Thứ 5, 01/08/2024, 19:22[GMT+7]

TỰ HÀO TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG

Thứ 2, 04/10/2010 | 14:35:49
2,634 lượt xem
Trong không khí tưng bừng chào đón sự kiện trọng đại - Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh, những người con của quê hương Thái Bình dù đang sinh sống, làm việc tại địa phương hay ở khắp mọi miền đất nước đều tự hào hướng về quê hương mình – quê hương thẫm đẫm truyền thống văn hiến, cách mạng. Lật giở trang truyền thống để rồi tự hào hơn, nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong lao động, học tập để xứng danh là người con Thái Bình. Để góp sức tiếp nối truyền thống ông cha, viết tiếp trang sử

Ảnh: Ngọc Trâm

Địa linh nhân kiệt

Kể từ cuối thế kỷ XIX, sau khi đánh chiếm và bình định xong Việt Nam, thực dân Pháp thực hiện chính sách chia để trị và Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Thái Bình (21-3-1890) thì Thái Bình đã có chặng đường 120 năm phát triển.

 

Song địa danh Thái Bình dùng để chỉ một phủ đã xuất hiện ở vùng đất này trên 1000 năm (theo sử sách thì vào năm 1005 đất Đằng Châu được đổi tên là phủ Thái Bình). Được gọi là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, bởi mảnh đất Thái Bình với lịch sử ngàn năm, thời nào cũng xuất hiện những anh hùng hào kiệt, những tên tuổi làm rạng danh non sông đất nước.

 

Theo sử sách, từ giữa thiên niên kỷ thứ nhất, Lý Bí (còn gọi là Lý Bôn – nay tại trung tâm Thành phố Thái Bình có một tuyến phố đặt tên Lý Bôn) đã quật cường lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa đánh đuổi giặc Lương xâm lược, lập nên nhà nước Vạn Xuân và là người đầu tiên xưng đế, lập một triều đình riêng ngang hàng với các nước lớn phương Bắc, khẳng định quyền độc lập dân tộc (tuy còn thiếu minh chứng cụ thể, song nhiều ý kiến các nhà sử học thiên về Lý Bí quê Thái Bình).

 

Lịch sử đất nước và con người Việt Nam ghi nhận vương triều nhà Trần đã sản sinh ra các vị vua anh minh tuấn kiệt như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và rất nhiều các tướng soái tài ba, nhân vật lịch sử kiệt xuất như Trần Thủ Độ, Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung, Trần Hưng Đạo...

 

Thái Bình được coi là vùng đất phát tích của vương triều Trần vì cách đây hơn 700 năm, tại nơi đây các vị vua khai nghiệp nhà Trần được sinh ra, gia tộc nhà Trần dựa vào đây dấy nghiệp. Hành cung Long Hưng hoành tráng chứng kiến nhiều dấu ấn lịch sử trọng đại gắn liền với vương triều nhà Trần nay còn lưu phế tích. Ba ngôi mộ ba vị vua đầu triều còn sừng sững, dòng sông Thái Sư còn in bóng...  tại quần thể di tích Đền Trần xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà là một minh chứng hùng hồn. Và vào thời Lê sơ, Lê Trung Hưng (thế kỷ XV – XVIII), những danh nhân Quách Đình Bảo, Quách Hữu Nghiêm, Nguyễn Bảo, Nguyễn Tông Quai, Nhà bác học Lê Quý Đôn, Thượng thư Nguyễn Đình Bảo, Lễ nghi học sĩ Quách Thị Lộ,... là những ngôi sao góp phần toả sáng bầu trời văn hiến Việt Nam...

 

Miền quê cách mạng

 

Thời kỳ đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta, người Thái Bình quật khởi cần vương chống Pháp với tên tuổi nhiều vị thủ lĩnh được lưu danh trong lịch sử đấu tranh bảo vệ dân tộc. Đó chính là Phạm Thế Hiển, Đốc Đen, Nguyễn Mậu Kiến, Doãn Khuê, Tạ Hiện, Bùi Viện, Kỳ Đồng... mà tiêu biểu là Đình nguyên hoàng giáp Nguyễn Quang Bích – thủ lĩnh Cần vương số một của Bắc Kỳ.

 

Sớm ra đời chi bộ Đảng, Thái Bình cũng sớm ghi danh tên tuổi chiến sĩ cộng sản lỗi lạc đầu tiên như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Danh Đới, Lương Duyên Hồi... và bao người con ưu tú khác. Cuộc biểu tình của nông dân Tiên – Duyên – Hưng ngày 1-5-1930 là đỉnh cao của cao trào cách mạng Thái Bình năm 1930 và là cuộc đấu tranh tiêu biểu, mở đầu cho phong trào nông dân Bắc Kỳ – sự kiện có tầm ảnh hưởng đến phong trào đấu tranh cách mạng trong cả nước.

 

Cùng với cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải ngày 14-10-1930, người dân Thái Bình đã để lại tiếng vang lớn về tinh thần quật khởi, quyết không chịu làm nô lệ, sẵn sàng đấu tranh giành quyền tự do dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

 

Góp sức không nhỏ cùng cả nước đánh đuổi thực dân Pháp, các tầng lớp nhân dân Thái Bình cùng hân hoan với ngày khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và bắt tay dựng xây đất nước. Để bảo vệ độc lập dân tộc, đánh trả sự quay lại cướp nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, cán bộ và nhân dân Thái Bình thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” và đã anh dũng kiên cường không ngại hy sinh, giữ đất giữ làng tiến đánh kẻ thù, sớm giải phóng quê hương. Trong kháng chiến chống Pháp, hàng vạn thanh niên Thái Bình đã lên đường nhập ngũ, hàng vạn tấn lương thực kịp thời chi viện cho tiền tuyến. Thời kỳ này, Thái Bình đã được Hồ Chủ tịch tặng cờ “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch”; làng Nguyên Xá được tặng cờ “Làng kháng chiến kiểu mẫu”.

 

Nhiều tập thể cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng trong đó có những biểu tượng tự hào như nữ du kích anh hùng Nguyễn Thị Chiên, Tạ Quốc Luật bắt sống Tướng Đờ Cát, chiều 7/5/1954 tại Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp...

 

Tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ, hơn 15 vạn con em Thái Bình đã lên đường nhập ngũ – Thái Bình khi đó là tỉnh có tỷ lệ tuyển quân tham gia quân đội cao nhất miền Bắc so tỷ lệ dân số. Tuy ở vào thời kỳ chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ, Thái Bình vẫn là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt thành tích cao trong sản xuất nông nghiệp khi đạt 5 tấn, 6 tấn thóc/ha, cung cấp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm ra chiến trường, được Bác Hồ về thăm động viên.

 

Quân dân Thái Bình tự hào đã chiến đấu kiên cường, bắn rơi 44 máy bay Mỹ, bắn cháy 4 tàu chiến. Nhiều người con lập công xuất sắc được lưu danh tên tuổi và chiến công như Anh hùng phi công Phạm Tuân, Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ, Đại đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận... Kết thúc hai cuộc kháng chiến, Thái Bình tự hào là địa phương có nhiều cống hiến cho độc lập dân tộc, trong đó có 32.499 thương bệnh binh, 51.144 liệt sĩ...

 

Phát huy truyền thống quê hương

 

Thái Bình nay đã có Thành phố là đô thị loại ba và đang phấn đấu lên đô thị loại hai vào năm 2012. Làng quê Thái Bình thanh bình, trù phú và ngày càng đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại. Toàn tỉnh hiện có trên 10% số hộ có nhà khang trang hai, ba tầng trở lên; 80% số hộ có nhà xây kiên cố; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn dưới 10%.

 

Cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng tích cực giữ vững sản lượng thóc trên một triệu tấn/năm, năng suất lúa 130 tạ/ha. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhiệm kỳ 2005 – 2010 đạt 12,02%/năm. Riêng sáu tháng đầu năm 2010, GDP ước đạt 5.316 tỷ đồng, hứa hẹn một năm hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

 

Thái Bình nay không còn là tỉnh thuần nông. Bảy khu công nghiệp với diện tích 1.216 ha, 31 cụm công nghiệp với diện tích 775,5 ha đã thu hút gần 400 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 53 nghìn tỷ đồng. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nghề và làng nghề ở Thái Bình cũng được khuyến khích phát triển. Nghề mới được du nhập, nghề truyền thống được phát huy đưa số làng nghề được công nhận đạt chuẩn lên 219 làng, giải quyết việc làm ổn định và tăng thu nhập cho 175 nghìn lao động. Toàn tỉnh có 407 trang trại và 2.320 gia trại tổng hợp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao...

 

Cùng với những thành tựu về kinh tế, đời sống của người dân được nâng lên cả vật chất và tinh thần. Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá xã hội, thể dục thể thao luôn là tỉnh có phong trào mạnh trong toàn quốc... Tổng kết 20 năm phong trào xây dựng đời sống văn hoá, Thái Bình có 99,65% xã phường thị trấn; 73,5% thôn làng có nhà văn hoá; 100% số xã có sân thể thao. 384.050 hộ đạt chuẩn gia đình văn hoá. Hàng năm có 85% số thôn làng đăng ký xây dựng thôn làng văn hóa, trên 850 lượt thôn làng tổ dân phố được công nhận và công nhận lại chiếm tỷ lệ 45% tổng số thôn làng; 1226 lượt cơ quan trường học, doanh nghiệp, đơn vị đạt “Đơn vị văn hóa”...

 

Các phong trào thi đua yêu nước được nhân dân tích cực hưởng ứng như “cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phong trào xây dựng nếp sống văn hoá; nông dân thi đua phát triển kinh tế, giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng; phong trào xây dựng nông thôn mới... đang tạo những bước chuyển mạnh mẽ, đưa Thái Bình phát triển lên tầm cao mới.

 

Những nỗ lực của cán bộ và nhân dân Thái Bình đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, phong tặng các danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVTND; Huân chương Độc lập hạng nhất; 6 huân chương Quân công; 96 tập thể và 78 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và Anh hùng lao động; 2.178 bà mẹ được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” v.v.. Đó chính là niềm vinh dự, tự hào; là nền tảng, động lực để cán bộ và nhân dân Thái Bình tiếp tục vững bước phấn đấu, tiếp nối truyền thống, viết tiếp trang sử vẻ vang xây dựng quê hương đất nước ngày càng văn minh giàu đẹp.

Hà Dung

  • Từ khóa