Thứ 5, 31/10/2024, 07:28[GMT+7]

Thủy chiến bãi bồi

Chủ nhật, 21/07/2024 | 22:48:04
7,399 lượt xem
Theo các tài liệu khảo cứu, trong các cuộc thủy chiến của nhà Trần (1226 - 1400), một yếu tố quan trọng luôn được các vua Trần và Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương tuyệt đối giữ bí mật đó là việc chuyển quân, đưa quân thủy, bộ áp sát đồn giặc, bất ngờ tấn công, giành thắng lợi. Nghiên cứu từ những bí mật quân sự của nhà Trần nhận rõ, Hưng Đạo Vương và các vua quan nhà Trần luôn duy trì mối liên hệ “vua - tôi” gắn bó mật thiết với dân chúng, với các làng, xóm, trang ấp trong vùng. Từ mối liên hệ mật thiết đó, triều đình nhà Trần không những được nhân dân “hết lòng” ủng hộ mà việc giữ bí mật che mắt địch đã được quân dân thời Trần thực hiện triệt để cho đến khi trận đánh đại thắng.

Một chi lưu của dòng Trà Lý có vai trò đường thủy quân sự trọng yếu chảy qua địa phận xã Thăng Long (Đông Hưng) ra sông Cầu, qua Kim Bôi, hòa vào dòng Tiên Hưng chảy ra sông Diêm Hộ và ra biển.

Trong quá trình điền dã dải đất bãi bồi thế kỷ XIII ở Long Hưng và Thần Khê (nay thuộc hai huyện Đông Hưng và Hưng Hà), nhóm nghiên cứu chúng tôi “cố gắng” sưu tập, hình dung và tìm ra điểm tập kết quân đội nhà Trần cho trận đánh hạ đồn Đại Mang (hiện chỉ còn dư âm, dấu vết không còn), trận này quyết định triệt phá căn cứ tiền tiêu của giặc ở A Lỗ (địa danh làng Thượng Lỗ và Hạ Lỗ vẫn còn duy trì ở xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà) là trận đánh cực kỳ quan trọng của Hưng Đạo Vương. Quân đội nhà Trần lúc bấy giờ vận dụng linh hoạt chiến thuật áp sát mục tiêu, lợi dụng địa hình sông, ngòi chằng chịt ở Long Hưng và Thần Khê với địa thế cây cối rậm rạp để cơ động linh hoạt quân thủy, quân bộ. Địa hình “lầy lội” này vừa dễ giấu quân lại vừa bảo đảm được yếu tố tấn công bất ngờ, khiến cho kẻ địch có nằm mơ cũng không thể ngờ rằng quân đội nhà Trần đang ở ngay “cạnh sườn” quân giặc… 

Theo tài liệu khảo cứu, cuộc chiến hạ đồn Đại Mang trong lịch sử nhà Trần được chép lại diễn ra lúc rạng sáng ngày 20 tháng 4 âm lịch. Thời điểm hé lộ ánh sáng ngày mới, sau đêm dài thức canh của quân địch khiến chúng mệt mỏi và sa vào giấc ngủ, tạo sự bất ngờ với quân địch, sự ngơ ngác của kẻ “ngái ngủ” đến nỗi tướng giặc là Trương Hiển buông giáo xin hàng, còn Vạn hộ Lưu Thế Anh phải vội vàng tháo chạy không kịp chống đỡ. Cũng theo nhiều nghiên cứu của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa trong và ngoài nước, trận chiến hạ đồn Đại Mang trên đất A Lỗ xưa (nay được xác định ở Hưng Hà và một phần bên kia hữu sông Hồng, địa phận tỉnh Hà Nam do dòng sông bồi lở) là “một trận đánh vô cùng quan trọng”, mở đầu cho toàn bộ chiến dịch tổng phản công của quân đội nhà Trần đối với quân Nguyên Mông; các cuộc tấn công vào Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương… tiến đến giải phóng kinh thành Thăng Long, khiến thái tử Thoát Hoan và toàn đội quân Nguyên Mông hung nô phải tháo chạy về Bắc quốc (năm 1285). Khảo tả tài liệu cho thấy, khi quân nhà Trần từ căn cứ bí mật Lưu Đồn (nay thuộc xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy) theo đường thủy ra sông Diêm về khu vực sông Tiên Hưng và từ đó bí mật tập kết vào các xã ven sông sát căn cứ của địch (như Hồng Giang, Bạch Đằng, Hồng Châu, huyện Đông Hưng) rồi từ đó chia thành 2 đạo quân thủy bộ bất ngờ trong đêm tấn công căn cứ A Lỗ, “hạ đồn” Đại Mang, mở đường cho các trận đánh tiếp theo trong cùng ngày 20, cùng tháng 4 âm: Tây Kết, Chương Dương, Hàm Tử và giải phóng kinh thành Thăng Long. Tài liệu khảo cứu cũng khẳng định, nếu tính từ điểm tập kết thủy quân của nhà Trần tại các xã (cũ) thuộc huyện Đông Hưng như Hồng Châu, Bạch Đằng, Hồng Việt, Hồng Giang thì từ cống Lấp (Hồng Giang cũ) đến cửa sông Phạm Lỗ (địa phận A Lỗ - Hồng Minh, nay là cửa Trà Lý, chi lưu sông Hồng, giáp hai xã Hồng Lý của Vũ Thư và Hồng Minh của Hưng Hà) chỉ từ 1 - 1,5km đường sông. Còn nếu đi từ Hồng Châu (cũ) theo đường bờ sông Trà Lý ngày nay thì khoảng 4km là tới điếm Yên Lại (xã Hồng Minh). Còn theo đường bộ, từ vị trí chùa Bơn, bến Đáy (theo truyền thuyết) qua cầu Quân, qua thôn Quyết Thắng, xã Hồng Bạch qua cánh đồng Long Xà thuộc địa phận Hồng Châu (cũ), Bạch Đằng (cũ), Chí Hòa (Hưng Hà) là tới cánh đồng xã Hồng Minh và tới làng A Lỗ. Nếu hành quân đường bộ khoảng 3 - 4km (ngày nay) là tới “hạ đồn” Đại Mang trên đất A Lỗ xưa (vẫn theo khảo tả). Khi quân Nguyên Mông đem quân thủy bộ tấn công Thiên Trường, hai vua Trần và quan quân nhà Trần thực hiện kế sách rút lui chiến lược ra cửa biển Vạn An rồi không rõ đi về đâu (sử cũ chép). Căn cứ vào sử liệu, tài liệu nghiên cứu khảo tả của chúng tôi khẳng định, căn cứ bí mật thời Trần (Lưu Đồn) trên đất xã Thụy Hồng (Thái Thụy) là hoàn toàn có thật. Khi khảo tả hai bờ tả, hữu Trà Lý, nhóm nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, dòng Trà Lý đoạn chảy qua xã Hồng Giang, huyện Đông Hưng, từ xưa vẫn có cửa sông nối ra sông Hồng, sau này mới làm cống, chảy qua cầu Quân, lượn qua miếu thờ tướng Trương An Định (xã Hồng Châu), qua làng Bơn, làng Quán, đến ngã ba Vạn (xã Hồng Việt) thì tách làm hai nhánh. Một nhánh chảy qua xã Chí Hòa, ngược lên Tịnh Xuyên (xã Hồng Minh) và đổ ra sông Trà Lý ở cửa cống Tịnh Xuyên. Còn một nhánh từ ngã ba Vạn (xã Hồng Việt) chảy qua địa phận xã Thăng Long (Đông Hưng) ra sông Cầu (cầu Kim Bôi) rồi đổ ra sông Tiên Hưng và chảy ra sông Diêm Hộ, xuống cống Trà Linh (huyện Thái Thụy) ra Biển Đông. Quân đội nhà Trần tạo cách đánh bất ngờ cho trận A Lỗ, giành đại thắng, Hưng Đạo Vương đã cho đóng quân tại các làng ven sông Trà Lý. Trại Bơn là nơi gần căn cứ A Lỗ nhất, nơi đây là địa điểm Hưng Đạo Vương hội các tướng. Bến Đáy tương truyền là nơi Hưng Đạo Vương tụ quân, quan sát và nắm tình hình giặc để bảo đảm cho việc tấn công bất ngờ, đánh chiếm A Lỗ, mở đường cho quân đội nhà Trần tiến theo sông Hồng đánh Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương và giải phóng kinh thành Thăng Long. 

Trước đây trong khu vực các xã (cũ) của Thần Khê là Hồng Châu, Hồng Giang, Hồng Việt, Bạch Đằng, Thăng Long… có con sông tên là Cửu Long, sông này chảy ra sông Diêm Hộ và cũng có nhánh chảy ra sông Trà Lý (sau này quan Thượng thư Lương Quy Chính (quê xã Hồng Việt) cho đào kênh Sa Lung cắt thẳng từ xã Chí Hòa (Hưng Hà), Hồng Việt, Thăng Long (Đông Hưng) ra cầu Kim Bôi rồi đổ ra sông Tiên Hưng, chảy ra sông Riêng rồi ra cửa biển Diêm Điền). Nay con sông cổ xưa nhiều đoạn đã bị lấp vào năm 1980, tạo ra các đầm, vũng để nhân dân trồng lúa. 

Quang Viện