Thứ 2, 29/07/2024, 11:36[GMT+7]

Giá trị văn hóa Hồ Chí Minh

Thứ 6, 27/08/2010 | 16:48:07
1,149 lượt xem
Trong hệ các giá trị Hồ Chí Minh bao gồm giá trị tư tưởng, giá trị chính trị, giá trị đạo đức và giá trị văn hoá, có thể nói chính giá trị văn hoá của Người đã tạo nên con người Hồ Chí Minh một cách rõ nét nhất - Đó là Văn hoá Hồ Chí Minh.

Thị trấn Vũ Thư

Ta đều biết, nói đến văn hoá là nói đến một phạm trù vô cùng rộng lớn, có thể nói, văn hoá là một phạm trù bao trùm lên tất cả mọi suy nghĩ, hành vi, hành động, hoạt động của con người, trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống của xã hội loài người. Văn hoá Hồ Chí Minh chính là con người Hồ Chí Minh.

Một trong những nét tiêu biểu trong giá trị văn hoá Hồ Chí Minh đó là văn hoá hành vi: Đối với Hồ Chí Minh, lời nói luôn đi đôi với việc làm. Khi kêu gọi đồng bào lập hũ gạo cứu đói, Người gương mẫu thực hiện trước. Mỗi tuần Người nhịn ăn hai bữa, hôm đó đúng vào lịch nhịn ăn Bác lại phải tiếp khách quốc tế, Người tính vào bữa sau.

Trên thế gian này, từ cổ chí kim, chưa có một vị nguyên thủ quốc gia nào như vậy. Khi Người đi đàm phán tại một hội nghị rất quan trọng có quan hệ tới vận mệnh quốc gia giữa thủ đô Pa-ri hoa lệ, trong hội nghị, giữa các nguyên thủ quốc gia, vẫn không quên để giành một quả táo cho một em bé Pháp nghèo gặp ngoài đường phố. Hành vi đó là gì khác nếu không phải là Người đi đến tận cùng của lòng thương yêu con người, của số phận mỗi con người cụ thể, rất thực tế, không hoa mỹ. Thăm nông dân chống hạn, Người guồng nước, tát nước rất thuần thục như một nông dân thực thụ. Thăm đồng bào ngư dân, Người cởi trần kéo lưới rồi ngồi bệt trên bãi biển uống nước cùng bà con như một ngư dân. Không có khoảng cách giữa lãnh tụ và nhân dân.

Thương nhớ đồng bào miền Nam đang chịu đau khổ dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, khi được đồng bào miền Nam biếu cây vú sữa, Người đã tự tay trồng bên cạnh nhà sàn nơi Người ở và làm việc, và vun tưới cho cây vú sữa để như luôn có đồng bào miền Nam bên cạnh, như chính lời Người nói “ Đồng bào miền Nam luôn trong trái tim tôi”. Đó là sự nhất quán giữa suy nghĩ, lời nói và hành vi của Người. Chính vì thế mà Người cảm hoá được con người, cảm hoá được mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có bạn bè và nhân dân quốc tế, cảm hoá được cả kẻ thù của dân tộc mình.

Chính vì yêu thương con người mà, yêu nước, trước hết và đồng nghĩa với yêu nhân dân. Người chỉ mong muốn có hoà bình cho không chỉ dân tộc mình mà tất cả các dân tộc trên thế giới. Vì vậy, ngay trong lời tuyên chiến với kẻ thù, lời lẽ của Người tuy rất kiên quyết, song lại rất giản dị và hoà bình: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào, chúng ta phải đứng lên!”. Lời tuyên chiến đó khẳng định, cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta là bất khả trì hoãn, là bất đắc dĩ, là chỉ thực hiện quyền tự vệ chính đáng mà thôi.

Lời tuyên chiến đó như phản ứng của con người đang cày dở thửa ruộng, đang dang dở một công việc rất thông thường của đời sống con người, tức là Người không dập tắt tâm lý hoà bình ngay cả trong lời tuyên chiến. Người kêu gọi: “Ai có súng, dùng súng, ai có gươm, dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc...”. Như vậy là Người xếp vũ khí của chiến tranh (súng, gươm) với những dụng cụ lao động hoà bình hết sức thông thường (mà buộc phải dùng vào chiến đấu tự vệ: cuốc, thuổng, gậy gộc), với những con người cũng vốn rất hoà bình, không phải là người lính chuyên nghiệp: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ”- càng khẳng định: cuộc chiến đấu này là không mong muốn, song tất yếu không thể tránh.

Đó là tư tưởng vĩ đại, tầm nhìn thiên tài của một lãnh tụ thiên tài, - nhưng được thể hiện bằng hành vi, bằng ngôn ngữ hết sức giản dị. Đó chính là sự vĩ đại của Hồ Chí Minh, nét đặc sắc của Văn hoá Hồ Chí Minh.

Cũng như khi Giôn xơn đưa nửa triệu quân Mỹ sang Việt Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Hồ Chí Minh đã đưa ra một thông điệp cứu quốc, trong đó có đoạn: “Này Tổng thống Giôn-xơn, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác có thể bị tàn phá, nhưng nhân dân Việt Nam quyết không sợ...” Lời tuyên chiến với kẻ thù mà nghe rất “nhẹ nhàng”, giản dị thế thôi! Giản dị cả trong ngôn từ mà Người sử dụng cũng như trong giọng nói của Người.

Người nói với kẻ thù, gọi tên kẻ thù mà không có sự phân biệt nào cả, cũng không gay gắt và thù hận, nhưng trong lời nói bình thường ấy mà có súng, có gươm, có quyết tâm của cả một dân tộc vì độc lập, vì tự do, có “chất thép” sáng loà mà Người là đại diện cho cả một dân tộc vốn rất yêu chuộng hoà bình! Thật là thiên tài! Thật là vĩ đại!

Có thể nói, Văn hoá Hồ Chí Minh vừa kế thừa cốt cách văn hoá của dân tộc, của truyền thống văn hoá, giáo dục từ gia đình của Người, kết tinh và kết hợp tổng hoà, nhuần nhuyễn các nền văn hoá lớn của nhân loại cổ, kim, Đông, Tây mà người đã tiếp thu, chắt lọc một cách rất tự nhiên trong cả một quá trình khi bôn ba tìm đường cứu nước để tạo nên một bản sắc văn hoá đặc biệt, một cốt cách đặc biệt không thể pha trộn, nhầm lẫn: Văn hoá Hồ Chí Minh!

Đào xuân Ánh
(Công tác viên)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày