Thứ 2, 01/07/2024, 01:17[GMT+7]

Hội người mù Đông Hưng Mái nhà chung của những người khiếm thị

Thứ 2, 13/09/2010 | 13:57:10
1,518 lượt xem
Hội Người mù huyện Đông Hưng được thành lập từ năm 1991, tới nay có 322 hội viên, sinh hoạt ở 21 chi hội trong đó 150 nam và 172 nữ. Những năm qua nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là sau khi có Chỉ thị số 51 - CT/TW, Hội đã được giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần. Nhiều hoạt động của Hội rất có ý nghĩa. Các hội viên không ngừng phấn đấu vươn lên xây dựng hội trở thành mái nhà chung của người mù trong toàn huyện.

Người khiếm thị tìm lại tình yêu cuộc sống từ công việc có ích

Xác định người mù là một bộ phận dân cư chịu nhiều thiệt thòi nên các cấp uỷ Đảng, chính quyền ở Đông Hưng đã tập trung chăm sóc, giúp đỡ Hội như xây dựng trụ sở làm việc mới, cấp thẻ BHYT, tạo điều kiện cho Hội mở các lớp dạy chữ, dạy nghề; miễn giảm thuế nông nghiệp cho 100% gia đình hội viên...

Các ban, ngành, đoàn thể đã có nhiều hoạt động thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ Hội nhất là trong dịp tết, lễ. Từ năm 2001 đến nay đã có 1.920 lượt người được nhận trợ cấp, tặng quà với tổng số tiền là 61.510.000 đồng. Mặt trận Tổ quốc hàng năm kêu gọi các tổ chức xã hội, nhân dân giúp đỡ Hội qua việc thực hiện CVĐ xoá đói giảm nghèo, vận động tặng rađio, điện thoại, mua tăm tre...

Ngoài ra, các cấp uỷ chính quyền địa phương còn giúp đỡ xoá nhà dột nát cho gia đình hội viên nghèo là người mù. Kết quả tới nay đã sửa chữa, xây dựng được 10 ngôi nhà trị giá 100 triệu đồng. Điển hình như xã Đông La đã quyên góp xây dựng được 2 ngôi nhà tình thương cho ông Nguyễn Văn Tố thôn Thuần Tuý và bà Vũ Thị Mai thôn Bảo Châu. Hội đã tích cực đề nghị địa phương cho người mù được hưởng trợ cấp thường xuyên, miễn giảm học phí cho con người mù đi học...

Để giúp hội viên có thêm thu nhập, từ năm 2001 đến nay, Hội đã tổ chức được 8 lớp dạy nghề tăm tre, chổi đót, đan làn nhựa, chăn nuôi, trồng trọt cho 120 lượt người. Riêng tổ sản xuất tăm tre, chổi đót tập trung tại huyện hội những năm qua đã sản xuất được 12 tấn tăm tre, tổng doanh thu đạt 160 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10-12 người, thu nhập bình quân từ 180.000 – 200.000 đồng /người/tháng.

Từ năm 2002 tới nay, Huyện hội đã cử  17 học viên đi đào tạo, học nghề tẩm quất ở Tỉnh hội và Trung ương hội. Đa số hội viên sau khi được đào tạo đã tìm được việc làm ở tỉnh và một số cơ sở của huyện. Dịch vụ tẩm quất của Huyện hội ngày càng có uy tín đối với khách hàng, lượng khách đến ngày càng nhiều, tạo việc làm cho 4 nhân viên với mức lương đạt từ 350.000 – 600.000 đồng /người/tháng.

Hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn của các hội viên nên Ban chấp hành huyện hội đã cùng với các chi hội tiến hành điều tra, khảo sát, xây dựng thực hiện các dự án cho vay phát triển chăn nuôi, trồng trọt và nghề thủ công. Từ năm 2000 đến nay, Huyện hội đã giúp trên 400 lựơt người vay trên 700 triệu đồng. Được vay vốn, người mù đã sử dụng đúng mục đích, hiệu quả cao và hoàn trả đúng hạn, việc thu hồi vốn đạt 100%. Nhiều gia đình đã đầu tư sản xuất chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, nuôi con học hành thành đạt.

Tiêu biểu như gia đình chị Vũ Thị Thu xã Đông Quang vay vốn đầu tư cho sản xuất chăn, màn đạt hiệu quả kinh tế, nuôi 2 con học đại học. Một số xã làm tốt phong trào này như: Phú Lương, Đông Động, Bạch Đằng, Hồng Giang, An Châu... Với những kết quả đó, tới nay Hội Người mù huyện Đông Hưng đã có 20 gia đình hội viên có mức thu nhập khá, chiếm 6,27%, 232 hội viên trung bình, chiếm tỷ lệ 72% và chỉ còn 70 hội viên nghèo, chiếm 21,73%, không còn hội viên đi lang thang, ăn xin.

Trong công tác văn hoá - giáo dục, những năm qua Huyện hội đã mở được 8 lớp dạy chữ, dạy nghề, xóa mù chữ cho hàng trăm lượt người. Nhiều người đã sử dụng thành thạo chữ Braill. Đã có nhiều em học sinh khiếm thị cố gắng vượt qua kỳ thi đại học, được thầy cô bạn bè mến phục như em Khổng Thị Thuỷ (thị trấn) thi đỗ Đại học khoa học xã hội và nhân văn, em Hoàng Bích Việt xã Hồng Việt thi đỗ Đại học sư phạm Hà Nội. Hội đã tích cực khuyến khích động viên các hội viên sáng tác thơ ca, ca hát phục vụ những ngày kỷ niệm. Bằng những lời ca tiếng hát của mình, người mù đã nói lên được những khao khát cháy bỏng để được bình đẳng hoà nhập vào cộng đồng.

Để tiếp tục giúp đỡ người mù và Hội người mùÀ, trong thời gian tới, Đông Hưng tiếp tục quán triệt, tuyên truyền Chỉ thị 51- CT/TW sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân. Đề cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền đối với việc chăm sóc, giúp đỡ người mù và hội người mù. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa Hội người mù với các ban ngành, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, đồng thời đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của hội người mù.


   Thu Thủy

 

  • Từ khóa