Thứ 3, 23/07/2024, 10:17[GMT+7]

Điện...chùa!

Thứ 6, 08/06/2012 | 14:03:00
619 lượt xem
Hiện nay, tại nhiều cơ quan, hầu hết các phòng đều được trang bị điều hòa và cán bộ, công chức các cơ quan này cũng mặc sức sử dụng “của chùa” một cách vô tội vạ. Nhất là vào mùa hè, việc sử dụng điện ở công sở càng có nhiều chuyện để nói hơn.

Mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngành điện và nhiều cơ quan ra sức vận động, tuyên truyền tiết kiện điện, nhất là trong những tháng cao điểm của mùa hè thì ở các công sở, chuyện bật điều hòa khi chưa cần thiết, bật đèn sáng ngay giữa ban ngày xảy ra như cơm bữa. Họ quan niệm, của công là “trời cho”, là “của chùa”, điện cơ quan là do Nhà nước chi trả, cứ việc dùng thoải mái.

 

Hiện nay, tại nhiều cơ quan, hầu hết các phòng đều được trang bị điều hòa và cán bộ, công chức các cơ quan này cũng mặc sức sử dụng “của chùa” một cách  vô tội vạ. Nhất là vào mùa hè, việc sử dụng điện ở công sở càng có nhiều chuyện để nói hơn. Hầu hết điều hòa trang bị cho các công sở đều được “phát huy” tối đa tính năng. Kể cả khi nhiệt độ ngoài trời không quá cao, các máy lạnh vẫn chạy hết công suất. Nhiều người khi ra khỏi phòng vẫn không tắt điều hòa, điện. Dường như họ không hề quan tâm việc nhiều nhà máy mất điện, công nhân phải nghỉ việc; ở các vùng quê điện bị cắt kéo dài. Giữa cái nóng oi ả của mùa hè, bà con nông dân ra đồng khi trời còn tờ mờ sáng, khi trở về nắng đã lên đỉnh đầu, vậy mà vẫn không có điện để chạy quạt xua đi những mệt nhọc. Tất cả những điều ấy, dường như không tác động làm chuyển biến hành vi lãng phí điện của nhiều công chức, viên chức, họ mặc nhiên xem đó không phải việc của mình.   

 

Chị Nguyễn Thị Hoa, công chức một cơ quan Nhà nước phàn nàn: Cơ quan nơi tôi làm việc có nhiều phòng ban, phòng họp... Mỗi ngày, vài chục chiếc máy lạnh, hàng trăm máy vi tính, quạt điện, đèn chiếu sáng sử dụng hết công suất, kể cả những hôm nhiệt độ không cao nhưng điều hòa vẫn bật. Nếu điều chỉnh tăng nhiệt độ lên thì mọi người trong phòng thường phản đối rằng có điều hòa thì cứ việc sử dụng cho thoải mái, làm vậy chi cho khổ. Vì vậy mà lúc nào tôi cũng phải đem theo áo khoác phòng khi không chịu được lạnh mình cũng có cái để “chống lạnh”. Tôi nghĩ câu nói “cha chung không ai khóc” nếu áp dụng trong trường hợp này ở cơ quan tôi là hoàn toàn đúng. Hằng tháng khi làm thủ tục thanh toán vài chục triệu đồng tiền điện của cơ quan tôi thấy rất xót. Nếu như mọi người đều có ý thức tiết kiệm điện ở cơ quan như đang sử dụng điện ở nhà mình chắc chắn số tiền điện phải trả hằng tháng sẽ giảm hơn rất nhiều.

 

Năm 2009, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư liên tịch số 111 quy định cán bộ, công chức, viên chức sẽ phải bồi thường chi phí nếu để xảy ra tình trạng lãng phí điện ở công sở do nguyên nhân chủ quan. Cùng với đó, công tác tuyên truyền đã được chú trọng nhưng dường như vẫn chưa có biện pháp đủ mạnh để khống chế khối cơ quan hành chính, sự nghiệp. Ðược biết, hiện tại, một số cơ quan như: Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Công ty Ðiện lực Thái Bình và một số ít cơ quan đã thực hiện tắt điều hòa khi không cần thiết, chỉ sử dụng khi thời tiết quá nóng; các thiết bị điện khác phải tắt khi không sử dụng. Còn lại nhiều cơ quan khác từ tỉnh đến các huyện, thành phố vẫn chưa có động thái gì.

 

Mặc dù từ cuối năm 2011 đến nay, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam không giao kế hoạch sản lượng điện theo tháng, quý cho Ðiện lực Thái Bình như trước, nhưng như thế không có nghĩa nguồn điện năng đã dư thừa - ông Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Ðiện lực Thái Bình khẳng định. Lý do thời gian gần đây sản lượng điện không bị thiếu hụt là vì Nhà máy Thủy điện Sơn La và nhiều nhà máy thủy điện, nhiệt điện khác đưa vào sử dụng đúng tiến độ. Trước mắt “cung” đáp ứng “cầu” nên chưa xảy ra tình trạng “cứ nắng nóng là cắt điện”. Còn tương lai, kinh tế phát triển, trong khi công suất các nhà máy điện không tăng kịp nên việc xảy ra thiếu điện là khó tránh khỏi. Do vậy mỗi người dân, khách hàng hãy sử dụng điện tiết kiệm, đặc biệt là khối cơ quan hành chính, sự nghiệp. Mỗi cán bộ, công chức cần nhận thức được rằng, tiền điện ở các công sở do ngân sách Nhà nước chi trả. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước được huy động từ tiền thuế của người dân chứ không phải từ trên trời rơi xuống. Bởi thế cho nên đừng xem điện công là “điện chùa”!

Đức Dũng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày