Thứ 3, 21/05/2024, 17:28[GMT+7]

Hệ thống thủy nông Nam Chủ động phòng úng từ xa và chấp nhận tưới bằng động lực

Thứ 6, 08/07/2011 | 16:08:00
1,620 lượt xem
Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thuỷ văn, chu kỳ Elnino sắp kết thúc, bắt đầu một chu kỳ mới của Lanina, nên mưa bão sẽ nhiều và bất thường hơn. Ngay từ đầu năm, thời tiết bất thường đã thể hiện khá rõ nét, như rét đậm, rét hại muộn hơn các năm và lũ tiểu mãn, mưa lớn cũng xuất hiện tương đối sớm.

Trạm bơm Thống Nhất luôn chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Ngọc Trâm

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam cho biết, để bảo đảm tưới tiêu phục vụ sản xuất lúa mùa, cây màu hè, vụ đông và nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả cao, phương châm của Công ty là chủ động phòng úng từ xa, giữ cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng và chấp nhận tưới bằng động lực.

 

Hệ thống thuỷ nông Namon> có nhiệm vụ tưới, tiêu trên 34 nghìn ha lúa mùa, 3.735 ha nuôi thả thuỷ sản và trên 15.500 ha cây vụ đông cho 4 huyện, thành phố. Để bảo đảm tưới tiêu cho những diện tích trên, Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Nam gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện bởi lúa xuân thu hoạch muộn 10- 15 ngày so với kế hoạch, do đó điều tiết nước phải hợp lý để vừa thuận lợi cho bà con gặt lúa, vừa làm đất gieo cấy vụ mùa.

 

Trong khi đó hệ thống sông trục, sông dẫn, kênh mương, bờ vùng...hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu trong việc chủ động tưới tiêu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Tình trạng vi phạm, lấn chiếm công trình thuỷ lợi và rau bèo, vật cản ngày càng gia tăng đã làm co hẹp lòng sông, ách tắc dòng chảy, ảnh hưởng lớn đến khả năng dẫn, thoát nước của hệ thống sông trục, sông dẫn. Năng lực tiêu của hệ thống còn hạn chế nên chỉ có khả năng đối phó với những trận mưa dưới 200 mm trong điều kiện thuận lợi.

 

Các vùng xa cửa tiêu và sông xa trục chính như vùng lưu vực sông Thanh Bản, Hiệp Hoà, vùng Tự Tân (Tân Lập)...của huyện Vũ Thư; vùng An Bình, Quốc Tuấn thuộc lưu vực trạm bơm An Quốc thuộc Kiến Xương gặp rất nhiều khó khăn khi mưa lớn xảy ra vào thời điểm lúa mới cấy, triều kém.

 

Từ dự báo đặc điểm thời tiết, thuỷ văn năm nay và thực trạng của hệ thống thuỷ nông Nam, Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Nam đã đề ra phương châm chủ động phòng úng từ xa, giữ cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng và chấp nhận tưới bằng động lực.

 

Để triển khai phương án này đạt hiệu quả, Công ty sẽ thường xuyên theo dõi các thông tin về lũ, bão để chủ động điều tiết nước trong hệ thống một cách hợp lý nhất. Giám sát chặt chẽ việc mở cống lấy nước vào đồng, nhất là đối với vùng thấp trũng, xa cửa tiêu, trong thời kỳ lúa mới cấy còn thấp cây.

 

Trong việc tiêu nước, thực hiện triệt để tự chảy là chính, qua các cống tiêu ra biển, cống ngang sông Hồng, sông Trà Lý trong điều kiện thuỷ văn cho phép. Đối với lấy sa, thực hiện để tự chảy, lấy nhanh rút nhanh, bảo đảm làm đất, gieo cấy và tưới dưỡng lúa. Trong tháng 6 và đầu tháng 7 là thời điểm  nông dân thu hoạch lúa xuân, đồng thời làm đất gieo mạ trà sớm, giai đoạn này có 2 kỳ triều cường, do đó Công ty đã dựa trên yêu cầu cụ thể của từng huyện, thành phố để tổ chức lấy sa đại trà, hoặc cục bộ từng vùng. Mực nước những ngày lấy sa tại Phúc Khánh có thể lên tới +1,1 m đến +1,2 m, cống Lân +0,9 m đến +0,95 m, sau hạ mực nước hệ thống xuống đủ để làm đất gieo cấy.

 

Tháng 7, đây là giai đoạn lúa mới cấy nên mực nước luôn phải bảo đảm đủ để tưới dưỡng, nhưng không được ngập quá gây úng. Tuy nhiên, theo dự báo, tháng 7 lại có  2 tiết Tiểu thử và Đại thử gây nóng, oi bức và thường có mưa, bão lớn xảy ra gây ngập úng lúa mùa. Do đó, để chủ động đối phó với mọi bất lợi của thời tiết, Công ty đã chỉ đạo các xí nghiệp trực thuộc thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, điều tiết nước hợp lý: Thời tiết bình thường không mưa, giữ mực nước tại cống Lân +0,6 đến +0,65 m, bảo đảm đủ bơm tát; thời tiết xấu, dự báo có mưa lớn và bão sẽ tiêu kiệt nước.

 

Sang đến tháng 8 và tháng 9 đây là hai tháng tập trung mạnh nhất của bão và áp thấp nhiệt đới, thời điểm này lúa đã bước vào thời kỳ đẻ nhánh, làm đòng, nếu bị ngập úng chết lúa thì không có khả năng cấy lại, do đó phòng chống úng được đặt lên hàng đầu. Khi lúa đã vào mẩy, toàn bộ hệ thống sẽ rút nước từ từ để tạo điều kiện cho lúa chín nhanh và thu hoạch, tạo quỹ đất khô gieo trồng cây vụ đông ưa ấm.

 

Để triển khai việc điều tiết nước có hiệu quả, Công ty đã  chỉ đạo các phòng chuyên môn, xí nghiệp trực thuộc kiểm tra, tu bổ sửa chữa 43 cống dưới đê, 19 cống đập nội đồng và 31 trạm bơm. Đồng thời, tiến hành giải phóng dòng chảy, vớt bèo bồng, vật cản. Đến nay, đã vớt và đẩy được gần 2 triệu m2 rau bèo các loại, cơ bản các sông đã thông thoáng...

 

Hiện nay đang rơi vào giai đoạn có mưa nhiều và lũ bão hay xuất hiện, hệ thống thuỷ nông Nam đã sẵn sàng phục vụ tưới tiêu trong điều kiện tốt nhất, các vùng trọng điểm đều được các xí nghiệp trực thuộc xây dựng phương án vận hành. Các vùng úng trọng điểm như lưu vực trạm bơm Sa Lung tưới tiêu cho các xã, phường Hoàng Diệu Đông Hoà, xóm Đền...; lưu vực trạm bơm Tân Phúc Bình, lưu vực trạm bơm Phù Sa... cũng đã có các phương án tiêu úng cụ thể. Cùng với các phương án phòng úng, Công ty đã chỉ đạo các xí nghiệp phối hợp với Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện, thành phố xây dựng giải pháp chống hạn trong điều kiện nắng hạn kéo dài.

 

Nguyên Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày