Trẻ em đang đọc gì?
Ảnh: Thành Tâm
Từ đầu mùa hè đến nay, các cửa hàng sách và thiết bị giáo dục trên phố Đốc Nhưỡng (TP Thái Bình) lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp. Các loại sách dành cho trẻ em khá phong phú, đa dạng về nội dung, đề tài, thể loại, phù hợp với nhiều lứa tuổi: văn học, tìm hiểu khoa học, truyện tranh, bộ câu hỏi trang bị kiến thức, kỹ năng sống… Tuy nhiên sách nhiều mà vẫn thiếu, trẻ em “bơi” trong biển sách nhưng không biết sách nào phù hợp với mình mà lựa chọn. Người bán chỉ cốt bán được nhiều, người mua không có sự định hướng rõ rệt, thành ra chúng không tìm được những tác phẩm thật sự nên đọc.
Đứng trong quầy, quan sát khá lâu tôi mới tìm thấy những tác phẩm văn học đặc sắc dành cho thiếu nhi nổi tiếng một thời: “Dế mèn phưu lưu ký”, “Cái tết của mèo con”, “Đất rừng phương nam”, “Quê nội", "Góc sân và khoảng trời”; những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh viết vào cuối thế kỷ 20 - đầu thế kỷ 21: “Kính vạn hoa”, “Chuyện xứ Langbiang”, “Tôi là Bê tô”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”… nhưng tất cả được xếp ở một góc khuất của quầy sách, rất ít người hỏi đến. Còn ngay sát cửa quầy, một cô bé đang lần tìm, nhìn chăm chú vào chỗ đặt những quyển sách có tên rất lạ: “Cô nàng hợp đồng”, “Tình yêu đích thực”, “Sock tình”, “Ngoan - anh yêu em”, “Tình một đêm”, “Trà trộn phòng con gái”, “Chàng trai trong truyện tranh”, “Yêu râu xanh”… Sau khi giới thiệu mình là học sinh lớp 8, trường THCS Trần Lãm, cô bé hồn nhiên khoe: “Những chuyện này chủ yếu thiên về tình cảm lứa tuổi teen, đọc nhẹ nhàng, dễ hiểu, hầu hết cháu đọc rồi. Sách ở đây họ bán cả trăm ngàn một cuốn chứ hiệu phôtô copy gần trường PTTH chuyên phô-tô ra bán chỉ có 20 đến 30 ngàn đồng. Một số bạn mua, rồi cả lớp cháu truyền tay nhau đọc, rất ít bạn còn thích đọc những cuốn như kiểu cô xem lúc nãy, hay như những tác phẩm “Thần thoại Hy Lạp”, “Truyện cổ Grim”, hoặc tác phẩm của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan… nữa vì chúng vừa dài vừa khó hiểu”.
Cùng với phụ huynh, giáo viên là đối tượng có ảnh hưởng rất lớn tới văn hóa đọc của trẻ, tuy nhiên trên thực tế hiện nay, cả hai đối tượng này đều chưa có sự quan tâm đúng mức tới việc đọc sách của các em. Chỉ có một số gia đình, giáo viên định hướng cho trẻ em nên đọc loại sách nào còn lại hầu hết họ cũng không biết con em, học sinh của mình đang đọc và quan tâm đến sách gì. Nhiều giáo viên dạy tiếng Việt, văn học hầu như không gợi ý cho học sinh của mình nên đọc thêm sách gì ngoài những tác phẩm được giảng dạy trong nhà trường, hoặc cách lựa chọn một cuốn sách hay, cách đọc sách. Do vậy, các em kiếm được cái gì đọc cái ấy, bất kể là cuốn sách đó có ích hay không, trong khi những tác phẩm nổi tiếng lại không hề được biết đến. Có nhiều gia đình vì mong muốn con cái được “đổi đời” nên họ đã dồn lên chúng áp lực học hành quá lớn, “quản thúc” ở trường hoặc các lớp học thêm, vì thế hầu như các em không còn thời gian vui chơi, giải trí và đọc sách.
Bé Hoàng Ngọc Trâm Anh, học sinh lớp 4 trường Tiểu học Lê Hồng Phong tâm sự: “Hầu hết các bạn lớp cháu đều thích đọc truyện tranh, nhưng cháu thích đọc truyện cổ tích. Ở lớp cô giáo cũng đọc cho cháu nghe một số truyện, thỉnh thoảng bố mẹ cháu cũng cho đi mua truyện về đọc. Nhưng từ năm nay trở đi, mẹ bảo học lớp cuối cấp rồi không được đọc truyện nữa phải tập trung cho việc học nên cháu cũng buồn lắm”. Có một thực tế đáng buồn nữa là: hiện nay sách dành cho trẻ em khá nhiều nhưng lượng phát hành chủ yếu ở Thành phố, các thị trấn. Sách đưa về nông thôn khá ít, vẫn còn coi là một thứ hàng “xa xỉ”.
Tại thư viện của các trường học ở nông thôn, lượng sách văn học, tìm hiểu khoa học dành cho học sinh rất nghèo nàn, hầu hết là sách do các tổ chức, cá nhân tài trợ. Rồi việc mở cửa thư viện để thu hút học sinh đến đọc sách cũng chưa thường xuyên, liên tục. Khi được hỏi tại sao sách ít, các trường đều chung một câu trả lời: rất ít nguồn kinh phí để mua sách. Còn phụ huynh học sinh họ nghĩ sao? chị Nguyễn Thị Mận (Việt Thuận, Vũ Thư) chia sẻ: “Gia đình có vài sào ruộng, vợ chồng tôi phải vất vả, bươn trải mới có thể nuôi hai con. Trong năm học, hàng chục khoản phải đóng góp đã cố lắm rồi thì lấy đâu ra tiền mua truyện cho con đọc. Ngoài thời gian học ở trường, các cháu cũng phải lao động giúp bố mẹ nữa chứ”.
Thêm lý do nữa khiến văn hóa đọc của trẻ em hiện nay đang bị mai một là nhà trường và cộng đồng chưa thực sự quan tâm thỏa đáng, chú trọng tổ chức các hoạt động xã hội khuyến khích trẻ em đọc sách: giới thiệu những cuốn sách hay, cuộc thi, kể chuyện theo sách, mời các nhà văn viết về thiếu nhi đến nói chuyện với học sinh… để tạo thói quen, niềm đam mê đọc sách của trẻ, đồng thời định hướng đúng đắn thị hiếu đọc sách cho các em. Việc quản lý chất lượng, nội dung các loại sách còn nhiều bất cập, vì thế trên thị trường xuất hiện nhiều sách in lậu, truyện mang yếu tố: khơi gợi tình dục, kích động bạo lực, kinh dị… kích thích trí tò mò của trẻ. Một giáo viên dạy văn trường THCS Tân Bình (Thành phố Thái Bình) cho biết: ”Học sinh bây giờ không còn đam mê, cũng không thích học văn như trước kia. Thầy đọc - trò chép, miễn các em “thuộc bài” là chuyện phổ biến, nó cũng khiến nhiều giáo viên phải suy nghĩ đau đầu nhưng trong bối cảnh chung hiện nay thì “dao sắc cũng không gọt được chuôi”.
Rõ ràng, trước tình hình tiếp cận với tác phẩm văn học và vấn đề đọc sách của trẻ em hiện nay thì việc định hướng lại văn hóa đọc cho các em là điều thực sự cần thiết. Nhưng quan trọng hơn, chăm lo nuôi dưỡng văn hóa đọc ở trẻ em, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người cũng phải làm ngay từ thủa ấu thơ và cần sự chung tay vào cuộc của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Nguyễn Hình
Tin cùng chuyên mục
- Hà NộiBàng hoàng 100 ngôi mộ “mất tích” trong đêm 26.08.2010 | 13:46 PM
- Chuyện Bác Hồ làm báo ở Pari 26.08.2010 | 13:51 PM
- Những linh hồn phiêu dạt Không chỉ là chuyện của hai người lính 09.08.2010 | 15:22 PM
- Bệnh "nhồi kiến thức" 26.08.2010 | 14:49 PM
- Cô gái 20 tuổi ''ngủ'' trong mộ 300 năm 12.08.2010 | 17:06 PM
- Tàu ngầm Kursk - 10 năm với nguyên vẹn nỗi tiếc thương 13.08.2010 | 07:56 AM
- Vedan đồng ý đền bù 100% thiệt hại cho nông dân 2 tỉnh 10.08.2010 | 07:14 AM
- Diêm Điền “ôm” rác 10.08.2010 | 09:20 AM
- Mánh khóe làm tiền của "dân" IT 17.08.2010 | 16:40 PM
- Thái Bình loạn xe buýt 10.08.2010 | 09:30 AM
Xem tin theo ngày
-
Dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn
- Bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp phải phục vụ tốt cho hoạt động quản lý nhà nước, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp
- Bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải
- Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh
- Chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công Dự án cao tốc CT.08; Khu công nghiệp Hưng Phú; Lễ động thổ dự án Nhà máy sản xuất ô tô GEL-O&J
- Phấn đấu khởi công dự án tuyến đường CT.08 vào ngày 12/5/2025
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao quyết định công tác cán bộ tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
- Khai mạc tuần du lịch tỉnh Thái Bình và khai trương phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng