Thứ 6, 02/08/2024, 23:21[GMT+7]

Tái cơ cấu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài

Thứ 3, 19/06/2012 | 14:24:49
667 lượt xem
Dường như quá trình tái cấu trúc nền kinh tế đang bỏ qua khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FIEs) - khu vực đóng góp tới gần 20% GDP cho nền kinh tế.

Tái cấu trúc khu vực FIEs cũng là một yêu cầu thiết yếu của nền kinh tế.

Thực trạng đầu tư nước ngoài tại Việt Namon>

 

Thực tế là, khu vực FIEs tại Việt Nam mặc dù có đóng góp không nhỏ cho quá trình tích lũy ban đầu của nền kinh tế, nhưng hiệu quả của khu vực này ngày càng giảm, kỳ vọng chuyển giao công nghệ đã không thành hiện thực, có dấu hiệu rõ ràng về hiện tượng chuyển giá tràn lan. Như vậy, tái cấu trúc khu vực FIEs  cũng là một yêu cầu thiết yếu.

 

Sự đóng góp yếu của khu vực FIEs cho nền kinh tế có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Khách quan là do, nguồn nhân lực Việt Nam còn yếu và mỏng, do đó, khả năng tiếp nhận công nghệ cao còn thấp; khu vực tư nhân còn non trẻ, chưa đủ khả năng tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu; hệ thống cơ sở hạ tầng còn đang phát triển, chưa đủ đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của DN.

 

Bên cạnh đó, cũng có nhiều nguyên nhân chủ quan.

 

Thứ nhất, hệ thống khuyến khích đầu tư hiện tại ở Việt Namon> vẫn còn phức tạp. Các biện pháp ưu đãi, khuyến khích đầu tư được quy định tại nhiều loại văn bản pháp luật khác nhau và do nhiều cấp ban hành.

 

Điều này gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý khuyến khích đầu tư, cũng như cho DN trong việc nhận biết và tiếp cận khuyến khích đầu tư.

 

Thứ hai, hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư ở Việt Namon> thiếu tính nhất quán trên nhiều phương diện. Mục tiêu của chính sách chưa được xác định rõ ràng. Danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư và danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư được quy định khác nhau tại các văn bản pháp lý chuyên ngành khác nhau.

 

Hiệu lực trên thực tế của nhiều biện pháp khuyến khích đầu tư, đặc biệt là các biện pháp hỗ trợ đầu tư về đào tạo, về tín dụng... rất thấp. Các biện pháp ưu đãi đầu tư khá tản mát, do vậy, chưa có tác dụng lớn trong việc tạo ra các ngành và cụm liên kết ngành ưu tiên.

 

Thứ ba, hệ thống pháp luật của chúng ta tuy nhiều, nhưng tính thực thi thấp, tạo điều kiện cho DN FIEs thực hiện các hành vi gian lận thuế.

 

Thứ tư, các biến số kinh tế vĩ mô của nền kinh tế không ổn định, rủi ro đầu tư trong khu vực sản xuất cao, do đó, các nhà đầu tư không có động lực đầu tư dài hạn vào nâng cao công nghệ, chế biến sâu và sử dụng công nhân có kỹ năng. Kết quả là, các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu khai thác nguồn nhân công giá rẻ, kỹ năng thấp và không thấy lợi ích trong việc nâng cao công nghệ và kỹ năng cho công nhân, để tham gia vào những công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao.

 

Tái cơ cấu đầu tư khu vực FIEs theo chất lượng

 

Quỹ đất cho các dự án đầu tư phi nông nghiệp đang giảm dần và việc dành đất cho các dự án này đang là những mầm mống gây bất ổn xã hội. Thu hút FDI quá nhiều mà không hiệu quả có thể đẩy những bất ổn này lên cao.

 

Thêm vào đó, hiện nay cơ sở hạ tầng đang quá tải, nếu thu hút theo số lượng đầu tư sẽ làm cho gánh nặng cơ sở hạ tầng tăng thêm, hiệu quả đầu tư tổng thể của nền kinh tế giảm xuống. Như vậy, xét một cách tổng thể, thu hút thật nhiều vốn đầu tư nước ngoài trong điều kiện hiện nay chưa phải là bài toán tối ưu. Do đó, thu hút đầu tư vào khu vực FIEs cần chú trọng chất lượng chứ không phải là số lượng.

 

Có thể xem xét cụ thể từng loại hình đầu tư.

 

Với loại đầu tư khai thác nguồn tài nguyên của nước nhận đầu tư:

 

Nếu tiếp tục chạy đua số lượng đầu tư, nguồn tài nguyên sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt, và không được sử dụng một cách có hiệu quả. Do đó, cần phải sàng lọc nhà đầu tư để có thể chọn ra được những nhà đầu tư sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả nhất, trách nhiệm nhất.

 

Với loại đầu tư tìm kiếm thị trường xuất khẩu, tức là nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư trong nước để khai thác thị trường nội địa:

 

Loại này bao gồm các nhà sản xuất hàng tiêu dùng và những nhà sản xuất đầu vào cho quá trình sản xuất tại Việt Namon>. Đối với những nhà đầu tư này, Việt Nam phải nhanh chóng có lộ trình giảm dần các hàng rào bảo hộ, tạo sức ép để các nhà đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất, xuất khẩu ra thị trường khác. Những nhà đầu tư sản xuất đầu vào cho quá trình sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là những thành phần nằm trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu của các công ty đầu đàn đã có mặt tại Việt Nam. Đây là những nhà đầu tư thực sự cần thiết cho nền kinh tế Việt Nam.

 

Loại đầu tư tìm kiếm hiệu quả, tức là  nhà đầu tư nước ngoài khai thác lợi thế so sánh của nước nhận đầu tư:

 

Các nhà đầu tư tại Việt Nam thường khai thác nhân công giá rẻ và chi phí năng lượng rẻ. Do đó, quy trình sản xuất của các nhà đầu tư này chủ yếu là nhập khẩu khối lượng lớn đầu vào, tổ chức gia công thành sản phẩm cuối cùng, sau đó xuất khẩu hoặc bán vào thị trường trong nước. Nếu tiếp tục xu hướng này, sẽ đến lúc hiệu quả đầu tư giảm đến mức các điều kiện ưu đãi không đủ bù đắp và dòng đầu tư sẽ dừng lại. Như vậy, cần phải tính toán lại mức độ đầu tư tối ưu với năng lực của cơ sở hạ tầng, song song với việc tận dụng mọi nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng.

 

Loại đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ, do bản chất quá trình tiêu dùng và quá trình sản xuất không tách rời nhau:

 

Loại hình đầu tư này chủ yếu khai thác những lợi thế tự nhiên của vùng địa lý, hoặc nhằm cung cấp dịch vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, hoặc cung cấp các dịch vụ cá nhân như y tế, giáo dục, bảo hiểm v.v… Những nhà đầu tư vào trước sẽ tạo rào cản đối với những nhà đầu tư đi sau. Do đó, nếu không có sự lựa chọn thì Việt Nam có nguy cơ chỉ chọn được những nhà đầu tư không hiệu quả để khai thác những lợi thế tự nhiên của đất nước, hoặc những nhà đầu tư này không mang lại các dịch vụ giá trị gia tăng tối ưu cho người tiêu dùng và các nhà sản xuất kinh doanh.

 

Loại đầu tư khai thác hệ thống luật pháp của nước nhận đầu tư:

 

Các nhà đầu tư loại này chủ yếu nhằm khai thác những lỗ hổng của pháp luật (như hoạt động chuyển giá), những quy định lỏng lẻo của pháp luật (về môi trường, an toàn lao động…), hoặc khai thác những ưu đãi đầu tư của nước nhận đầu tư. Để hạn chế các nhà đầu tư loại này, cần sửa đổi một cách thống nhất các Luật về đầu tư, cạnh tranh, thương mại, môi trường, gian lận thuế…, nâng cao chất lượng pháp luật và thực thi pháp luật trong các lĩnh vực.

 

Tái cơ cấu đầu tư từ chính sách

 

Về lâu dài, Việt Nam cần tạo ra những ưu thế mà các nước phát triển đang sở hữu. Có thể kể đến một số điểm chính dưới đây:

 

Quy mô thị trường của Việt Nam hiện nay còn khiêm tốn là một điểm trừ trong thu hút FDI. Tuy nhiên nếu nền kinh tế tiếp tục được đà tăng trưởng khá như 20 năm qua, thì có thể biến bất lợi này thành ưu thế trong 10 năm tới.

 

Mặt khác, kinh tế vĩ mô của Việt Nam liên tục bất ổn làm cho môi trường đầu tư rủi ro cao. Để nền kinh tế trở nên hấp dẫn hơn, thì ổn định kinh tế vĩ mô phải đặt lên hàng đầu. Ổn định chính trị và xã hội cũng là một thách thức trong tương lai, khi khoảng cách giàu nghèo càng tăng lên.

 

Về tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam có trữ lượng trung bình một số tài nguyên như dầu, than đá và một số khoáng sản khác. Tuy nhiên, đây là những tài nguyên không thể tái tạo và đang ngày càng giảm dần. Do đó Việt Nam không thể dựa vào yếu tố tài nguyên để thu hút vốn đầu tư.

 

Để nền kinh tế trở nên hấp dẫn hơn và hiệu quả hơn, cần nhanh chóng cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo để cải thiện trình độ tay nghề người lao động, tăng tính kết nối giữa đào tạo, dạy nghề với nhà sản xuất và hoạch định chính sách.

 

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng được xem là một trong ba nút cổ chai của nên kinh tế Việt Nam, đặc biệt là mạng lưới cung cấp điện và hệ thống giao thông. Nếu không có những giải pháp quyết liệt để khắc phục điều này thì hiệu quả đầu tư của cả nền kinh tế sẽ không thể cải thiện và do đó nền kinh tế sẽ kém hấp dẫn các nhà đầu tư.

 

Cuối cùng, sự minh bạch, tính có thể dự đoán của chính sách, và năng lực của thể chế hiện nay được xem là còn khá yếu, đặc biệt trong việc phối hợp và chia sẻ thông tin. Tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế sẽ làm cho môi trường thể chế Việt Nam tiệm cận hơn với môi trường thể chế thế giới. Đồng thời, việc thực hiện đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế cũng được kỳ vọng làm cho môi trường thể chế tại Việt Nam trở nên minh bạch, dễ dự đoán hơn. Việc cải cách thể chế cũng cần phải tạo sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế và nhà nước can thiệp vào nền kinh tế phải theo cơ chế có tính thị trường hơn.

 

Điểm cần lưu ý là, các chính sách cần phải hướng đến mục tiêu cụ thể, trong đó, chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài cần phải được thiết kế lại cho từng nhóm doanh nghiệp mục tiêu khác nhau.

 

Những doanh nghiệp được kỳ vọng tạo nhiều việc làm mà không cần phải ưu đãi quá nhiều thuế, có thể cần hỗ trợ tiếp cận đất đai và cơ sở hạ tầng cao hơn.

 

Những doanh nghiệp được kỳ vọng tăng năng lực công nghệ và kỹ năng cho lao động có thể cần thời gian ưu đãi đầu tư lâu hơn, và cần những hỗ trợ về đào tạo nhân lực và áp dụng cộng nghệ.

 

Các chính sách ưu đãi cần phải cần có sự linh hoạt, không cào bằng đối với mỗi nhóm nhà đầu tư và với các nhà đầu tư trong nhóm. Các chính sách này cần thực hiện theo nguyên tắc có điều kiện và có thời hạn (chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực,v.v...). Nhà đầu tư thực hiện tốt mục tiêu kỳ vọng có thể được gia hạn và tăng thêm điều kiện ưu đãi.

 

Tăng cường tiếp cận trực tiếp nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư là các công ty đa quốc gia. Đối với các công ty này có thể thực hiện cơ chế đàm phán các điều kiện đặc thù.

Theo baodautu.vn

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày