Chủ nhật, 11/08/2024, 16:10[GMT+7]

Rác lộ thiên trên Quốc lộ 39 - 2

Thứ 6, 25/05/2012 | 15:36:44
628 lượt xem
Trên Quốc lộ 39-2, địa bàn giáp ranh xã Đông Hoàng (Đông Hưng) và Đông Mỹ (Thành phố) xuất hiện bãi rác lộ thiên gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường.

Bãi rác trên tuyến đường 39-2 đoạn giáp hai xã Đông Hoàng (Đông Hưng), xã Đông Mỹ (Thành phố). Ảnh: Thành Tâm

Nếu ai đã từng đi qua tuyến đường này, chứng kiến cảnh rác ‘’hiên ngang’’ chất thành đống tới vài chục mét ngổn ngang trên đường, chắc chắn sẽ rất khó chịu và phẫn nộ. Điều đáng nói là tuyến đường vừa mới đầu tư nâng cấp hàng trăm tỷ đồng, to đẹp là vậy lại xuất hiện một bãi rác ‘’tự phát’’ mà các cấp chính quyền không nơi nào vào cuộc.

 

Chúng tôi về xã Đông Hoàng để tìm hiểu về vấn đề này, bà Tô Thị Thúy - cán bộ địa chính xã cho biết: năm 2003, Đông Hoàng xây dựng 3 bãi rác, trong đó bãi rác của thôn Tống Khê được quy hoạch nằm giáp ranh với xã Đông Mỹ. Kể từ ngày đó người dân trong thôn luôn chấp hành, tuân thủ đổ rác theo đúng quy định và không có hiện tượng rác tràn ngập lên đường như hiện nay.

 

Cho tới năm 2007, xã Đông Mỹ xây dựng một bãi rác ngay cạnh bãi rác của thôn Tống Khê nhưng lại không làm đường ra bãi rác mà đi nhờ đường của bãi rác thôn Tống Khê. Tới cuối năm 2008, khi tuyến đường 39-2 bắt đầu khởi công xây dựng, do thi công san lấp mặt bằng, đất cát ngổn ngang gây khó khăn cho việc chuyên chở rác xuống bãi nên rác ‘’tạm thời ở trên đường’’. Nhưng tới nay khi tuyến đường đã xong, rác vẫn nằm im ở đó và ngày càng được tập kết nhiều hơn với đủ lọai phế thải, phế liệu. Nhiều người dân có diện tích đất nông nghiệp cạnh đó như ông Phạm Văn Lân, Nguyễn Văn Cừu, Phạm Văn Hậu đã không khỏi bức xúc mỗi khi làm ruộng, không những phải ngửi những mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ trăm nghìn thứ rác mà các ông còn phải mất thời gian nhặt hàng trăm túi ni lông bay xuống ruộng lúa. Còn đối với những người tham gia giao thông qua tuyến đường này chắc chắn sẽ phải hứng chịu những luồng gió hôi hám, khó chịu bốc lên từ bãi rác.

 

Ông Phạm Văn Lượng - Trưởng thôn Tống Khê cho biết: đã nhiều lần thôn Tống Khê, cán bộ địa chính xã và UBND hai xã trao đổi, bàn bạc tìm giải pháp khắc phục hành vi đổ rác trên Quốc lộ, nhưng tình trạng đó vẫn  không thuyên giảm. Về phía Đông Hoàng cũng không có giải pháp nào xử lý vì cho rằng rác không phải người xã mình đổ. Còn theo người trực tiếp thu gom rác thôn Tống Khê khẳng định: 6 năm làm nghề thu gom rác cho thôn, ông chưa hề đổ rác lên đường, hàng tuần hai vợ chồng dùng xe kéo đi thu gom khoảng 6 xe với 10 khối rác của 180 hộ dân thôn Tống Khê.

 

Từ trước đến nay, mỗi lần đổ rác ông đều nhặt gom các túi ni lông lại sau đó tới chiều mới đem đốt. Do vậy khối lượng rác thải còn lại giảm đi nhiều. Theo một số hộ dân sống gần đó, tầm từ 4h30 - 5h sáng thường xuất hiện xe công nông 3 bánh chở rác xuống đổ ngay trên vệ đường. Với kiểu xe đó chắc chắn sẽ không thể đi được xuống đường ra bãi rác, mà buộc phải đổ ngay trên Quốc lộ.

 

Hiện nay bãi rác lộ thiên vẫn còn, điểm tập kết rác mới này chỉ cách bãi rác của 2 xã trên khoảng 20 m. Nó sẽ không thuộc trách nhiệm về ai nếu không có sự phối hợp, xử lý của chính quyền hai xã. Mặc dù họ đều cho rằng để một bãi rác tồn tại như thế là ô nhiễm môi trường, là không thể chấp nhận được, song để ‘’sửa sai’’ thì hình như chưa biết bắt đầu từ đâu. Do vậy vấn đề không còn là việc bàn cãi về rác của bên nào đổ, mà quan trọng hơn là cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương 2 bên để nhanh chóng trả lại mỹ quan và môi trường trong lành cho tuyến Quốc lộ này.

Thu Thủy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày