Thứ 2, 01/07/2024, 19:22[GMT+7]

Mong mỏi của doanh nghiệp

Thứ 4, 30/05/2012 | 07:32:22
551 lượt xem
Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước đã có 17.735 doanh nghiệp phá sản, cho dù nguy cơ này đã được cảnh báo từ tháng 9/2011, cách đây hơn nửa năm...

Các doanh nghiệp thủy sản - ĐBSCL đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn (Ảnh minh họa)

Gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm nhiều hạng mục, gồm các giải pháp về giãn thuế khoảng 16.000 tỉ đồng; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế khoán đối với hộ, thuế môn bài sẽ ở mức khoảng 4.100 tỉ đồng; giảm 50% tiền thuê đất cho doanh nghiệp khoảng 1.500 tỉ đồng; lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ khoảng 3.000 - 3.200 tỉ đồng và các giải pháp về chi tiêu công trị giá khoảng 2.670 tỉ đồng. Như vậy, tổng số tiền hỗ trợ thực chất đối với doanh nghiệp chỉ vào khoảng 9.489,5 tỉ đồng.

 

Đặt gói hỗ trợ trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hiện nay, TS. Nguyễn Tú Anh (Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương) cho rằng, chỉ kích được tổng cầu tăng thêm không quá 0,8%. Tuy nhiên, gói hỗ trợ nên có cấu phần nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của các đối tượng trên thông qua hỗ trợ các kỹ năng tổ chức hoạt động kế toán, lập dự án và đánh giá rủi ro. Điều này giúp các doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng khi lãi suất giảm xuống mức hợp lý. Nhưng điều quan trọng hơn cả là số tiền 9.500 tỷ đồng này phải đến được với doanh nghiệp thực sự cần nó.

 

Thực tế cho thấy, trong lần xử lý khủng hoảng kinh tế trước vào năm 2008, thực chất số tiền bỏ ra để kích cầu dù rất lớn nhưng không đến được đúng địa chỉ nên doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Lần này, gói hỗ trợ doanh nghiệp không phải là gói kích cầu, và những doanh nghiệp còn tồn tại hiện nay của chúng ta là những doanh nghiệp vẫn còn lực, chứ doanh nghiệp không còn khả năng gượng dậy thì đã ngừng hoạt động. Do đó, cần đảm bảo vốn đến được đúng địa chỉ.

 

Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước đã có 17.735 doanh nghiệp phá sản, cho dù nguy cơ này đã được cảnh báo từ tháng 9/2011, cách đây hơn nửa năm. Việc đưa ra một chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại cho dù có phần hơi muộn màng, nhưng muộn còn hơn không. Theo một số chuyên gia kinh tế, không cần quá bi quan về tình hình sức khỏe doanh nghiệp, vì chỉ số PMI (Purchasing Managers’ Index) - chỉ số khảo sát các nhà quản trị mua sắm cho doanh nghiệp - ở nước ta do HSBC-Markit khảo sát trong tháng 4/2012 cho thấy, trên thực tế lượng cầu đã có dấu hiệu phục hồi khi một cấu thành khác trong PMI là đơn đặt hàng mới vượt ngưỡng 50 điểm trong tháng 4/2012. Đặc biệt, số lượng đơn hàng xuất khẩu đã tăng mạnh liên tục trong ba tháng qua là một dấu hiệu rất khả quan cho cả nền kinh tế lẫn cán cân thương mại.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, thực chất gói giải pháp hỗ trợ này hướng đến gỡ khó cho các doanh nghiệp còn đang hoạt động tương đối tốt. Nhưng với các doanh nghiệp đang bị đình đốn sản xuất, hàng tồn kho rất cao - tình trạng chung hiện nay - thì gói hỗ trợ chưa đưa ra được giải pháp cụ thể, trực tiếp mà chỉ có tác động lan tỏa.

Hiện nay, tuy Ngân hàng Nhà nước đã khống chế trần lãi suất cho vay 15% (dù chỉ trong bốn lĩnh vực ưu tiên), nhưng theo nhiều doanh nghiệp, lãi suất đó vẫn còn quá cao. Doanh nghiệp chỉ hoạt động tốt khi lãi suất dưới 10%, trên 10% họ chỉ hoạt động cầm chừng. Và như vậy, lãi suất thích hợp và tiếp cận được vốn vẫn là giải pháp ưu đãi tốt nhất và là mong mỏi đối với doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.

Theo vov.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày