Thứ 2, 01/07/2024, 03:28[GMT+7]

Thái Thụy - Thái Bình Nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số cho người dân vùng biển

Thứ 2, 20/09/2010 | 08:51:38
1,588 lượt xem
Năm 2010, Thái Thụy phấn đấu giảm tỷ lệ sinh 0,15‰, giảm 15% tỷ lệ sinh con thứ 3 tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 78% trở lên. Đề án “kiểm soát dân số vùng biển, ven biển” được triển khai thực sự đang đem lại cho vùng quê miền biển này nhiều khí sắc mới.

Thị trấn Thái Thụy trong thời kỳ đổi mới.

Thái Thụy là một trong 2 huyện ven biển của Thái Bình có đường bờ biển dài 27km với hàng chục ngàn ha bãi triều rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển, đời sống của người dân nơi đây đang ngày càng được nâng cao. Kinh tế phát triển nên việc chăm sóc sức khoẻ được người dân quan tâm hơn, nhất là khi Đề án “Kiểm soát dân số vùng biển, ven biển” triển khai sẽ là cơ hội để người dân vùng biển nâng cao chất lượng dân số.

Năm 2009, Đề án “Kiểm soát dân số vùng biển, ven biển” chính thức được triển khai tại tất cả 48 xã của huyện Thái Thụy với mục tiêu kiểm soát quy mô dân số vùng biển và ven biển, duy trì mức sinh thay thế, tiến tới ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số.

Các hoạt động chính của đề án là đáp ứng nhu cầu CSSK bà mẹ trẻ em, KHHGĐ; nâng cao chất lượng dân số khi sinh tại các vùng biển và ven biển; phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về DS, SKSS, KHHGĐ. Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Trung DS-KHHGĐ huyện Thái Thụy cho biết ngay sau khi tiếp nhận Đề án, lãnh đạo và các ban ngành trong huyện đã tích cực vào cuộc.

Được sự hỗ trợ kinh phí, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã tổ chức nhiều đợt truyền thông lưu động với băng rôn, khẩu hiệu, cấp phát tờ rơi, kẻ vẽ biển tường, kết hợp với tuyên truyền trên sóng phát thanh đi khắp các trục đường liên thôn, liên xã để tuyên truyền những kiến thức về chăm sóc SKSS/KHHGĐ nhằm mục đích nâng cao hiệu quả trong việc vận động về kiểm soát dân số và chuyển đổi hành vi cho đối tượng đặc thù vùng biển và ven biển.

Đồng thời phối hợp với một số trường trong huyện tổ chức cuộc thi tìm hiểu về sức khoẻ sinh sản vị thành niên. Trong quá trình triển khai, nhiều mô hình đã đi vào hoạt động và bước đầu đạt hiệu quả. Mô hình đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, KHHGĐ triển khai tại 10 xã ven biển khó khăn, cùng với Trung tâm y tế đã thành lập đội lưu động để tổ chức các hoạt động truyền thông, cung cấp dịch vụ.

Các đội lưu động đã phối hợp chặt chẽ với trạm y tế xã khám và điều trị miễn phí các bệnh phụ khoa thông thường, khám thai, cung cấp các biện pháp tránh thai. Nhiều thai phụ và trẻ em đã được khám và phát hiện bệnh điều trị kịp thời. Song song với hoạt động chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, KHHGĐ là mô hình nâng cao chất lượng dân số khi sinh tại các xã ven biển.

Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã phối hợp với bệnh viện tuyến huyện tổ chức lấy máu gót chân để xác định dị tật bẩm sinh cho trẻ sơ sinh, tổ chức kiểm tra định kỳ đối với các thai phụ để kịp thời xử lý nếu có bất thường nào xảy ra. Tại 5 xã triển khai năm 2010, tính đến cuối tháng 8 có 287 thai phụ được khám và tư vấn, 22 thai phụ có nguy cơ cao được lập danh sách và quản lý định kỳ.

Đối với mô hình phòng chống bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn được triển khai tại 7 xã tập trung vào các đối tượng là vị thành niên và thanh niên nhằm nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản. Hơn 700 em là học sinh, thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 được tham gia cuộc điều tra phỏng vấn về hiểu biết trong việc thực hiện “Phòng chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, lây truyền qua đường tình dục, mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn.

55 câu lạc bộ sức khoẻ sinh sản vị thành niên đã thành lập thu hút đông đảo vị thành niên, thanh niên tham gia. Các câu lạc bộ đã tổ chức 200 cuộc giao lưu, sinh hoạt nhóm với 18 chuyên đề về CSSK vị thành niên, tình bạn, tình yêu, kế hoạch hoá gia đình, phòng chống mang thai ngoài ý muốn. Việc hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý và nâng cao hiệu quả truyền thông cũng đang được triển khai tích cực.

Trung tâm đã tiến hành khảo sát các nhu cầu, thu thập thông tin đầu vào, cập nhật và xử lý thông tin ở Trung tâm và 48 xã, thị trấn. Năm 2009 đã thu thập và nhập được 13.394 tin, 5 tháng đầu năm 2010 xử lý và nhập được gần 7000 tin vào phần mềm điện tử. Công tác truyền thông về DS/SKSS/KHHGĐ, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước cũng thường xuyên được phát trên đài phát thanh của huyện, xã và qua các hội nghị truyền thông trực tiếp tại cơ sở. Tuy nhiên, việc triển khai đề án cũng gặp phải một số khó khăn.

Do đặc thù lao động nghề biển, người dân có tâm lý thích sinh đông con, nhất là con trai để có người đi biển, có thêm nhân lực làm kinh tế gia đình... Hơn nữa, kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, phòng tránh viêm nhiễm, phòng ngừa các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ sơ sinh... của người dân vùng biển còn hạn chế.

Do đặc thù tín ngưỡng và giáo lý nên công tác tuyên truyền dân số ở những vùng quê này vẫn gặp không ít khó khăn không thể khắc phục một sớm một chiều. Quá trình đi làm ăn dài ngày trên biển cũng khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin truyền thông về chính sách kinh tế, xã hội, chính sách DS-KHHGĐ... Từ thực tế đó, đòi hỏi đội ngũ tuyên truyền viên dưới cơ sở phải cố gắng hơn nữa trong công tác truyền thông dân số tới vùng biển, ven biển; thường xuyên bám sát tình hình thực tế để có giải pháp hữu hiệu.

Năm 2010, Thái Thụy phấn đấu giảm tỷ lệ sinh 0,15‰, giảm 15% tỷ lệ sinh con thứ 3 tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 78% trở lên. Đề án “kiểm soát dân số vùng biển, ven biển” được triển khai thực sự đang đem lại cho vùng quê miền biển này nhiều khí sắc mới.

 Nguyễn Mạnh Cường

Chi cục DS-KHHGĐ Thái Bình 

  • Từ khóa