Thứ 4, 24/04/2024, 08:31[GMT+7]

Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022) Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình

Thứ 4, 16/03/2022 | 08:32:23
8,145 lượt xem
Vào những thập niên cuối thế kỷ XIX, sau khi đã bình định xong toàn cõi Đông Dương, thực hiện chính sách chia để trị, thực dân Pháp đã thiết lập nhiều tỉnh mới theo quy mô phù hợp để dễ bề kiểm soát. Trong bối cảnh đó, ngày 21/3/1890 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Thái Bình. Điều 1 của Nghị định nêu rõ: “Nay thành lập lấy tên là Thái Bình một tỉnh mới gồm phủ và phân phủ Thái Bình và phủ Kiến Xương tách ra từ tỉnh Nam Định và huyện Thần Khê tách khỏi tỉnh Hưng Yên sẽ sáp nhập lại về hành chính vào phủ Thái Bình”.

Từ đường Nguyễn Mậu Kiến tại xã Vũ Trung (Kiến Xương). Ảnh tư liệu

Trong một báo cáo gửi về bộ thuộc địa Pháp về việc thành lập tỉnh Thái Bình, Toàn quyền Đông Dương lý giải: “Dân vùng này ngoan ngạnh, khó trị, phải thành lập một tỉnh riêng để cử quan công sứ và tuần phủ cai trị”. 

Sự lý giải về duyên cớ phải lập một tỉnh riêng vì “dân vùng này ngoan ngạnh, khó trị” của Toàn quyền Đông Dương là hoàn toàn đúng với thực tế phong trào kháng Pháp diễn ra sôi động trên vùng đất này từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam đến trước ngày thành lập tỉnh. Chỉ có điều là sau khi đã “thành lập một tỉnh riêng để cử quan công sứ và tuần phủ cai trị” thì dân vùng này lại càng “khó trị” hơn vì các phong trào quật khởi đấu tranh chống Pháp bằng nhiều hình thức khác nhau vẫn sôi động, liên tục diễn ra ở miền quê này. 

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Triều đình Tự Đức phân hóa thành hai phe chủ chiến, chủ hòa. Vào thời điểm đó, Tiến sĩ Phạm Thế Hiển người làng Luyến Khuyết, nay thuộc xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy đang giữ chức Tham tán quân vụ đại thần quân thứ Quảng Nam là một trong những người đi tiên phong kiên trì chủ chiến. Đầu năm 1860, Phạm Thế Hiển về quê tìm gặp những danh nho yêu nước như Tiến sĩ Doãn Khuê ở Ngoại Lãng (Vũ Thư), Tú tài Phạm Huy Quang ở Phù Lưu (Đông Hưng), Hoàng giáp Phạm Văn Nghị ở Tam Đăng (Nam Định)... bàn việc vận động văn thân, sĩ phu ngoài Bắc dâng biểu xin triều đình không “nghị hòa”. Ngay sau đó, Hoàng giáp Phạm Văn Nghị đang là Đốc học Nam Định đã dẫn đầu một đoàn nghĩa dũng 365 người gồm chủ yếu là nho sinh và một số văn thân, sĩ phu của Thái Bình, Nam Định lên đường Nam tiến xin được đánh giặc cứu nước. Tiến sĩ Doãn Khuê được bổ làm Đốc học Nam Định đã đi khắp các phủ, huyện trong tỉnh hô hào văn thân, sĩ phu chuẩn bị kháng chiến. Các hình thức đấu tranh ở vùng đất hoạch định thành lập tỉnh Thái Bình được khuấy động và khơi nguồn từ ngày ấy. Có thể liệt kê một số sự kiện chính: 

Năm 1873, Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ nhất. Một căn cứ kháng chiến lớn đã sớm hình thành tại Chân Định (Kiến Xương) dưới sự chỉ huy của Án sát Nguyễn Mậu Kiến và hai con là Nguyễn Hữu Cương và Nguyễn Hữu Bản người làng Động Trung (Kiến Xương). Số nghĩa quân tụ hợp về đây lên tới 2.000 người. Các tướng giặc là Gác-ni-ê và Hác-măng nhiều lần đưa quân đánh phá căn cứ Động Trung nhưng đều bị đẩy lui. 

Năm 1883, Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai. Nguyễn Hữu Bản và cử nhân Nguyễn Doãn Cử quê Hành Dũng Nghĩa (Vũ Thư) đã cùng các chí sĩ yêu nước tử thủ giữ thành Nam Định, nhưng vì thế giặc quá mạnh nên đã thất thủ. Giặc Pháp bình định xong Bắc Kỳ, phong trào chống Pháp ở Thái Bình bước sang giai đoạn đấu tranh chống bình định, cướp bóc của chủ nghĩa thực dân và bọn tay sai phản động. Lực lượng kháng chiến đã xuất hiện nhiều nghĩa quân mới. Tiêu biểu như: Lê Nguyên Quang ở vùng phía Nam; Đinh Tiến Đức, Bang Tốn, Phạm Huy Quang, Đốc Nhưỡng, Lãnh Hoan, Nguyễn Thành Thà ở vùng phía Bắc... Cũng vào năm 1883, Đề đốc Tạ Hiện, người làng Quang Lang (Thái Thụy) rời kinh thành Huế về chỉ đạo kháng chiến ở các phủ, huyện thuộc Thái Bình, Nam Định và dựng một căn cứ kháng chiến ở An Điện (Vũ Thư). Cuối năm đó Tạ Hiện nộp ấn từ quan. Khi vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương đã phong Tạ Hiện giữ chức Đô Thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần kiêm Đề đốc Định An. Từ đó các lực lượng yêu nước thuận bề liên kết với nhau, hợp sức cùng đánh giặc. Cũng từ đó, “người vùng này” càng ngày càng “ngoan ngạnh, khó trị” hơn. 

Năm 1885, hưởng ứng Chiếu Cần Vương của Hàm Nghi, các thủ lĩnh Cần Vương chống Pháp ở khắp các phủ, huyện mọc lên như nấm: Bang Tốn ở Tam Nông, Đốc Nhưỡng ở Đô Kỳ, Lãnh Nhang, Lãnh Mè ở Phan thôn, Bổng thôn (Hưng Hà); Lãnh Hậu, Lãnh Vân ở vùng tả ngạn, thượng lưu sông Trà Lý; Hiệp Vỡi ở Cọi Khê, Đốc Phước ở Đồng Thanh - Tam Tỉnh (Vũ Thư); Lãnh Hoan ở Thọ Vực, Lãnh Nhiệm ở Lịch Động, Phạm Huy Quang ở Phù Lưu, Đốc Đen ở Tự Tân, Lãnh Chính ở Thanh Quan (Đông Hưng); Ngũ Dinh ở Quỳnh Nguyên, Hiệp Khân ở An Đồng (Quỳnh Phụ); Ba Phan ở An Tiêm (Thái Thụy); Nguyễn Hữu Cương ở Động Trung, Lê Văn Tập ở Đa Cốc (Kiến Xương); Nguyễn Tất ở Trình Phố (Tiền Hải)... 

Để đối phó với sự lớn mạnh rộng khắp, đột biến của phong trào, kẻ địch đã nhiều lần huy động lực lượng quân sự lớn từ các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Hải Dương phối hợp tiến đánh các căn cứ nhưng các cuộc hành binh tìm diệt, cướp bóc của địch đều vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nghĩa quân. Các cuộc tập kích táo bạo, bất ngờ của nghĩa quân đã gây cho địch nhiều tổn thất nghiêm trọng. 

Trong bối cảnh đó, giặc Pháp liên tiếp tăng cường các cuộc hành binh dã chiến để dập tắt phong trào, nghĩa quân bị đàn áp dữ dội, các thủ lĩnh nghĩa quân lần lượt bị sát hại. Đến giữa năm 1887, về cơ bản các căn cứ chống Pháp đều bị triệt hạ. Năm 1888, phong trào chuyển hướng để thích ứng với tình hình cơ động, nhỏ lẻ. Ngọn cờ lãnh đạo tập trung vào hai thủ lĩnh nghĩa quân là Đốc Nhưỡng, Đốc Đen. Trận tập kích đồn Bình Cách (Đông Hưng) ngày 22/8/1888, trận phục kích đánh úp huyện lỵ Thanh Quan cuối năm 1888, đặc biệt là trận chém cụt đầu viên đồn tây Krivi-e vào tháng 9/1889 tại làng Yên Lũ (Đông Hưng) làm chấn động dư luận đương thời như những giọt nước tràn ly dẫn đến sự kiện thành lập tỉnh. 

Sau khi thành lập tỉnh, một số cuộc đấu tranh ở Thái Bình đã nổi lên, trong đó có phong trào Kỳ Đồng và cuộc bạo động do sư Thụ ở chùa Lãng Đông (Kiến Xương) làm thủ lĩnh. Tháng 8/1890, nghĩa quân của Đốc Nhưỡng có Lãnh Hoan trợ giúp đã đánh úp vào huyện lỵ Nam Xang (Nam Định), bắt sống Tổng đốc Vũ Văn Báo đem về thiêu sống ở Khả Nậu (Hưng Hà) làm cho người Pháp thêm thất vọng vì thành lập một tỉnh mới mang tên Thái Bình (nghĩa là yên ổn) mà không yên ổn chút nào. Vào những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, một số nho sĩ yêu nước Thái Bình ra đi tìm hướng đấu tranh mới, đã đến được với các phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục và gây dựng các hoạt động trong địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như: Đào Nguyên Phổ, Phạm Tư Trực, Nguyễn Hữu Cương, Ngô Quang Đoan, Lê Văn Tập, Hoàng Chuyên, Nguyễn Phác, Nguyễn Đệ, Phan Thường... 

Năm 1912, tổ chức Việt Nam Quang phục hội do một số sĩ phu Việt Nam thành lập ở Trung Quốc, một số người Thái Bình yêu nước đã trở thành những thành viên tích cực của hội. Khi Việt Nam Quang phục hội chủ trương cử thành viên của hội mang tạc đạn về nước trừng trị những tên tay sai gian ác cùng bọn sĩ quan Pháp nhằm cổ vũ tinh thần nhân dân ba miền thì Thái Bình là địa bàn có phong trào mạnh nên đã được Việt Nam Quang phục hội chọn làm điểm thực hiện chủ trương này. Mùa xuân năm 1913, Phạm Văn Tráng nhận nhiệm vụ mang tạc đạn về nước trừng trị Nguyễn Duy Hàn là tên Tuần phủ Thái Bình khét tiếng gian ác. 

Mười giờ ngày 12/4/1913, sau giờ làm việc, Nguyễn Duy Hàn từ công đường bước ra tới ngõ Vọng Cung (nay ở đường Lê Lợi, thành phố Thái Bình) thì một trái tạc đạn nổ ngay trước mặt làm y gục chết tại chỗ. Sau tiếng nổ “kinh thiên, động địa” này, thực dân Pháp tăng cường lùng sục, khủng bố gắt gao. Các nhà nho yêu nước đã tìm đến các hình thức chống Pháp trá hình như Thiện đàn, Sinh đàn... Ngoài các hình thức đấu tranh kể trên, các nho sĩ Thái Bình còn viết báo, làm thơ đả kích giặc Pháp và bọn tay sai của chúng; nhân dân Thái Bình còn có các hình thức đấu tranh tự phát đòi quyền lợi hợp pháp, phổ biến là viết đơn thư khiếu kiện, đến nay tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia còn lưu giữ được khá nhiều đơn thư thuở ấy của người Thái Bình. 

Vào năm 1935, một học giả người Pháp đã viết tác phẩm Chú thích về tỉnh Thái Bình (Notice sur la procinse de Thai Binh) dưới dạng sách địa chí. Trong lời nói đầu của sách, tác giả viết: “Tỉnh Thái Bình, tên gọi theo Hán Việt có nghĩa là “yên ổn hoàn toàn”, có 1 triệu dân, là một trong những tỉnh lớn nhất và quan trọng nhất của Bắc Kỳ, đó là một điểm không ai chối cãi được...”. Trong chương viết khái quát về lịch sử Thái Bình mang tiêu đề “Từ thời kỳ nguồn gốc cho đến lúc người Pháp đến” tác giả cuốn sách đã đưa ra một nhận xét khá lý thú: “Xứ sở của yên lặng và tịch mịch, thích hợp với trầm tư và nghiên cứu, Thái Bình đã từng sản sinh và đào tạo nên để rồi ném họ vào cuộc tranh đấu, những vị sĩ phu uyên bác hoặc đầy tham vọng, những người này đã từng có khi nắm trong tay vận mệnh của nước An Nam”. (Nhận định người Thái Bình “từng có khi nắm trong tay vận mệnh của nước An Nam” là muốn nói về Thái sư Trần Thủ Độ và các vị vua triều Trần quê ở Thái Bình mà tác giả đã viết khá tường tận ở sách này). 

Tinh thần quật khởi đấu tranh chống áp bức cường quyền của người Thái Bình đã được tác giả lý giải bằng quan điểm của một học giả thực dân và đi đến kết luận: “Có thể nói rằng, tư tưởng trả thù và thích kiện cáo là đặc điểm nổi bật nhất của người dân tỉnh Thái Bình”. Có lẽ, các hình thức đấu tranh chống Pháp kể từ giữa thế kỷ XIX đến những thập niên đầu thế kỷ XX diễn ra liên tục, sôi động ở Thái Bình đã là cơ sở để tác giả đưa ra kết luận này. Đương nhiên, khái niệm “tư tưởng trả thù” cần được hiểu là tư tưởng, ý chí quật khởi đấu tranh chống Pháp xâm lược và “thích kiện cáo” là bởi những đơn thư của người dân Thái Bình khiếu kiện, tố cáo chính quyền thực dân từng đã chất chồng ở tòa Thống sứ Bắc Kỳ mà có thể tác giả đã đọc được và các cơ sở lưu trữ còn giữ được một phần.

Nguyễn Thanh