Thứ 2, 29/07/2024, 11:23[GMT+7]

Những vần thơ của một thời lửa đạn

Thứ 2, 30/08/2010 | 09:21:15
1,576 lượt xem
Trong lịch sử chống ngoại xâm, đại thắng mùa xuân năm 1975 được đánh giá là một trong những trang sử vàng chói lọi nhất của lịch sử dân tộc, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính chất thời đại sâu sắc. Tự hào thay, trong ánh hào quang rực đó có sự đóng góp quan trọng của những vần thơ “gieo lửa” một thời- những vần thơ đã để lại những dấu ấn tuyệt vời trong giàn đồng ca chung của ngày toàn thắng.

Lữ đoàn 203 chiếm dinh Độc Lập Ảnh: tư liệu

Còn nhớ, liền sau hiệp định Giơ-ne-vơ, tên sen đầm đế quốc liền thò bàn chân dơ bẩn của chúng lên đất nước chúng ta. Chúng âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thân yêu thành thuộc địa, thành căn cứ quân sự của chúng. Kẻ thù trực tiếp bây giờ là tên đế quốc đầu sỏ có phương tiện vật chất khổng lồ.

Nhưng chúng ta đã là người chiến thắng và sẽ mãi là người chiến thắng. Thế và lực của ta đang lớn lên bằng cấp số nhân.“Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa/ Chúng nó chẳng còn mong được nữa/ Chặn bàn chân một dân tộc anh hùng/ Những bàn chân từ than bụi lầy bùn/ Đã bước dưới mặt trời cách mạng/ Những bàn chân từ Hóc Môn, Ba Tơ, Cao Lạng/ Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu…”.

Bởi thế, dù thằng Mỹ có tàn bạo đến đâu, dù đâu đó ở miền Nam yêu quí vẫn vang lên những tiếng kêu xé lòng “Đồng bào ơi, anh chị em ơi!/ Chúng tôi không còn sống trên đời/ Chúng tôi chẳng còn trên mặt đất/ Nhưng miền Nam những trại giam còn chật/ Nghìn vạn chúng tôi, nghìn vạn con người/ Chết rục chết mòn, vắng bặt tăm hơi”; Dù đâu đó trên miền Bắc XHCN vẫn còn cảnh “mỗi thước vuông ba quả bom to bự”, “khi mỗi ngày ba chục trận B.52”, thì lũ giặc vẫn không sao ngăn được khát vọng và ý chí thống nhất đất nước của dân tộc ta. “Ta đi tới không thể gì chia cắt/ Mục Nam Quan đến bãi Cà Mau/ Trời ta chỉ một trên đầu/ Bắc Nam liền một biển/ Lòng ta không giới tuyến/ Lòng ta chung một Cụ Hồ/ Lòng ta chung một Thủ Đô/ Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!”(Tố Hữu).

Kẻ thù không thể hiểu được rằng, dân tộc Việt Nam đã có bề dày lịch sử hơn bốn ngàn năm. Chúng ta đã từng có Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa, Điện Biên Phủ…Những cái tên luôn tỏ rõ sức mạnh, ý chí, bản lĩnh, khí phách và sức sống Việt Nam. Chúng ta đã từng có và đang có cũng như sẽ mãi mãi có  “Những đạo quân song song cùng lịch sử/ Đi suốt thời gian đi suốt không gian/ Sừng sững dưới trời đất nước hiên ngang”(Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi- Nam Hà).

Với sức sống của tuổi trẻ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước-Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, những không khí rộn ràng, sôi nổi, đầy hào sảng của cả một đất nướcđang hành quân ra trận : “Xóm dưới làng trên con trai, con gái/ Xôi nắm cơm đùm rối rít theo nhau/ Súng nhỏ súng to chiến trường chật chội/ Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu”(Đường ra mặt trận-Chính Hữu). Ôi một thời “Những người đi trẻ đẹp ấy trên đời/ Không biết đắn đo, không hề mặc cả/ Dốc hẹp lại trơn, bom thù lại phá/ Niềm tự hào vẫn nở giữa đôi môi” (Người gác cầu-Vũ Cao).

Rồi còn đó một thời, hình ảnh những chiếc xe không kính, không mui, không đèn nhưng đầy vết xước vẫn ngày đêm băng băng ra trận, bất chấp mưa gió, đạn bom, bất chấp nguy hiểm. Dù “xe không kính”, dù đối mặt với đạn bom, đối mặt với cái chết, nhưng những người lính một thời đó vẫn bình tĩnh đường hoàng : “Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất nhìn trời, nhìn thẳng”. Bộ não của xe, linh hồn của xe giờ đâu chỉ là máy móc mà rất quan trọng  là nó còn cả những tấm lòng của các chiến sĩ lái xe, “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim” (Thơ Phạm Tiến Duật). Đó là một thời “Tất cả nói một lời: Giải phóng!/ Cứu miền Nam, cứu miền Nam!”(thơ Tố Hữu)…

35 năm trôi qua, nhưng những âm vang hào hùng của những vần thơ viết giữa ngày toàn thắng đó vẫn còn mãi. Triệu triệu trái tim con dân đất Việt không ai nén nổi lòng mình trẻ già mắt rưng lệ mà thầm kêu lên : Bác Hồ ơi! Toàn thắng đã về ta! Đó cũng chính là tình cảm là nỗi niềm mà cố nhà thơ Tố Hữu đã thay mặt chúng ta viết bài thơ “Toàn thắng về ta” dâng lên Bác kính yêu : “Ôi buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! toàn thắng về ta/ Chúng con đến xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa/ Cho chúng con giữa vui này được khóc/ Hôn mỗi đứa em, ôm mỗi mẹ già/ Như lòng Bác mỗi khi Bác đọc/ Đồng bào miền Nam, mắt kính đã nhòa/ Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh/ Đứng gác biển trời tươi mát màu lam/ Bởi có Bác từ đây ra đi tìm đường cách mệnh/ Cho chúng con nay được trở về vĩnh viễn Việt Nam”.

35 năm, lục lại những vần thơ giữa những ngày vui đại thắng đó, chúng ta vẫn có cảm giác như được sống lại với những giờ phút lịch sử hào hùng không thể nào quên ấy. Những phút giây “Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy/ Dồn dập tim ta trăm trận thắng bừng bừng”, rồi giây phút “Đường tiến quân ào ào chiến thắng/ Phía trước chờ anh, người mẹ mong con/ Pháo hãy gầm lên, đỏ nòng bắn thẳng/ Rộn rực xe tăng chồm tới Sài Gòn”(Tố Hữu).

Đó là khí thế “một ngày bằng hai mươi năm”,của “bốn ngàn năm dồn lại hôm nay”, nên tầm vóc chiến thắng được gắn với tầm thời đại, với tinh hoa của thời đại : “Việt Nam là trái tim thế giới/ Là lương tri, trí tuệ thời nay/ Là tiếng gọi nhân dân trên quả đất này/ Mau phá ách, chặt xiềng, vùng lên chiến đấu” (Sóng Hồng).

Đại thắng mùa xuân 1975, Bắc-Nam sum họp, niềm mong ước lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong. Cố nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Đêm nay sao sáng khắp các tầng trời cao thấp/ Sao trên trời và sao dưới đất/ Trăm thành phố hai miền ngày hội lớn nhân dân/ Rực đuốc đèn và điệu múa kì lân/ Tôi muốn bay lên cao nhìn xuống non sông cho thỏa mắt/ Từ Nam Quan đến Cà Mau tít tắp/ Mỗi điệu múa lời ca như cũng có thần/ cả tổ quốc Hùng Vương liền một giải/ Ngoảnh mặt nhìn đâu cũng thấy anh em”.

Nguyễn Thị Ý

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày