Thứ 4, 07/08/2024, 22:21[GMT+7]

Nguyễn công Trứ người thổi hồn cho di sản văn hóa ca trù

Thứ 2, 30/08/2010 | 15:36:12
3,926 lượt xem
Ngày 16-4-2010, Lễ đón nhận bằng của UNESCO đưa Dân ca quan họ Bắc Ninh vào danh sách văn hoá phi vật thể Đại diện của nhân loại và Ca trù vào danh sách văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp diễn ra tại nhà hát lớn Hà Nội. Trong việc bảo tồn và phát triển văn hoá ca trù có công lao gìn giữ và phát triển của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ.

Nguyễn công Trứ người thổi hồn cho di sản văiÎt nam hóa ca trù

Nguyễn Công Trứ con quan Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn, quê ở làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay từ thuở còn hàn vi ông đã nuôi lý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp : Làm trai đứng ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông.

Năm 1820 khi đã 42 tuổi, ông mới đỗ Giải nguyên ở trường thi hương trấn Nghệ An. Từ đây bắt đầu thời kỳ làm quan đầy sóng gió của ông. Ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ quân sự, kinh tế tới thi ca.Cuộc đời ông là những thăng trầm trong sự nghiệp. Ông được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì những thành tích, chiến công trong quân sự và kinh tế, tới chức thượng thư, tổng đốc; Năm Tự Đức thứ nhất 1847 ông nghỉ hưu với chức vụ Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên. Ông đúng là một vị quan văn - võ song toàn đã đóng góp nhiều công lao cho đất nước.

Nói về cụ Nguyễn Công Trứ, là nói đến một cuộc đời và sự nghiệp của một con người đa tài, đa tình và cũng đầy đa đoan. Một con người "ngất ngưởng giữa đời" mang nhiều nốt thăng trầm, đầy những giai thoại, những chuyện về lẽ sống, nhưng giai thoại nào cũng cho thấy bản lĩnh trí tuệ và mang tính bình dân sâu sắc, nhân văn cao cả.

Chốn quan trường thì cụ là một tấm gương điển hình của một vị quan không có khoảng cách với dân, được dân suy tôn là bậc anh hùng hào kiệt, con người tài hoa lỗi lạc, văn võ song toàn, làm quan ở đâu cũng có chính tích, có tư chất phóng khoáng, không câu nệ. Một vị quan trung thần của Triều đại nhà Nguyễn, là con dân của đất Việt đã mang hết trí lực và tâm huyết của mình để góp phần cùng với nhà Nguyễn kiến thiết, xây dựng đất nước thành một xã hội đổi mới, được Triều đình nhà Nguyễn tuyên phong là Uy viễn tướng công.

Là quan văn  nhưng Nguyễn Công Trứ nhưng lại luôn cầm quân đi đánh giặc, cuộc đời ông làm tướng nhiều hơn làm quan. Ông đi khắp mọi miền của đất nước, từ biên giới đến hải đảo, từ đồng bằng, đô thị đến vùng sơn cước xa xôi, ở đâu cũng ghi dấu công lao. Là một vị tướng thao lược, đánh đâu thắng đấy, mang về nhiều chiến công. Năm 1827 dẹp khởi nghĩa Phan Bá Vành, 1833 dẹp khởi nghĩa Nông Văn Vân, 1835 dẹp giặc Khách... Đến đời vua Tự Đức thứ 11 (1858), khi thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, dù đã vào tuổi 80 tuổi nhưng Cụ vẫn xin nhà vua cho đi đánh giặc. Nguyễn Công Trứ còn là một "vị tướng" nghiêm khắc nhất nhưng cũng gần gũi với những người lính nhất, thương lính hết lòng, lúc rảnh rỗi thường uống rượu tán gẫu, ca hát và ăn ngủ với lính.

Nhận thấy dân ở Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình còn nghèo đói, khổ sở, ông đã có sáng kiến chiêu mộ dân nghèo đi đắp đê lấn biển, lập ấp, khai ra Tiền Hải (Thái Bình), huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Tổ chức khẩn hoang, dựng lên hai huyện Kim Sơn, Tiền Hải và mấy xã thuộc Nam Định nhưng doanh điền sứ phủi tay ra đi mà không mảy may tơ vương bổng lộc. Nhân dân các vùng này hiện nay còn rất nhiều từ đường thờ cúng ông, nhiều đình chùa tại các địa phương cũng thờ và tôn ông làm thành hoàng làng. Không chỉ với người bên lương mà ngay cả những người theo đạo giáo vốn không có việc thờ cúng cũng lập đền thờ để cúng Nguyễn Công Trứ như trong các nhà thờ ở Kim Sơn... Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã suy tôn Nguyễn Công Trứ là "Một nhà khẩn hoang lỗi lạc".

Nhưng một sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật thì ít người hiểu hết. Qua nghiên cứu của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật và qua sử sách để lại đã cho thấy Nguyễn Công Trứ là "ông Vua" hát Nói. Hát nói là một thể loại đặc biệt thì ít người hiểu hết.  Tính chất tổng hợp, nguyên hợp giữa các thành tố: văn chương, thanh nhạc, vũ đạo và sắc dục đang độ tính khiết, thanh tao. Thưởng thức hát Nói chính là thưởng thức thành quả nghệ thuật nguyên hợp đó. Cha ông ta thuở trước mà đặc biệt nổi lên Nguyễn Công Trứ đã quá thông minh, tài giỏi và khôn khéo trong việc sáng tạo ra thể hát Nói để hưởng thụ một cách phi Nho, phi Phật nhưng rất nhân bản, rất nghệ thuật trong cuộc sống trần gian dưới chế độ phong kiến khắc nghiệt.

Nguyễn Công Trứ có lối sống "ngất ngưởng" đáng yêu như "bài ca ngất ngưởng" của cụ, ghét nịnh bợ, ghét tham lam, ghét háo danh, ghét cửa quyền, ghét cả... ngu dốt. Cũng từ lối sống ấy mà Cụ có 28 năm công tác thì có đến 5 lần bị "kỉ luật cách chức" . Có lần bị giáng xuống liền ba bốn chức như năm 1841 bị kết án trảm giam hậu rồi lại được tha, năm 1843 còn bị cách tuột xuống làm lính thú. Nhưng dù làm lính thì Cụ vẫn thể hiện chí khí của người yêu nước, yêu nghệ thuật, sống nhân văn.

Trong năm lần bị "kỉ luật ấy" cũng không ít lần liên quan đến lý do say đắm nghệ thuật, vì đam mê ca hát, nhất là ca trù. Như khi cầm quân đi đánh giặc ở vùng miền núi phía Bắc là các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn (ngày nay), Cụ vẫn mang theo một đoàn 'ca sĩ" (Là các đào kép) và nhạc khí, lúc rảnh rỗi cho quân nghỉ ngơi là ca hát, quân mệt mỏi là cho nghe hát ả đào để động viên, đánh thắng giặc cũng ca hát ăn mừng.

Thấy Cụ say mê ca hát, nhiều "Ca sĩ" xinh đẹp quây quần bên Cụ, trong chiến đấu lại giành nhiều chiến công, Tuần phủ Lạng Sơn lúc đó là Trần Văn Tuân sinh lòng ghen tị đã dâng sớ lên vua Minh Mạng để tố cáo Cụ về tội "say mê ca hát" hơn cả đánh giặc. Hoặc năm 70 tuổi khi về nghỉ hưu thì đến năm 71 tuổi lên vãn cảnh Chùa Hương Tích (Chùa Hương Tích có "gốc" ở núi Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh) mà Cụ vẫn ngang nhiên mang theo "ca sĩ" đến cửa chùa để ca hát. Năm 73 tuổi lấy đời vợ thứ 5, trong đêm tân hôn vợ hỏi đến tuổi thì Cụ cũng trả lời bằng hát thơ: "Năm mươi năm trước, anh hai ba".

Cả một đời dấn thân cho đất nước, trong đó có sự dấn thân vì một nền nghệ thuật mang đậm bàn sắc của dân tộc nước Nam để ngay nay hậu thế nói đến Nguyễn Công Trứ là nói đến "Phong cách ả đào, ca trù Nguyễn Công Trứ". Hay ngược lại nói đến nghệ thuật hát ả đào, hát Ca trù cũng lại là nói về "Phong cách ả đào, Ca trù Nguyễn Công Trứ". Dấn thân cho nghệ thuật, say mê ca hát đã trở thành một phong cách mà nhân dâni tôn vinh và trân trọng đối với Danh nhân Nguyễn Công Trứ ngang bằng với sự tôn vinh trong khẩn hoang, mở mang nền kinh tế - văn hóa cho đất nước.

Đến nay, niềm say mê Ca trù của Cụ không chỉ còn dừng lại ở sự tôn vinh của nhân dân, mà Ca trù đã chính thức được tổ chức UNESO đưa vào danh sách văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tầm nhìn xa và niềm đam mê nghệ thuật của ông cha xưa thành của cải và niềm tự hào cho con cháu hôm nay.

Lã Quý Hưng
                                        

  • Từ khóa