Thứ 2, 18/11/2024, 17:11[GMT+7]

Ký ức thời gian Nặng nghĩa, nặng tình quân dân Việt – Lào

Thứ 5, 09/09/2010 | 07:11:52
1,330 lượt xem
Những câu chuyện đầy xúc động của các đại biểu Lào, những người từng che chở, giúp đỡ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, và cựu chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam trong buổi giao lưu tối 3-9 tại Cung Văn hóa - Thể thao Thanh niên Hà Nội như những thước phim tư liệu sinh động về một thời chiến đấu chống Pháp và chống Mỹ hào hùng của nhân dân các bộ tộc Lào cũng như tình cảm “có một không hai” của quân và nhân dân hai nước Việt - Lào.

Ông Lao-li (bên trái) và ông Nguyễn Văn Khuông vui mừng trong ngày hội ngộ.

Cuộc hội ngộ đặc biệt

Trong đoàn đại biểu Lào sang thăm Việt Nam lần này, ông Lao-li Li-chông-tu (Laoly Lychongtu), công dân huyện Ét, tỉnh Hủa Phăn (Lào) là người may mắn nhất. Bởi lẽ, trong chuyến đi này, sau hàng chục năm, ông đã gặp lại được người đồng chí Việt Nam đã cùng ông chiến đấu trong một chiến hào. Đó là ông Nguyễn Văn Khuông, cựu chuyên gia Việt Nam từng công tác tại Lào.

Nghẹn ngào, ông Lao-li kể, ngày đó, gia đình ông nhận nuôi 5 cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam. “Do nhiệm vụ, các đồng chí ấy phải tới Mường Xon. Tôi đã trốn gia đình đi theo quân tình nguyện. Tôi đã cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu chung một chiến hào với anh Khuông, người mà tôi coi như một người anh, người đồng chí và cũng là thầy giáo của mình".

Theo ông Nguyễn Văn Khuông, ông Lao-li là người dân tộc Mông. Khi theo quân tình nguyện Việt Nam đi làm cách mạng, ông Lao-li không biết tiếng Việt, tiếng Lào nói cũng không sõi. Vì ông Khuông biết tiếng Mông nên ông đã dạy Lao-li học tiếng Lào và tiếng Việt. Từ năm 1950 đến 1957, hai ông đã “chung vai sát cánh” với nhau trong từng trận đấu. Giữa hai ông đã có biết bao kỷ niệm vui buồn…

Gặp nhau giữa Thủ đô Hà Nội là điều mà cả ông Lao-li và ông Khuông không bao giờ nghĩ tới. Vì thế, ngay khi nhận ra đồng đội cũ, hai ông ôm chặt lấy nhau, nghẹn ngào không nói nên lời. Những giọt nước mắt vui mừng trong ngày hội ngộ của hai người đồng chí, tuổi đã ngoài 80, khiến những ai có mặt trong khán phòng không khỏi xúc động.

Già làng bộ tộc Lào trở lại  Hà Nội

Đó là ông Xủn-thon Thíp-pha-vông (Sunthone Thippavong), già làng bản Cang, huyện Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn. Trong câu chuyện của mình, già làng kể: Trước đây ông là đội trưởng một đội du kích tại huyện nhà. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông đã cùng quân tình nguyện Việt Nam tham gia nhiều trận đánh. “Ngày ấy, trên cứ điểm Hà Khì ở Hủa Phăn có một trạm ra-đa của Mỹ. Trạm ra-đa này có nhiệm vụ chỉ huy máy bay Mỹ xuất phát từ Thái Lan bay qua Lào sang tấn công Việt Nam. Nắm rõ được vị trí then chốt của địch, tôi đã dẫn quân tình nguyện đánh trạm ra-đa đó”.

Sau khi đánh tan trạm ra-đa ở cứ điểm Hạ Khì, ông Xủn-thon được Đảng và Chính phủ Lào thưởng một chuyến thăm Việt Nam vào năm 1973. “Trong chuyến thăm đó, tôi đã đến thăm Vịnh Hạ Long. Ở đó, tôi được chứng kiến người dân Việt Nam phá ngư lôi mà Mỹ đã thả xuống biển. Gần 40 năm đã trôi qua, Hà Nội ngày nay khác trước kia nhiều quá. Khi trở về Lào, tôi sẽ kể cho dân bản tôi về những điều “tai nghe, mắt thấy” ở Việt Nam, để nhân dân địa phương có những nỗ lực phát triển đất nước theo con đường XHCN, đưa Lào phát triển như Việt Nam".

Nhớ lắm, anh Bua-la ơi

Những ai là cựu chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam tại Lào chắc chắn không thể nào quên được tình cảm của nhân dân các bộ tộc Lào dành cho họ. Đó là tình cảm xuất phát từ trái tim của mỗi người dân của hai dân tộc, những người đã kề vai sát cánh bên nhau chống lại kẻ thù chung. Nhân dân Lào đã chia ngọt sẻ bùi, hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa với quân tình nguyện Việt Nam. Với ông Xiêng-ma Ma-la-vông (Xiengma Malavong) cũng vậy. Những ngày được ở bên các chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam là những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời của ông.

Ông kể: “Trong những năm 1950-1954, tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị lương thực và tìm vị trí ăn ở cho quân tình nguyện Việt Nam tại Viêng Chăn. Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Khi đó có chuyện phân khu vực đóng quân: Địch ở phía Bắc, quân đội Pa-thét Lào ở phía Nam. Sau đó quân Pa-thét Lào rút về hai tỉnh tập kết là Xiêng Khoảng và Phông-xa-lì. Một thời gian sau, bọn địch tấn công vào hai tỉnh đó. Chúng bắt tôi ra làm chỉ huy ở huyện nhưng tôi không chịu. Tôi trốn vào rừng và gặp một số cán bộ Lào, những người đang trốn tránh khỏi sự khủng bố của địch. Các đồng chí Lào đã dẫn tôi tới gặp một đồng chí quân tình nguyện Việt Nam, có tên Lào là Bua-la. Tôi sống với anh Bua-la một thời gian dài và được anh giáo dục cách mạng. Năm 1958, khi có chính sách hòa hợp dân tộc, anh Bua-la nói với tôi: “Bây giờ hòa hợp dân tộc rồi, em hãy trở về bản để trở thành một dân bản bình thường”. Tôi rất xúc động nhưng sự thực tôi không muốn xa anh Bua-la một chút nào cả. Anh Bua-la dặn tôi rằng: “Em không phải rơi nước mắt. Em là một người Lào, em trở về đất nước của em. Ở đâu em cũng phải cố gắng là một cán bộ cách mạng”. Anh Bua-la còn nói, khi tôi trở về bản thì anh trở về Việt Nam. Kể từ đó, tôi không bao giờ gặp anh Bua-la nữa”.

Em tới rồi, sao không thấy các anh!

Sẽ thật đáng tiếc nếu không nói về câu chuyện của ông Thông-lao Xay-a-lạt (Thongloun Xayalath), người  đến từ Thủ đô Viêng Chăn. Trong thời kỳ kháng chiến, cả gia đình ông có 5 người đều tham gia nuôi nấng, giúp đỡ quân tình nguyện Việt Nam. Vào những năm 1960-1962, huyện Mẹt là chi khu của tỉnh Viêng Chăn nằm trong vùng địch tạm chiếm. Gia đình ông Thông-lao Xay-a-lạt được giao nhiệm vụ nuôi giấu hai cán bộ Việt Nam là đồng chí Tưởng và đồng chí Lạc. Gia đình tìm tre nứa để làm lán cho hai đồng chí Tưởng và Lạc ở. Trong lúc chặt tre, chẳng may một mẩu tre văng vào mắt ông Thông-lao, khiến ông bị hỏng một mắt. Thương ông Thông-lao quá, đồng chí Tưởng và Lạc đã hứa: “Em ơi, sau này đất nước giải phóng em sang Việt Nam, các anh sẽ chữa mắt cho em, sẽ làm mắt em sáng lại như xưa”. Nhưng chiến tranh đã cướp đi anh Tưởng và anh Lạc. Quá xúc động, giọng ông Thông-lao nghẹn lại, tiếng nhỏ dần như đang thì thầm với hương hồn người đã khuất: “Em tới  rồi, sao không thấy các anh!”.

                                                                                                      Theo qdnd.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày