Thứ 5, 25/07/2024, 19:59[GMT+7]

F304 - Sư đoàn thép trên mặt trận Quảng trị và chiến trường miền nam

Thứ 6, 04/03/2011 | 09:18:29
7,741 lượt xem
Theo kế hoạch ngày 05/3/2011, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Thái Bình, Ban liên lạc CCB mặt trận Quảng Trị 1972 tổ chức lễ truy tặng kỷ niệm chương của BLL Quân khu Trị Thiên cho một số liệt sĩ và trao tặng KNC của UBND tỉnh Quảng Trị cho các chiến sĩ đã chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở mặt trận này.

Nụ cười chiến thắng thành cổ Quảng Trị. Ảnh: TL

Tham dự buổi lễ có các Tướng lĩnh thuộc cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng, Quân khu 3, Quân đoàn 2, lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Trị, Thái Bình,  cùng hơn 500 CCB phần đông là con em Thái Bình. Về dự buổi lễ, trong lòng mọi người bùi ngùi xúc động nhớ tới các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, tô thắm truyền thống vẻ vang của đơn vị anh hùng. Trong nhiều đơn vị đã tham gia chiến đấu tại Mặt trận Quảng Trị và chiến trường miền Nam lập nhiều chiến công đã được tôn vinh đơn vị anh hùng, phải nói đến sư đoàn 304 Quân đoàn 2.

 

Sư đoàn 304 được thành lập từ năm 1950. Qua 2 cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, 304 đã được phong tặng danh hiệu Sư đoàn anh hùng. Nhiều cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn đã nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, có đồng chí được phong 2 lần danh hiệu Anh hùng như Đại tá sư đoàn phó Đặng Đình Hô.

Đồng chí Hoàng Đan, tư lệnh sư đoàn 304

 

Chiến dịch Mặt trận Quảng Trị 1972, 304 được mệnh danh là Sư đoàn Thép.Những địa danh tên làng, tên núi, tên sông ở Quảng Trị mang theo chiến công của Sư đoàn 304, còn in đậm vào trái tim khối óc không riêng của các chiến sĩ trong sư đoàn mà còn cả trong các chiến sĩ và đồng bào cả nước như: chiến  thắng Đường 9, Dốc Miếu, Tà Cơn, Khe Sanh, Điểm Cao 241, Đầu Mầu, ái Tử, sông Thạch Hãn, Thị  xã Thành Cổ...

 

Quảng Trị trong chiến tranh chống Mỹ được coi là “nơi đụng đầu lịch sử”. Bởi vì Quảng Trị sát miền Bắc, ta có điều kiện tập trung lực lượng, tập trung chỉ đạo đảm bảo hậu cần cho toàn chiến trường, mở chiến dịch quy mô lớn, dài ngày. Quân địch đã quyết giữ và tập trung nhiều binh hỏa lực tối tân cho khu vực này. Cuộc chiến đấu giải phóng tỉnh Quảng Trị rất gay go và anh dũng.

 

Đặc biệt 81 ngày đêm chốt giữ Thành Cổ (25/5 – 16/9/1972) được coi là Bản Thiên anh hùng ca bất tử cho Tổ quốc quyết sinh. Thành Cổ nằm ở phía đông thị xã Quảng Trị, còn có tên là Thành Đinh Công Tráng, thành xây bằng gạch từ năm 1827, có hình vuông, mỗi cạnh 500m, phía ngoài có hào rộng 15m bao quanh. ở đây dưới thời Ngụy có nhà Tỉnh trưởng, Tòa thị chính, khu cố vẫn Mỹ và một số cơ quan dân sự Ngụy.

 

Chiến công của 304 cũng như chiến công của các đơn vị trên chiến trường miền  Namon> được bắt nguồn từ nghệ thuật lãnh đạo quân sự của Đảng và Quân đội ta. Nhiều đồng chí chỉ huy đơn vị rất tài tình và thông minh, luôn đổi mới cách đánh, hành quân tác chiến vào trận địa, với phương châm “đi không dấu, nấu không khói”, lúc ẩn, lúc hiện. Sự xuất hiện của Sư đoàn 304 ở chiến trường đã làm cho kẻ thù bao phen phải khiếp sợ.

 

Trong chiến dịch giải phóng, giữ vững vùng đất giải phóng tỉnh Quảng Trị và chiến dịch đại thắng mùa xuân năm 1975 cán bộ chiến sĩ sư đoàn rất kính phục tài chỉ huy và tình đồng  đội của nhiều cán bộ lãnh đạo sư đoàn, cho dù họ đã khuất nhưng danh tiếng vẫn truyền lại như: Đại tá sư đoàn trưởng Hoàng Đan, Thượng tá chính uỷ Hồng Thanh, Chủ nhiệm chính trị Nguyễn Quảng Mạc, Chủ nhiệm Hậu Cần Ngô Sơn Nga, Cao Đào, Trưởng ban xăng xe Sư đoàn Ngô Chưởng vv...

 

Sau chiến dịch giải phóng Quảng Trị 1972 và giữ vững vùng giải phóng năm 1973, đến đầu năm 1974, Sư đoàn 304 hành quân vào tham gia chiến dịch giải phóng Thượng Đức. Chi khu quân sự quận lỵ Thượng Đức của Ngụy cách Đà Nẵng 40km về phía tây. Chốt này, Ngụy đã phong 3 lần anh hùng. Việc giải phóng Thượng Đức tháng 7/1974 và chốt giữ được cứ điểm này của sư đoàn đã làm cho địch hoang mang, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc đánh vào trung tâm TP Đà Nẵng. Tiếp theo đó với khí thế thừa thắng xốc tới của toàn quân, Sư đoàn 304 đã góp phần hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ giải phóng Huế, Đà Nẵng. Với tinh thần và mệnh lệnh Thần tốc - Táo bạo - Chắc thắng sư đoàn đã kịp thời cùng năm mũi tấn công của Quân đội ta tiến về giải phóng Sài Gòn. Nhiều cán bộ chiến sĩ của Sư đoàn 304 Quân đoàn 2 đã có mặt từ 11 giờ trưa 30/4/1975 để đánh chiếm dinh Độc Lập, tham gia bắt sống Tổng thống Ngụy và chính quyền bù nhìn, cắm cờ giải phóng trên nóc dinh Độc Lập; chốt giữ căn cứ Tổng kho Long Bình, một tổng kho lớn nhất chứa đầy vũ khí, thiết bị kỹ thuật tối tân của địch.

 

Suốt chặng đường chiến đấu của đơn vị, nhiều kỷ niệm sâu sắc và buồn vui, nhớ làm sao hết, viết làm sao hết được. Các chiến sĩ Sư đoàn 304 luôn nhớ tới truyền thống anh hùng ở giai đoạn “Một thời Quảng Trị”. Cảm xúc lớn lao trong mỗi cán bộ chiến sĩ sư đoàn 304 là niềm tự hào có một thời chiến đấu trên mảnh đất anh hùng và thiêng liêng này. Không nơi nào nhiều nghĩa trang như ở tỉnh Quảng Trị. Ngoài 72 nghĩa trang (trong đó có nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn và nghĩa trang Đường 9), ở đây còn có 2 nghĩa trang nữa, không có mộ: Đó là Mảnh đất Thành Cổ và Lòng sông Thạch Hãn. Lòng sông Thạch Hãn trở nên linh thiêng bởi ẩn trong nó có bao số phận của các chiến sĩ đã chiến đấu hy sinh.

 

Hàng năm, vào ngày 27/7, người dân Quảng Trị và du khách khắp mọi miền về đây thả hoa tưởng niệm, việc làm có ý nghĩa văn hoá tâm linh. Đứng lặng nhìn hoa và sông nước, nhớ câu thơ của một người lính đã viết như nhắn nhủ với mọi người:

Đò xuôi Thạch Hãn, xin  chèo nhẹ

Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm

Hóa tuổi 20 thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.

Chiến tranh đã lùi đi xa. Những chiến sĩ Sư đoàn 304 cũng như các đơn vị khác, theo sự phân công của Đảng, người ở lại phục vụ trong quân ngũ, người trở về làm việc tại hậu phương. Nhiều đồng chí tóc đã điểm bạc, làn da đã đổi màu, nhưng tâm hồn và sức sống còn rất trẻ. Trong người họ, tình yêu Tổ quốc, tình yêu quê hương, tình yêu đồng đội còn khát khao và cháy bỏng. Họ mang nặng trong mình truyền thống vẻ vang của đơn vị anh hùng.

 

Những cán bộ chiến sĩ của sư đoàn, trung đoàn năm xưa được trở về, có người còn gặp khó khăn, thiệt thòi. Tuy mỗi người ở một vị trí công tác sản xuất khác nhau, nhưng trong lòng đều có cái chung là giữ được phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục cống hiến cho quê hương và gia đình. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền để ý quan tâm động viên lực lượng CCB: Người có công cần được tôn vinh khen thưởng; Người có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ chia sẻ. Lực lượng CCB luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, phấn đấu thực hiện lý tưởng của Đảng đến hơi thở cuối cùng. Trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc đã đánh thắng ngoại xâm, trong sự nghiệp xây dựng đất nước đã và sẽ thắng “giặc nội xâm”. Cựu chiến binh luôn xứng đáng là lực lượng tin cậy của cấp uỷ và chính quyền địa phương trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc và quê hương yêu qúi của mình.

Nguyễn Mạnh Bao

Phó BLL, CCB Mặt trận Quảng Trị 1972

Trần Minh Thuần

CCB 304 TTrực  VP Hiệp hội DN tỉnh

  • Từ khóa