Thứ 5, 01/08/2024, 13:14[GMT+7]

Ngành thanh tra 65 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ 2, 22/11/2010 | 08:41:21
1,174 lượt xem
Ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/ SL thành lập “ Ban thanh tra đặc biệt”, tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam. Năm 1949 chuyển thành “ Ban thanh tra Trung ương”.

Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho ngành Thanh tra.

Năm 1956 đổi thành “Ban thanh tra Chính phủ” với chức năng nhiệm vụ thanh tra trên nhiều lĩnh vực, các tổ chức thanh tra được mở rộng đến khu vực và địa phương. 

Ngành thanh tra Thái Bình được thành lập tháng 3/1957, lúc đầu chỉ có Ban Thanh tra ở tỉnh với 7 cán bộ với nhiệm vụ chủ yếu là giải quyết những tranh chấp về tài sản, ổn định tình hình trật tự trị an, củng cố tình đoàn kết nông thôn, giữ vững và phát huy thành quả của cải cách ruộng đất, vận động nhân dân lao động đi vào con đường làm ăn tập thể, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực. 

Năm 1970, Hội đồng Chính phủ có Nghị định số 164/CP và Nghị định 165/CP chấn chỉnh hệ thống tổ chức bộ máy, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức Thanh tra. ở Thái Bình, các tổ chức Thanh tra được thành lập từ tỉnh đến các huyện, thị xã, các ty, ngành của tỉnh.

Cùng với hoạt động của các tổ chức Thanh tra chuyên trách, phong trào kiểm tra của quần chúng được phát động. Thanh tra tỉnh đã phối hợp cùng các ngành tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho Trưởng ban kiểm soát ở HTX nông nghiệp và tổ trưởng kiểm tra quần chúng ở xí nghiệp, cửa hàng thuộc khu vực cơ quan Nhà nước quản lý để làm nhiệm vụ giám sát, kiểm tra thường xuyên tại chỗ, góp phần cải tiến tổ chức, lề lối làm việc, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc tiêu cực, có tác dụng ngăn chặn các hiện tượng quan liêu, lãng phí, tham ô, được nhân dân nhiệt tình ủng hộ.

Từ những kinh nghiệm tổ chức kiểm tra của quần chúng ở Thái Bình, Thủ tướng Chỉnh phủ đã ban hành Quyết định số 25/TTg về việc tổ chức các Ban Thanh tra nhân dân ở các đơn vị cơ sở địa phương, đơn vị kinh tế, sự nghiệp.

Sau khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, cùng với ngành Thanh tra cả nước, hệ thống các tổ chức thanh tra Thái Bình tiếp tục được kiện toàn. Phương hướng nhiệm vụ được đặt ra là “Phát huy tính tích cực, chủ động tập trung lực lượng đẩy mạnh hoạt động thanh tra, tăng cường thanh tra kinh tế, thực hiện kế hoạch Nhà nước, giải quyết các KNTC của công dân, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chống tiêu cực”.

Quán triệt phương hướng nhiệm vụ trên, ngành Thanh tra đã tăng cường tiến hành các cuộc thanh tra, xét giải quyết đơn thư KNTC của công dân. Qua những cuộc thanh tra đã kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước, tập thể nhiều vật tư, tài sản, tiền của bị thất thoát, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính và pháp luật một số người vi phạm. Đồng thời đề xuất biện pháp phòng ngừa ngăn chặn chống các hiện tượng tiêu cực.

Từ điển hình thực hiện “5 công khai, 2 dứt điểm” trong HTX nông nghiệp của huyện Tiền Hải, Thanh tra tỉnh đã kịp thời rút kinh nghiệm và được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai ra toàn tỉnh, góp phần phát huy quyền làm chủ tập thể, tham gia giám sát, phát hiện của nhân dân vào công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội, chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước tại cơ sở. Với sáng kiến thực hiện công khai hoá, Thanh tra Thái Bình đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Từ khi Hội Đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh Thanh tra ngày 01/4/1990 xác định rõ “Thanh tra là một chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước, là phương thức bảo đảm pháp chế, tăng cường kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực hiện quyền dân chủ Xã hội chủ nghĩa”; Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Nghị định 244/HĐBT ngày 30/6/1990 quy định về hệ thống các tổ chức Thanh tra nhà nước và các biện pháp bảo đảm cho hoạt động Thanh tra, Quốc Hội ban hành Luật Thanh tra năm 2004.

Thái Bình đã kiện toàn các tổ chức thanh tra: Cơ quan Thanh tra tỉnh với 45 cán bộ, thanh tra viên; Thanh tra 8 huyện, thành phố mỗi tổ chức có từ 5 đến 8 cán bộ; 20 tổ chức Thanh tra sở, ngành, mỗi tổ chức có từ  2 đến 20  cán bộ, thanh tra viên. Tổng số đội ngũ cán bộ, thanh tra viên chuyên trách có 245 đồng chí, trong đó có 108 đồng chí được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra (thanh tra viên chính là 19, thanh tra viên 89). Có trên 90% số cán bộ, thanh tra viên có trình độ đại học ở nhiều chuyên ngành khác nhau.

Hàng năm hoạt động của ngành Thanh tra đã bám sát chương trình thanh tra của Thanh tra Chính Phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị để tổ chức các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội có trọng tâm, trọng điểm. Tham mưu và trực tiếp giúp lãnh đạo các cấp, các ngành duy trì nền nếp công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân.

Qua hoạt động thanh tra, xét giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, thu hồi tiền của bị thất thoát về cho ngân sách Nhà nước và các cơ quan, đơn vị, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xử lý các cá nhân có sai phạm. Qua đó đã kiến nghị các biện pháp khắc phục sơ hở, thiếu sót, đề xuất nhiều kiến nghị bổ sung sửa đổi cơ chế, chính sách chưa phù hợp, chấn chỉnh công tác quản lý, tăng cường kỷ cương pháp luật, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.

Trong thời gian 1997 - 1999, thực hiện Nghị quyết số 06 của Tỉnh uỷ và Kế hoạch thanh tra số 77 của UBND tỉnh, ngành Thanh tra đã tổ chức và thực hiện có hiệu quả các cuộc thanh tra giải quyết khiếu kiện của nhân dân trên diện rộng ở 242 xã, phường, thị trấn trong phạm vi toàn tỉnh. Các báo cáo kết luận thanh tra ở các xã được công bố công khai, làm rõ các sai phạm và có hình thức xử lý phù hợp đối với tập thể, cá nhân có vi phạm, được đa số nhân dân đồng tình, ủng hộ, góp phần quan trọng vào việc sớm ổn định tình hình.

Từ năm 2006 đến nay, các tổ chức Thanh tra trong tỉnh đã tham mưu giúp lãnh đạo các cấp, các ngành tiếp 28.832 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và trình bày nguyện vọng, giảm 47% so với 5 năm 2000 - 2005; nhận 5.654 đơn thư KNTC của công dân, giảm 43%. Trong đó, đơn KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết là 1.771 đơn (1.290 đơn KN, 481 đơn TC), giảm 71% so với 5 năm 2000- 2005; đã giải quyết 1.763 đơn ( đơn KN 1.286, đơn TC 477 đơn).

Tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo hàng năm đạt bình quân 93% số đơn thư phải giải quyết  (tỷ lệ cao trong cả nước). Qua giải quyết đơn thư KNTC, đã kiến nghị thu hồi 2.389,5 triệu đồng, khôi phục quyền lợi cho công dân 532,8 triệu đồng.

Năm 2010, các tổ chức thanh tra trong tỉnh đã tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết các KNTC của công dân, phối hợp với các cấp, các ngành giải quyết các vụ việc bức xúc, đông người, các đơn thư liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng, giữ ổn định tình hình, góp phần tích cực vào thành công của Đại hội Đảng các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở.

Về thanh tra kinh tế xã hội, 5 năm qua, ngành Thanh tra Thái Bình đã tiến hành 521 cuộc thanh tra ở 5.866 lượt đơn vị. Đã phát hiện các sai phạm về kinh tế số tiền 89.186 triệu đồng, 1.393.035m2 đất. Kiến nghị thu hồi 65.229 triệu đồng, 520.494m2 đất.

Kiến nghị các cấp, các ngành xử lý kỷ luật hành chính 105 cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 05 vụ việc. Để xuất bổ sung sửa đổi một số văn bản, cơ chế quản lý, có nhiều kiến nghị chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý của các địa phương, đơn vị.

Đồng thời đã triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung, chương trình hành động của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, tăng cường phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng thông qua công tác thanh tra và giải quyết tố cáo.

Với những thành tích trên, ngành Thanh tra Thái Bình đã được Đảng- Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Năm 2004 được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Nhiều tổ chức thanh tra, thanh tra viên đã được Nhà nước, Chính phủ, Tổng Thanh tra và lãnh đạo các cấp, các ngành khen thưởng. Phát huy những thành tích đã đạt được, thời gian tới công tác thanh tra luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, từng đơn vị, tham mưu cho các cấp, các ngành duy trì nề nếp công tác tiếp dân, kịp thời giải quyết đúng luật các đơn thư KNTC của nhân dân, xây dựng chương trình và tổ chức các cuộc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Với phương châm “ chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, kết hợp giữa xây và chống, lấy xây là chính”, tập thể lãnh đạo ngành Thanh tra Thái Bình quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng  là” tai mắt của trên, là bạn của dưới”.

Đỗ Đình An

(Tỉnh ủy viên - Chánh Thanh tra tỉnh)


  • Từ khóa