Những phóng viên có mặt tại Sài Gòn trong ngày 30-4 lịch sử
Nữ biệt động thành Trung kiên Ảnh: Đậu ngọc Đản
Trong hồi ức về những ngày tháng không thể nào quên ấy, ông Đinh Quang Thành, nguyên phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam cho biết : Sau hơn một tháng rong ruổi theo các đoàn quân giải phóng suốt từ Bắc vào Nam, rạng sáng ngày 30-4-1975, tôi cùng tổ phóng viên “mũi nhọn” theo một mũi tiến quân của Sư đoàn 304 hành tiến vào Sài Gòn.
Xa lộ Biên Hòa Sài Gòn đầy lửa đạn, tới đầu cầu Thị Nghè tôi nhảy xuống đường nhưng không sao chụp được ảnh vì bà con hai bên đường ùa ra tặng quà, đành chạy vội về xe tiếp tục tiến về Dinh Độc Lập. Cùng với Lữ đoàn tăng 203 vào Dinh Độc Lập, với phản xạ nghề nghiệp tôi mải miết chụp tất cả những gì diễn ra trong thời khắc đó : các xe tăng số 390, 843 án ngữ trước thềm Dinh Độc Lập; các binh sĩ, sĩ quan quân đội Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện, các thành viên chính quyền Sài Gòn khai báo tại tầng hai Dinh Độc Lập...
Sau khi ở Dinh Độc Lập chứng kiến những giây phút cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, tôi đã hòa mình vào không khí sôi động của người dân Sài Gòn mừng ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Ngày 30-4-1975 là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm báo của tôi...
Tình cờ, tôi được xem cuốn sách “ảnh Việt Nam thế kỷ XX” của Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, trong đó có bức ảnh Nhân dân thành phố Sài Gòn đón chào quân giải phóng in tràn hai trang 204 và 205. Đó là một bức ảnh rất hoành tráng chụp một đoàn xe chở quân giải phóng đi giữa rừng người.
Những gương mặt trong ảnh đều rạng rỡ, tươi vui. Hàng ngàn cánh tay đang vẫy chào đoàn quân chiến thắng. Sau này, thông qua các nguồn tư liệu, tôi mới biết rằng, đó là bức ảnh của một phóng viên quân đội tăng cường cho Thông tấn xã Việt Nam, người đã từng với phóng viên Đinh Quang Thành rong ruổi trên những chặng đường dài và có mặt ở Sài Gòn vào thời khắc đặc biệt của ngày 30-4. Đó chính là phóng viên Hứa Kiểm.
Về sự kiện lịch sử trọng đại này, phóng viên Hứa Kiểm xúc động : “Tôi chụp ảnh này buổi sáng 30/4/1975 trên đường từ cầu Sài Gòn đến cầu Thị Nghè. Trước đó, từ rừng cao su Xuân Lộc về căn cứ Nước Trong, chúng tôi nhập với bộ binh cơ giới của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 Quân đoàn 2. Trận Nước Trong cực kỳ ác liệt, đó là một trường sĩ quan tăng thiết giáp, quân địch dùng xe tăng kết hợp với địa hình chống trả ác liệt.
Sáng 29/4, quân ta chiếm được Nước Trong, thế là cứ băng băng về Sài Gòn thôi. Để chụp tấm ảnh này, tôi đứng trên thùng một xe tải chụp về phía sau, qua ống kính 35 mm của chiếc máy Pentax, tôi thấy những người dân ôm chầm lấy bộ đội, tất cả đều tung hô, vẫy chào, ai cũng kiễng chân để sờ được vào tay các chú bộ đội trên xe. Ông Đinh Quang Thành (PV TTX Việt Nam) nhảy xuống đường chụp ảnh liền bị bà con bế bổng, tung hô ầm ầm.
Nhưng không may cho tôi, đến cầu Thị Nghè, một chiếc xe tăng bị cháy làm tắc đường, nên tôi vào Dinh Độc Lập trễ mất ít phút…”. Hiện giờ, tất cả những tác phẩm ảnh của ông đều được lưu trữ trong tư liệu của TTXVN.
“Đó là điều may mắn lớn của đời tôi”. Nguyên phóng viên chiến trường của Tổng cục Chính trị- nhà báo Đậu Ngọc Đản, đã thốt lên như vậy khi ông đã cùng với đội quân trùng trùng điệp vượt qua bao gian lao thử thách, lửa đạn để có mặt ở Sài Gòn vào đúng ngày 30-4 lịch sử.
Ông tâm sự rằng : Hồi đấy tôi mới 24 tuổi, là phóng viên mang quân hàm thiếu uý của Tổng cục chính trị. Vào Sài Gòn khi đó có rất nhiều phóng viên báo chí trong và ngoài nước nhưng có người vào muộn, có người vào sau vì nhiều lý do khác nhau. Sở dĩ tôi có mặt tại Dinh Độc Lập vào sáng ngày 30/4/1975 để chứng kiến cảnh Tổng thống Dương Văn Minh bị bắt là bởi tôi có 2 may mắn lớn đó là: Tôi là phóng viên của quân đội, lại được đi theo tiểu đoàn 4 của Lữ đoàn xe tăng 203, là cánh tiến thẳng vào Sài Gòn.
Trong đó, chiếc xe tăng thứ 4 mà tôi được đi cùng là chiếc tiến vào Dinh Độc Lập. Khi quân giải phóng tiến vào Dinh, tôi cũng đã nhanh tay chụp được bức hình trung uý Phạm Xuân Thệ đưa Dương Văn Minh đến đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Khi chụp xong bức hình này, trong đầu tôi chỉ nghĩ đến việc làm thế nào đó để nhanh chóng đưa nó về Hà Nội để kịp thời đưa tin đến nhân dân cả nước.
Vì thế mà tôi không đến đài phát thanh để chứng kiến những gì xảy ra ở đó nữa. (…)một người tên là Võ Cự Long, một cảnh sát chuyên dẫn đường cho xe của tổng thống đưa tôi và anh Hoàng Thiểm chạy từ Dinh Độc Lập ra Đà Nẵng để lên chuyến máy bay đầu tiên trở về Hà Nội. (…). Ra đến sân bay Tân Sơn Nhất, tôi lại gặp một may mắn nữa khi hình ảnh nữ biệt động thành Trung Kiên (tên thật là Cao Thị Nhíp) tự nguyện dẫn đường cho xe tăng của quân đoàn 3 vào Sài Gòn. Đó là một bức ảnh đẹp của tôi và được nhiều người biết đến.
Khi vào Sài Gòn, cảm giác của tôi giống như một cậu học trò ở quê lần đầu ra tỉnh vậy. Đó là một thành phố phồn hoa đô hội nên chúng tôi không tránh khỏi sự ngỡ ngàng. Nhưng với tâm thế của người chiến thắng nên tự nhiên cũng thấy tự tin hơn. Đang tác nghiệp nhưng chính chúng tôi cũng muốn hoà mình vào không khí chiến thắng ấy vì thấy người dân miền Nam ai cũng niềm vui ngập tràn trên khuôn mặt, không khí rộn ràng vô cùng…
Đặc biệt, vào 13 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, khi Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện tại Đài Phát thành Sài Gòn, có một nhà báo Việt Nam và là người duy nhất chộp được bức hình lịch sử đó. Ông là nhà báo Phạm Kỳ Nhân (bút danh Kỳ Nhân), phóng viên của Hãng AP tại Sài Gòn khi đó. Ông nhớ lại: Tôi túc trực tại Dinh Độc Lập bắt đầu từ ngày 28-4 vì thấy lúc này tinh thần của chính quyền ngụy đã rệu rã lắm rồi. 10 giờ sáng ngày 30-4, tôi vào Dinh Độc Lập để tiếp tục theo dõi những diễn biến trong nội các của Dương Văn Minh.
Cùng có mặt trong Dinh lúc đó với tôi còn có nhà báo Tây Đức Borries Gallasch. Lúc đó, ngoài Dinh một vài lính Lôi Hổ đang tụ tập trong sân, vứt súng, quân phục xuống đất và có những hành động phản đối việc Tổng thống có ý định đầu hàng quân giải phóng. ở trong Dinh, Tổng thống và ông Vũ Văn Mẫu lúc đó đều không có vẻ buồn của người thua trận. Trái lại, tôi thấy họ rất vui và tâm trạng thì rất bồn chồn chờ quân giải phóng vào để bàn giao chính quyền.
Khi quân giải phóng vào và đưa nội các Dương Văn Minh đến đài phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng, tôi đã dùng xe riêng của mình để chở các ông Cả và Lâm (họ đều không đeo quân hàm) đến đài phát thanh. Lúc đó các nhà báo chỉ có tôi và Borries Gallasch nhưng nhà báo này chỉ ghi âm thôi chứ không chụp hình. Thấy đó là thời khắc quan trọng nên tôi đã chụp rất nhanh bức hình đó và gửi về Hãng AP (…).
Rời đài phát thanh, tôi hoà vào dòng người của quân giải phóng để tiếp tục tác nghiệp. Trong đời làm phóng viên của mình, bằng những tác phẩm báo chí viết về chiến thắng 30/4 năm đó, tôi vô cùng tự hào vì mình đã đóng góp được một phần nhỏ bé để ghi lại những thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước.
Nguyễn Thị Thọ
Tin cùng chuyên mục
- Bốn mươi năm là thông tín viên tích cực của Báo Thái Bình 01.09.2010 | 10:39 AM
- Công an Thái BìnhGiữ vững ANTT ở địa phương và tích cực chi viện cho an ninh miền nam, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước (1954-1975) 09.09.2010 | 09:53 AM
- Phút giải lao của Hồ Chủ tịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp 23.08.2010 | 07:43 AM
- Giá trị văn hóa Hồ Chí Minh 27.08.2010 | 16:48 PM
- Những vần thơ của một thời lửa đạn 30.08.2010 | 09:21 AM
- Niềm vui vô tận 31.08.2010 | 09:59 AM
Xem tin theo ngày
-
Lãnh đạo 2 tỉnh Trà Vinh - Thái Bình dâng hương, dâng hoa tưởng niệm tại Đền thờ Bác Hồ, Nghĩa trang liệt sĩ và Bia chiến thắng tỉnh Trà Vinh
- Họp mặt giao lưu Trà Vinh - Thái Bình “Thủy chung son sắt - thắm đượm nghĩa tình”
- Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một
- Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Vũ Thư
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy thăm, chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Quỳnh Phụ
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng các chức sắc, tăng ni, tín đồ Phật tử tại huyện Kiến Xương
- Ra quân tuần tra kiểm soát vũ trang, phòng chống tội phạm
- Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất của HĐND tỉnh: Ban hành 2 Nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh
- Quyết liệt xử lý các tồn tại để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án, công trình chậm tiến độ
- Thống nhất chủ trương tiếp nhận Dự án Nhà máy sản xuất ô tô GEL-O&J tại khu công nghiệp Hưng Phú, huyện Tiền Hải