Thứ 5, 25/07/2024, 08:31[GMT+7]

Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường

Thứ 3, 29/05/2012 | 13:48:14
1,291 lượt xem
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa đã và đang gây ra những áp lực lớn về môi trường, đặc biệt ở khu vực đô thị, sản xuất công nghiệp, làng nghề....

Các đồng chí lãnh đạo Sở TN&MT, Hội Nông dân và huyện Kiến Xương tham gia thả cá hưởng ứng Ngày nước Thế giới (22/3/2012) tại Bờ Hồ, Thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương)

Sau hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về: “Bảo vệ môi trường (BVMT) trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh bước đầu được ngăn chặn và có xu hướng giảm. Nhưng để hạn chế những tác động xấu của môi trường đến cuộc sống cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả cộng đồng.

 

Trước khi có Nghị quyết 41, công tác BVMT đã được tỉnh xác định: là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị chứ không phải của riêng một cá nhân, cơ quan, hay đoàn thể nào. Vì vậy, BVMT phải song hành với nhiệm vụ phát triển kinh tế. Sau khi Nghị quyết 41 ra đời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành 9 văn bản cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết, như: Chỉ thị số 21- CT/TU, ngày 02/6/2005; Chỉ thị số 18/2006/CT- UBND; Quyết định số 09/2009/QĐ- UBND về quy định phân công trách nhiệm bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 08/2010/QĐ-UBND về quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường... Theo đó, quyết tâm lớn nhất là việc tiếp tục khẳng định công tác BVMT là nhiệm vụ của tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và tất cả nhân dân. BVMT là bộ phận cấu thành và không thể tách rời các nội dung, mục tiêu của Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

 

Với phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đến môi trường, kết hợp xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên, tỉnh ta đã từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật; kiện toàn tổ chức làm công tác quản lý Nhà nước về BVMT ở cả ba cấp: tỉnh, huyện, xã. Trong đó, cấp tỉnh đã thành lập Chi cục BVMT trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) năm 2009.

 

Từ năm 2006, tỉnh đã có mục chi ngân sách cho sự nghiệp BVMT với số chi 1% tổng chi ngân sách địa phương, góp phần làm cho công tác BVMT trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tốt. Đến nay, đã có 85% rác thải đô thị được thu gom xử lý; trên 84% số xã, thị trấn có tổ vệ sinh tự quản thu gom, vận chuyển rác thải; trên 80% hộ sử dụng nước sạch, 60% hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Công tác điều tra, thống kê các nguồn thải; tư vấn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải đã được triển khai thực hiện.

 

Tính đến tháng 7/2011, Sở TN&MT đã tiếp nhận, thẩm định 120 hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo tác động môi trường bổ sung và trình UBND tỉnh phê duyệt 115 hồ sơ. Tiếp nhận và tổ chức kiểm tra 41 đề án BVMT, trong đó phê duyệt 39 đề án. Công tác thanh tra, kiểm tra đã tập trung vào các cơ sở có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao, nhiều điểm ô nhiễm được phát hiện và xử lý triệt để, như: Quyết định tạm đình chỉ 14 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; di dời cửa hàng, kho thuốc bảo vệ thực vật và 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường ra xa khu dân cư; giám sát việc nhập khẩu phế liệu, kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu cho 5 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

Đến nay, đã thực hiện các biện  pháp xử lý triệt để 12/13 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chỉ còn các làng nghề (dệt nhuộm, tơ tằm, chạm bạc) chưa được xử lý. Cùng với đó, các tiêu chí về BVMT đã được các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn xây dựng thành một trong các tiêu chí đánh giá kết quả thi đua. Nhiều phong trào, mô hình về BVMT được duy trì tại địa phương như: “Vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm vào ngày 24 hàng tháng” do Hội phụ nữ làm nòng cốt; “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” của Đoàn thanh niên; phong trào “Xanh- sạch- đẹp” trong các trường học... đã góp phần cải thiện chất lượng môi trường.

 

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, song mức độ ô nhiễm ở một số nơi (làng nghề, cụm công nghiệp, nước và rác thải nông thôn) vẫn gia tăng. Trong khi đó, việc thanh kiểm tra thiếu kiên quyết, chế tài và lộ trình khắc phục sai phạm chưa đủ mạnh và cụ thể, đặc biệt chưa tập trung xử lý và thực hiện các kết luận sau thanh, kiểm tra. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về BVMT chưa thường xuyên, liên tục và đa dạng nên hiệu quả của việc truyền thông chưa cao. Công tác thu gom, xử lý rác thải đô thị còn nhiều bất cập, rác chưa được phân loại và xử lý triệt để, chủ yếu đổ tại bãi chôn lấp; hầu hết các bãi rác nông thôn chỉ là nơi tập kết rác...

 

Để công tác BVMT thực sự trở thành ý thức và được coi là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị cũng như mọi người dân, trước hết, phải tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm BVMT bằng việc quán triệt, phổ biến rộng rãi hệ thống văn bản pháp luật quy định về BVMT. Tiếp đó, cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, đẩy mạnh việc đưa nội dung BVMT vào chương trình giáo dục tại các trường phổ thông và áp dụng tiêu chí về môi trường trong công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh. Đặc biệt, phải gắn phát triển kinh tế với công tác BVMT, thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá tác động môi trường, rà soát các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án chưa đáp ứng yêu cầu về BVMT; ưu tiên triển khai quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị có liên quan đến môi trường. Xây dựng phương án quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước; đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường đầu tư cho BVMT và phát triển bền vững.

 

Bài, ảnh: Minh Nguyệt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày