt là điện thoại và xe hơi đều do các hãng trong nước sản xuất như Sam sung, Huyndai. Ngay đến những cảnh phim có sự xuất hiện của các ông chủ tịch tập đoàn, con cái đại gia cũng hiếm thấy họ đi xe ngoại.

 

Còn trên các bộ phim hiện đại của ta thì ngược lại toàn sử dụng các đồ hàng hiệu đắt tiền nhập ngoại, càng đắt thì càng được coi là sành điệu. Nếu là điện thoại thì toàn loại màn hình cảm ứng thời thượng của các hãng nổi tiếng thế giới như Apple, Nokia, Sony…Nếu là xe hơi thì nhẹ nhàng cũng phải là các mẫu xe của Honda, Toyota; hơn nữa là của Mecedec, Audi…Còn một số tư trang khác như đồng hồ, túi xách, khăn mũ…cũng toàn là hàng nhập khẩu. Ðã đành nhiều thứ nói trên nước ta chưa tự sản xuất được mà phải nhập khẩu nhưng câu hỏi đặt ra là có cần thiết phải dùng những đồ ngoại xa xỉ như vậy để đưa lên phim ảnh không khi mà đại đa số người dân Việt Nam đều sống ở nông thôn, thu nhập còn gặp rất nhiều khó khăn, với họ có đủ tiền đóng học cho con đã là may chứ lấy đâu ra tiền để mua những chiếc điện thoại lên tới cả ngàn đô. Thậm chí ngay đến những sản phẩm mà trong nước hoàn toàn sản xuất được cũng hiếm có đạo diễn nào lựa chọn. Ðiển hình như là rượu.

 

Nếu là phim Hàn Quốc, dù trong hoàn cảnh nào, gặp mặt, liên hoan, thậm chí là giải sầu họ cũng đều dùng loại rượu trong nước sản xuất. Còn ở ta, ít dùng các loại rượu trong nước sản xuất như Voka Hà Nội, Voka Men, Làng Vân…thay vào đó đều là những chai rượu ngoại đắt tiền có giá bán lên tới cả triệu đồng, thậm chí cả chục triệu đồng mỗi chai…

 

Ðặc biệt do làm tốt khâu kiểm duyệt nên các bộ phim của nước bạn đều rất ít các cảnh thể hiện hành vi mà pháp luật cấm. Ví như việc hút thuốc lá chẳng hạn, khi gặp những hoàn cảnh có thể dẫn tới việc hút thuốc như thất tình, công việc căng thẳng, chờ đợi ai đó…thì diễn viên của họ có thể khéo léo sử dụng phương cách khác như chạy thật nhanh, ra bãi biển ngồi một mình, khóc thật to, hét lên…Còn ở ta, chọn cách đơn giản nhất là hút thuốc, vui cũng hút, buồn cũng hút, cứ dân anh chị là phải biết hút thuốc. Ðiều này vô tình cổ suý cho hàng ngàn khán giả màn ảnh nhỏ, nhất là các bạn trẻ hoặc thấy mình hút thuốc là bình thường, thậm chí là sành điệu, hoặc tò mò thử xem cảm giác hút thuốc ra sao.

 

Cũng thông qua các bộ phim, đạo diễn người Hàn Quốc đã khéo léo giới thiệu ra toàn thế giới những nét độc đáo về văn hoá của họ. Ðó không chỉ là thời trang, mà còn là các sản phẩm công nghệ cao (điện thoại, ô tô), là những món ăn riêng có của Hàn Quốc như kim chi, là những phong cảnh đẹp mê hồn trên khắp đất nước Hàn Quốc. Một bộ phim mà khán giả Việt Namon> rất yêu thích là “Nàng Ðê- chang-cưm” được quay hoàn toàn tại một khu du lịch thiên nhiên nổi tiếng của Hàn Quốc và khi  bộ phim đó được khởi chiếu trên toàn thế giới thì lượng khách quốc tế đến với khu du lịch cũng tăng đột biến. Còn chúng ta thì ngược lại phải cố gắng làm sao càng gần với phương Tây thì càng tốt, hẳn người xem đã quá quen với cảnh diễn viên ở biệt thự, đi xe ô tô, uống toàn rượu ngoại, ăn sáng với bánh mỳ và sữa…Những điều đó tuy không sai và không có gì là xấu nhưng nếu lạm dụng sẽ làm mất bản sắc văn hoá riêng của cả một dân tộc.

 

Mới đây Trung Quốc đã coi văn hoá là một mũi nhọn kinh tế. Thế mới biết văn hoá không chỉ góp phần hình thành lối sống, phong cách của một dân tộc mà còn là lĩnh vực mang lại lợi ích rất lớn về kinh tế, trong đó có phim truyện.

Vũ Mạnh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày