Thứ 4, 31/07/2024, 01:18[GMT+7]

Vẫn chuyện lịch thời vụ

Thứ 5, 16/02/2012 | 15:37:51
767 lượt xem
Vài năm trở lại đây nhờ thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống lúa và thời vụ gieo cấy nên hầu hết các địa phương đã tránh được dạng hình thời tiết bất thuận làm chết mạ và lúa mới cấy do rét đậm kéo dài. Tuy nhiên thiệt hại vẫn xảy ra khi mà một số nơi nông dân vẫn cố tình làm đất gieo mạ dược dài ngày trước Tết.

Nông dân xã Vũ An (Kiến Xương) chăm sóc mạ xuân gieo trên nền đất cứng. Ảnh: Ngọc Trâm

Gần đây việc xây dựng lịch thời vụ, nhất là ở vụ xuân được các địa phương chỉ đạo rất quyết liệt. Nhờ vậy nhiều nơi nông dân đã tự giác chấp hành, chuyển sang gieo cấy bằng các giống lúa ngắn ngày. Với những năm mà điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vụ xuân năm nay đã thêm một lần khẳng định chủ trương loại bỏ hoàn toàn giống dài ngày là đúng. Với những hộ cố tình vi phạm gieo mạ dài ngày trước Tết đã phải chịu cảnh ngồi nhìn mạ chết, diện tích mạ dài ngày còn sống cũng bị rùn lụi không đủ tiêu chuẩn cấy.

 

Hiếm có năm nào mà trời lại rét đậm, rét hại kéo dài như vụ xuân năm nay. Nền nhiệt thấp kèm theo mưa phùn không dứt càng làm tăng cảm giác tê buốt. Nếu cách đây dăm bảy năm mà gặp kiểu thời tiết khắc nghiệt như vậy hẳn người nông dân đã phải chịu hậu quả rất nặng nề trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng vài năm trở lại đây nhờ thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống lúa và thời vụ gieo cấy nên hầu hết các địa phương đã tránh được dạng hình thời tiết bất thuận làm chết mạ và lúa mới cấy do rét đậm kéo dài. Tuy nhiên thiệt hại vẫn xảy ra khi mà một số nơi nông dân vẫn cố tình làm đất gieo mạ dược dài ngày trước Tết.

 

Theo số liệu công bố chính thức của ngành chức năng, vụ xuân năm nay toàn tỉnh vẫn có khoảng 600ha mạ dài ngày được gieo vào thời điểm trước Tết, tập trung chủ yếu tại các huyện phía Bắc tỉnh như Đông Hưng (183ha), Hưng Hà (110ha), Quỳnh Phụ (67ha)... Do gặp thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài nên đã có khoảng 200ha mạ dài ngày bị chết, đây chủ yếu là những diện tích mạ dược không được che phủ nilon. Số còn lại tuy được che đậy lilon khá cẩn thận song do trời quá rét buốt nên mạ vẫn bị rùn lụi, ngả vàng, cây ngắn, phần lớn không đủ tiêu chuẩn để đem cấy. Ví như tại huyện Quỳnh Phụ, trong số 67ha mạ dài ngày đã gieo có khoảng 60- 70% diện tích bị chết rét, số còn lại người dân cũng phải ngậm ngùi bỏ đi gieo mới vì mạ quá ngắn lại vàng oạch nếu cấy ở chân ruộng trũng rất dễ bị ngập úng, nếu không cũng chậm phát triển.

 

Đây không phải là năm đầu tiên nông dân tỉnh ta chịu thiệt hại do thời tiết rét đậm kéo dài. Còn nhớ vụ xuân năm 2009, do nền nhiệt xuống quá thấp, nhiệt độ luôn ở ngưỡng rét hại không chỉ làm chết hàng trăm héc-ta mạ mà còn làm phần lớn diện tích lúa dài ngày trà sớm bị chết phải nhổ đi cấy lại. Người nông dân vốn đã vất vả lại càng vất vả thêm, việc nhổ lúa cấy lại hay gieo mạ khác không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn tốn kém thêm rất nhiều công sức, nhất là với những hộ thiếu lao động phải đi thuê khoán người làm. Rất may, ở cả vụ lúa xuân năm 2009 cũng như vụ xuân năm nay việc diện tích mạ dài ngày bị chết phải gieo lại cơ bản không ảnh hướng lớn đến thời vụ sản xuất bởi lịch gieo cấy giống lúa ngắn ngày trà muộn vẫn hoàn toàn nằm trong khung mà các ngành chức năng khuyến cáo vì thế người dân chỉ phải tốn thêm công và bỏ thêm của làm đất gieo cấy thay thế bằng các giống lúa ngắn ngày.

 

Chủ trương gieo cấy toàn bộ diện tích lúa xuân bằng các giống ngắn ngày ngoài mục đích tạo thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ còn nhằm để đối phó hiệu quả với các dạng hình thời tiết bất thuận ở vụ xuân. Thực tiễn đã chứng minh, nếu các hộ dân chấp hành nghiêm lịch thời vụ, thực hiện ngâm ủ và gieo mạ ngắn ngày xung quanh tiết lập xuân sẽ tránh được mạ bị chết rét, kết hợp tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật (làm đất, trộn phân, che phủ nilon...) sẽ giúp cây mạ sinh trưởng phát triển bình thường ngay cả khi gặp rét kéo dài. Không những thế việc loại bỏ hoàn toàn giống lúa dài ngày còn chứng minh các giống lúa ngắn ngày có thể cấy thay thế được ở cả những vùng thấp trũng và cho năng suất bằng, thậm chí cao hơn các giống lúa dài ngày.

 

Minh chứng rõ nhất chính là vụ lúa xuân năm 2009, khi bị dồn vào chân tường đã buộc các hộ dân phải chuyển sang cấy giống ngắn ngày nhưng cũng chính vụ xuân năm đó hầu hết các địa phương đều giành được đỉnh cao về năng suất, nhiều nơi đạt năng suất cao nhất từ trước tới nay. Rõ ràng việc người dân lấy lí do giống lúa ngắn ngày không thể cấy ở chân ruộng trũng chỉ là nguỵ biện, nguyên nhân sâu xa xuất phát từ tập quán canh tác giống lúa dài ngày ở vụ xuân đã ăn sâu vào tư tưởng của một số ít hộ dân dẫn tới ngại thay đổi, chậm tiếp thu cái mới. Tư duy bảo thủ đặt trong bối cảnh điều kiện khí hậu ngày càng diễn biến bất thường, thay đổi không theo quy luật đã trở nên bất hợp lý và phải trả giá như ở vụ xuân năm nay, nhất là vụ xuân năm 2009.

 

Hiện nay các địa phương ở tỉnh ta đang tích cực thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới. Yêu cầu đặt ra lúc này không chỉ là chuyển đổi cơ cấu giống lúa và cơ cấu thời vụ mà còn đòi hỏi thay đổi cả phương thức và tập quán canh tác, từng bước chuyển từ việc gieo cấy thủ công sang gieo thẳng. Sau một vài vụ làm thí điểm và chứng minh được hiệu quả vượt trội, đến nay một số xã đã chuyển sang gieo thẳng trên toàn bộ diện tích đất canh tác, các huyện Đông Hưng, Quỳnh Phụ đều đặt mục tiêu đưa diện tích gieo thẳng ở vụ xuân này lên khoảng 30- 32% diện tích. Và đây chắc chắn sẽ là xu thế tất yếu trong thời gian tới.

Vũ Mạnh 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày