Thứ 4, 22/05/2024, 09:59[GMT+7]

Thái Thụy Phòng chống úng bảo đảm an toàn cho sản xuất

Thứ 4, 13/07/2011 | 09:27:00
2,080 lượt xem
Song song với việc chỉ đạo nông dân khẩn trương làm đất, gieo cấy lúa mùa, Thái Thụy đã triển khai nhiều phương án chủ động điều tiết nước, phòng chống úng lụt để bảo đảm an toàn cho sản xuất.

Nhằm bảo đảm tiến độ gieo cấy lúa mùa 2011, nông dân các địa phương trong tỉnh Thái Bình đang dùng máy công cụ làm đất gieo cấy vụ mùa năm 2011. Ảnh: Ngọc Linh

Thái Thụy là địa phương có địa hình cao dần về phía biển, nhiều vùng thấp xen kẽ. Theo số liệu báo cáo của Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện,  tổng diện tích có khả năng xảy ra ngập úng là 1.473 ha/13.500 ha diện tích cấy lúa phân bố tại nhiều xã ở cả hai khu Bắc và khu Namon>.

 

Đặc biệt, có khoảng 850 ha thường xảy ra úng nặng ở vùng cánh đồng Ba Đạc 80, Thái Hồng, Thái Thủy, Bà Đa; vùng ven sông Sinh của các xã Thụy Ninh, Thụy Phúc. Trước mùa mưa bão,  huyện đã cử cán bộ đi kiểm tra, rà soát lại các công trình cống, đập, trạm bơm tiêu úng. Đầu tư kinh phí nạo vét một số tuyến sông dẫn, kênh trục, bể hút vào các trạm bơm, sửa chữa, thay thế cánh van, hệ thống đóng mở, bổ sung phai cho một số cống dưới đê, cống nội đồng đã bị hư hỏng.

 

Tổ chức nhiều đợt khơi thông dòng chảy, giải toả đăng đó, vó bè, vớt bèo trên các trục tiêu. Các HTX dịch vụ nông nghiệp đang khẩn trương hoàn chỉnh việc nạo vét kênh mương, tôn cao, khép kín các đường vùng, sửa chữa máy bơm dầu, bơm điện hiện có bảo đảm sẵn sàng phối hợp cùng chống úng, bảo vệ lúa, hoa màu.

 

Trong phương án phòng chống úng năm nay, Thái Thụy thực hiện theo phương châm: phòng úng là chính, chống úng phải tích cực và bảo đảm nguyên tắc “trũng xa tiêu trước, cao gần tiêu sau” đồng thời sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu của thời tiết có thể gây bất lợi cho sản xuất. ảnh hưởng của bão số 2 xảy ra vào cuối tháng 6 vừa qua, trên địa bàn huyện có mưa lớn trùng đúng vào thời điểm lúa xuân chín rộ chuẩn bị cho thu hoạch. Tiểu ban phòng, chống úng huyện chỉ đạo các địa phương chủ động mở các cống dưới đê trước đó từ 2 đến 3 ngày để tiêu kiệt hệ thống nên không để xảy ra úng cục bộ.

 

Toàn bộ diện tích lúa xuân và 750 ha cây màu hè vừa gieo trồng được bảo đảm an toàn. Thời điểm này, nông dân ở tất cả các xã cùng một lúc phải làm rất nhiều việc: thu hoạch hết diện tích lúa xuân, làm đất, đưa mạ ra đồng cấy lúa mùa, cộng thêm thời vụ bị chậm so với mọi năm từ 15 đến 20 ngày nên rất gấp gáp, đan xen nhau. Bám sát tình hình thực tế, kết hợp theo dõi diễn biến của thời tiết, hiện tại toàn hệ thống thực hiện việc điều tiết nước hợp lý để lấy đủ nước cho nông dân gieo cấy hết diện tích lúa mùa đúng trong khung thời vụ, đồng thời tiêu thường xuyên để phòng úng cho cả hai lưu vực khi có mưa vừa, mưa to.

 

Cũng theo phương án này, sau mỗi đợt lấy nước chung cho từng hệ thống để dâng nước cho vùng cao, vùng vàn, sẽ hạ thấp mực nước ở các sông trục để tiêu nước cho những lưu vực trũng; tiêu xong vùng trũng thì khép kín bờ vùng để phòng chống nước dồn từ vùng cao xuống hoặc lấy tiếp nguồn trở lại cho vùng cao thiếu nước.

 

Khi lúa mùa cấy xong, hệ thống chỉ duy trì mực nước vừa đủ để bơm tát, thậm chí nhiều vùng quá khó khăn về nước tưới vận động nông dân chấp nhận bơm tát thủ công. Xí nghiệp khai thác thủy lợi huyện phối hợp với các HTX thực hiện điều tiết nước hợp lý theo phương châm “ tháo cạn lòng sông, tưới nông mặt ruộng”, tạo điều kiện cho cây lúa đẻ nhánh, sinh trưởng và phát triển, phòng trừ sâu bệnh. Khi có tin áp thấp nhiệt đới, tin bão gần bờ có khả năng đổ bộ vào địa bàn, tất cả các cống trong hệ thống khẩn trương tranh thủ tiêu nước đệm đề phòng có mưa lớn xảy ra: nếu mưa từ 100 đến 150 mm vào kỳ triều thuận thì tiêu trọng lực là chủ yếu; nếu ngoài sông xuất hiện lũ báo động 2 trở lên, các cống vùng thượng lưu sông Trà Lý, sông Hoá không tiêu được, phương án tiêu lúc này sẽ kết hợp chặt chẽ cả tiêu động lực và trọng lực.

 

Cùng với việc gieo cấy 13.500 ha lúa mùa, năm nay Thái Thụy đặt mục tiêu mở rộng 5.500 ha cây vụ đông, trong đó có 1.500 ha cây đậu tương trên đất hai lúa vùng vàn có chất đất thịt nặng. Thời vụ trồng cây vụ đông ưa ấm bắt đầu từ cuối tháng 9, đầu tháng 10, lúc này khả năng vẫn xảy ra những trận mưa trái mùa lớn, gây úng lụt.

 

Trước khi gặt lúa mùa, huyện sẽ tập trung nhân lực khơi thông dòng chảy trên các tuyến sông trục, cải tạo hệ thống thủy lợi mặt ruộng. Sau đó, hệ thống thực hiện hạ thấp mực nước trên các sông trục để chủ động tiêu nước tạo điều kiện thuận lợi cho bà con thu hoạch lúa mùa, trồng cây vụ đông. Trên cơ sở quy hoạch vùng, các xã chỉ đạo nông dân tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật gieo trồng để cây sinh trưởng và phát triển tốt, tránh những thiệt hại khi có mưa lớn xảy ra; đồng thời  kiểm tra các máy bơm, nhất là các máy bơm dã chiến hiện có, sẵn sàng huy động khi xảy ra mưa úng.

 

Thời điểm này, các phương án phòng chống úng của huyện Thái Thụy đã sẵn sàng. Tuy nhiên, với địa bàn huyện ven biển, nhiều diện tích úng trũng, công trình  phục vụ chống úng ở nhiều nơi đang xuống cấp, nên ngoài sự nỗ lực của địa phương, Thái Thụy đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp sửa chữa các công trình bị hư hỏng. Trước mắt, bố trí nguồn vốn để tiếp tục nạo vét các sông trục tiêu chính như: sông Phong Lẫm, sông Sinh, sông Hoàng Nguyên, sông 44 để đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất và phòng chống bão, lũ, úng lụt trong năm 2011 và những năm tiếp theo.

 

Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày