Thứ 3, 30/07/2024, 07:21[GMT+7]

Vui buồn lễ hội

Thứ 5, 15/03/2012 | 10:52:06
800 lượt xem
Dẫu nhiều người tỏ ra vẫn còn “thèm thuồng” không khí vui xuân nhưng hội làng năm nào cũng chỉ gói gọn trong một ngày. Mãn hội, ngay hôm sau ngoài đồng lại tất tả “chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”. Dần dà lớn lên đi đó đi đây mới ngẫm ra rằng, hội hè vốn rõ ràng nếp văn hóa diễn ra khắp chốn cùng quê. Rồi thời gian còn bổ sung thêm bài học này nữa: Cho dù quy mô lớn hay nhỏ, lễ hội nào cũng gắn chặt với một tên làng rất cụ thể. Chính vì vậy mãi từ xa xưa đã hình thành hẳn thuật ngữ đ

Hội làng. Ảnh: Ngô Quang Yên

Nhắc đến “xem hội” bỗng trỗi dậy dòng hoài niệm không dễ nhạt phai tuổi đồng ấu. Tết đến, nào áo hoa quần mới, nào bánh trái đủ màu vậy mà hễ bố mẹ hứa dẫn đi xem hội thế là cả đêm mắt cứ chong chong chỉ một mực mong trời chóng sáng. Thưở còn thơ nói đến Hội chẳng nghĩ gì khác ngoài thú vui. Mà không vui sao được khi từ tinh mơ đã nghe thôi thúc trống chiêng vang lên từ phía sân đình. Hòa vào dòng người trẩy hội mới thấy cái vui đâu chỉ bó hẹp ở trẻ nhỏ mà người lớn cũng háo hức bội phần. Ngày thường sân Ðền rộng là thế, hôm nay bà con cả làng kéo về xem tế vây kín vòng trong vòng ngoài thành ra đứng chỗ nào cũng phải len chân. Hôm qua còn chân lấm tay bùn nay chững chạc trong bộ đồ tế nam quan nữ quan thấy các anh các chị người nào cũng đẹp đến mê hồn. Nghe nói Ðền được dựng từ mấy trăm năm trước. Nhiều vị tướng tài người bản địa từng lập công hiển hách phò vua cứu nước được thờ ở Ðền làng.

 

Mùa xuân năm nào làng cũng mở Hội tế lễ linh đình tưởng nhớ công tích tiền nhân. Song song với đàn tế, Hội làng còn rộn rã tiếng trống ở sới vật, ở sân cờ người và tiếng hò reo không ngớt từ các trò chơi dân gian đã cuốn hút cả trẻ con, người lớn cùng chung vui. Cũng có năm làng xóm tưng bừng hẳn lên bởi có thêm đêm “hát” mà đào hay, kép giỏi đều dạng “cây nhà lá vườn” mới thú vị chứ. Dẫu nhiều người tỏ ra vẫn còn “thèm thuồng” không khí vui xuân nhưng hội làng năm nào cũng chỉ gói gọn trong một ngày. Mãn hội, ngay hôm sau ngoài đồng lại tất tả “chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”. Dần dà lớn lên đi đó đi đây mới ngẫm ra rằng, hội hè vốn rõ ràng nếp văn hóa diễn ra khắp chốn cùng quê. Rồi thời gian còn bổ sung thêm bài học này nữa: Cho dù quy mô lớn hay nhỏ, lễ hội nào cũng gắn chặt với một tên làng rất cụ thể. Chính vì vậy mãi từ xa xưa đã hình thành hẳn thuật ngữ đậm tính truyền thống: Hội làng.

 

“Ôn cố” dễ lan man sang “tri tân” thế là cứ nghĩ thầm: “Chưa thấy giai đoạn lịch sử nào lễ hội lại bùng nổ như bây giờ!”. Theo số liệu bước đầu, cả nước hiện có hơn 8 ngàn lễ hội lớn nhỏ. Chẳng phải khó khăn gì chỉ cần nhập cuộc vài ba lễ hội tầm vóc quốc gia giữa xuân Nhâm Thìn này đủ thấy khối chuyện bất cập thậm chí phản cảm. Về Lễ hội Ðền bà Chúa Kho là dịp tưởng nhớ đức độ chí công vô tư, hết lòng vì dân vì nước. Ý nghĩa nhân văn cao đẹp từ bao đời đã rõ ràng đến vậy còn bây giờ thì sao? Vào Ðền bà Chúa Kho thời nay nếu chỉ thành tâm dâng một tuần nhang sẽ tức khắc nhận ra mình thuộc thành phần lạc lõng. Kia kìa, hãy nhìn xem. Hàng trăm hàng ngàn người chẳng kém ai tất thảy đều nặc nè trên đầu một mâm cao ngất tú ụ nào hoa quả, oản xôi nào giấy sớ, vàng mã... “Ðầu vào” là “thành tâm”... sính lễ để có “đầu ra” duy nhất là mong bà Chúa Kho trích từ Quốc khố ban cho lộc giàu sang phú quý...

 

Ngồi uống nước với một người ở xa lần đầu ra dự Hội Ðền bà Chúa Kho, vui chuyện tiện mồm hỏi:

- Hội năm nay anh thấy có gì nổi bật? Vị khách hành hương vừa cười vừa trả lời khá hài hước:

- Em chỉ thấy ở đây khép kín 3 loại “công nghệ”: Thứ nhất, “công nghệ chế tác vàng mã”. Thứ hai, “công nghệ mồi chài vàng mã”. Thứ ba, “công nghệ hỏa thiêu vàng mã”! Ðúng vậy thật. Nhìn hàng loạt lò hóa vàng to tướng hối hả tỏa nhiệt hết công suất từ tinh mơ tới tối bỗng trộm nghĩ, để xác định số lượng giấy má đốt thành than ở đây chắc phải dùng đơn vị “tấn” xem ra mới thích hợp. Nói không quá chứ Hội Ðền bà Chúa Kho càng đông bao nhiêu càng lồ lộ cảnh “sầm uất chợ búa” bấy nhiêu chẳng thệ vẹn nguyên nét văn hóa tâm linh, rõ là một tín hiệu buồn.

 

Từ Ðền bà Chúa Kho rẽ sang Hội Lim hy vọng tìm kiếm phút thanh thản Văn hóa Kinh Bắc. Ðến Lim tháng giêng này quả được lạc vào một miền “dập dìu tài tử giai nhân”. Chỉ có điều nhập Hội chưa kịp thẩm thấu cái vui cái đẹp tao nhã bỗng bị ngay các ông trông giữ xe, các bà kinh doanh sách mê tín vô bổ, các tụ điểm cờ bạc trá hình... làm cho mất hứng ngay từ phút đầu. Ở một lễ hội văn hóa danh tiếng thế này mà giá cả dịch vụ vô tội vạ, mọi thành phần kiếm chác, ăn theo tất thảy mặc sức tự tung tực tác thì quả là một sự lạ. Sự lạ không dừng lại ở phạm trù bán mua mù mờ, chèo kéo nhí nhố... mà còn phát hiện thấy trong diễn trình tinh hoa quan họ.

 

Trong khi du khách hướng xuống thuyền chăm chăm đón đợi giọng ca, tiếng đàn thì tự nhiên bắt gặp một liền chị trong bộ cánh tứ thân duyên dáng tay giơ cao một chiếc mâm. Thấy vậy ai cũng mẫn cảm liên tưởng đến nét đẹp mời trầu truyền thống. Nhưng đâu phải, đó lại là một thao tác dùng mâm để hứng tiền mà du khách đứng trên bờ ném xuống. Mục kích kiểu “làm kinh tế” vừa thô thiển vừa lộ liễu giữa ngày hội như vậy, những người sẵn lòng tự trọng ít ai không rùng mình.

 

Hội  hè thuộc nghi lễ dân gian mấy khi đụng chạm tới luật nọ luật kia. Những tưởng chẳng gì cần phải bàn nào ngờ vẫn rơi rớt chuyện vi phạm phép nước mà người trong cuộc là các vị có chức có quyền hẳn hoi. Theo các phương tiện thông tin đại chúng, tại Lễ khai ấn ở Ðền Trần Nam Ðịnh vào đêm 13 tháng giêng đã phát hiện nhiều xe công chở các chức sắc đi chơi hội. Việc sử dụng xe của Nhà nước vào việc riêng đã có lệnh cấm. Nhưng xem chừng việc sử dụng xe công để đi lễ hội vẫn là một thói quen rất khó.... sửa.

 

Xưa kia đa phần lễ hội chỉ khiêm tốn gói gọn trong phạm vi tiết Xuân. Ở thời văn minh hôm nay lại thấy lễ hội mở ra triền miền suốt cả bốn mùa trong năm. Nhìn vào lễ hội, lẫn trong cái hay cái đẹp còn lộ liễu quá nhiều biểu hiện lộn xộn, thiếu mỹ quan. Nơi nơi đua nhau mở lễ hội. Hình thức lễ hội, hoặc sơ sài hoặc cóp nhặt vá víu. Ðến lễ hội nhìn trước ngó sau chỗ nào cũng hòm công đức các cỡ. Bám theo lễ hội là dày đặc tầng lớp kiếm chác chèo kéo hoạt động hết sức tự do.... Những bất cập này đâu phải từ trên trời rơi xuống? Tất cả đều sinh ra từ khâu tổ chức, quản lý kể cả một bộ phận không nhỏ những người trảy hội.

 

Ðừng nên “thương mại hóa”, “công nghiệp hóa” lễ hội để lễ hội trọn vẹn sắc màu Văn hóa Việt!

Hoàng Ngọc Khuyến

(Khu 3, thị trấn Diêm Ðiền, Thái Thụy)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày