Thứ 7, 27/04/2024, 20:42[GMT+7]

Đất lành chim đậu

Thứ 4, 15/08/2018 | 08:44:32
2,878 lượt xem
Xưa và nay, miền quê Thái Bình vốn vẫn được tôn xưng là nơi “đất lành chim đậu”. Từ hàng chục thế kỷ trở lại đây, đã có biết bao bậc “tao nhân mặc khách” đã từ những năm tháng tắm mình ở đồng đất Thái Bình mà nên công danh sự nghiệp, mà có trước tác để đời.

Dâng hương tưởng niệm tại nhà thờ cụ Đoàn Nguyễn Thục, thôn Hải An, xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ). Ảnh: Trịnh Cường

Hai đại thi hào của dân tộc là Nguyễn Trãi và Nguyễn Du đều là giai tế của Thái Bình. Nguyễn Công Trứ cũng vốn sinh ra từ Quỳnh Côi và hơn 10 năm của thời thơ ấu, ông đã thấm đẫm hơi thở của đồng quê này mà nuôi dưỡng hoài bão “phải có danh gì với núi sông” để rồi trở thành một thi nhân có hạng. Danh sĩ Phạm Thái cũng từ mối hận tình ở làng Thanh Nê (Kiến Xương) mà có truyện thơ nôm “Sơ kính tân trang” để đời...

Khi bàn về Nguyễn Du, Giáo sư Trần Quốc Vượng từng đã chỉ ra rằng: “Muốn tìm hiểu căn cốt tư tưởng, hành trạng và con người cụ Tiên Điền thì trước hết và hơn hết phải là qua thơ chữ Hán chứ không hẳn là, không chỉ là ở Truyện Kiều, mặc dù Truyện Kiều vẫn được coi là một kiệt tác”. Thanh Hiên thi tập của Nguyễn Du gồm tiền tập và hậu tập là một tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du mà nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất khẳng định là hầu hết các bài trong tiền tập được viết ở Thái Bình. 

Giáo sư Trần cũng đã dẫn giải rằng: “Muốn cắt nghĩa cho thấu đáo vì sao cụ Tiên Điền lại “ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào” thì ngoài những điều mà xưa nay nhiều người đã biết, đã viết về gia thế, gia cảnh của cụ thì cũng rất cần phải tìm hiểu kỹ càng hơn gia thế của nhà bà vợ cả họ Đoàn ở Thái Bình và bối cảnh lịch sử đầy tao loạn cuối thế kỷ XVIII ở vùng đất ấy, nơi mà cụ đã nương náu trong “mười năm gió bụi”. Đó là một mảng tri thức không thể thiếu với những người muốn tô vẽ chân dung, muốn tạc dựng tượng đài Nguyễn Du mà đang còn quá ít người tìm đến”. Như thế đủ biết họ Đoàn Nguyễn mà trực tiếp là gia đình của hai cha con Hoàng giáp thi nhân Đoàn Nguyễn Thục (1718 - 1775) và Cử nhân thi nhân Đoàn Nguyễn Tuấn (1750 - ?) và quê hương Hải An, đồng đất Quỳnh Phụ, Thái Bình nói chung đã có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời và sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du đến nhường nào.

Nguyễn Du, tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông được sinh ra ở phường Bích Câu, Thăng Long (Hà Nội) trong chiếc nôi một gia đình “thế gia lệnh tộc”, đời nối đời “thi lễ truyền gia”, có nhiều người “đức cao, vọng trọng” ở thời Lê Trung hưng. Cha là Tiến sĩ, Tể tướng, sử gia, nhà thơ Nguyễn Nghiễm (1708 - 1775), vốn là bạn đồng liêu, bạn văn chương, khoa giáp thân thiết với những thi nhân có đấng bậc quê ở Thái Bình như Lê Quý Đôn (1726 - 1784), Đoàn Nguyễn Thục (1718 - 1775). Mẹ là Trần Thị Tần (1740 - 1778), quê làng Hoa Thiều, nay thuộc xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Mươi năm đầu đời, Nguyễn Du sống trong cảnh phong lưu, nhung lụa. Nhưng éo le, nghiệt ngã thay! Mười tuổi mất cha, mười ba tuổi mất mẹ, Nguyễn Du phải sống dựa vào hai người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản (1734 - 1786) và Nguyễn Điều (1745 - 1786). Chính sự éo le, nghiệt ngã đó lại là cái duyên, cái cớ để đưa một mầm mống thiên tài về với Thái Bình. Hay nói cho “được tiếng” hơn thì đó là cái duyên, cái cớ để vùng đất và con người Thái Bình có cơ hội góp phần hun đúc Nguyễn Du trở thành một thiên tài văn chương kiệt hiệt.

Năm 1780, Nguyễn Du được danh sĩ Đoàn Nguyễn Tuấn là bạn của Nguyễn Khản, anh cả của Nguyễn Du đón về quê ở làng Hải An, tổng Tang Thác, nay thuộc xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ. Năm 1783, sau khi đã đỗ kỳ thi Hương, Nguyễn Du cưới em gái Đoàn Nguyễn Tuấn là Đoàn Thị Huệ (có tài liệu chép là Đoàn Thị Tộ) rồi được tập ấm chức Chánh thủ hiệu quân Hùng hậu của người cha nuôi họ Hà ở Thái Nguyên. Năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ kéo quân ra Thăng Long lần thứ nhất, nêu danh phù Lê diệt Trịnh, Nguyễn Du lánh về quê vợ ở Quỳnh Phụ, Thái Bình. Năm Ất Mão (1795), người vợ họ Đoàn ở Hải An qua đời. Có tài liệu viết là: vì không còn chỗ dựa, năm sau (1796) ông đưa con trai là Nguyễn Tứ, khi ấy mới chưa đầy mười tuổi, về sống ẩn dật ở Hà Tĩnh. Đến năm Nhâm Tuất (1802) Nguyễn Du ra làm quan dưới triều Gia Long, từng giữ các chức Tri huyện Phù Dung, Tri phủ Thường Tín, Cai bạ Quảng Bình và Tham tri bộ Lễ ở kinh đô Phú Xuân. Từ tháng 2/1813 đến tháng 4/1814, làm Chánh sứ trong đoàn sứ đi “tuế cống” nhà Thanh. Ông mất ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (16/9/1820) ở Phú Xuân (Huế).

Thiêng thay! Hương đồng gió nội của một thời tao loạn ở Thái Bình đã thổi vào hồn cốt chân dung đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820), một danh nhân văn hóa Việt Nam kiệt xuất đã được Hội đồng Hòa bình thế giới tổ chức kỷ niệm 200 năm sinh vào năm 1965; được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ra nghị quyết tổ chức kỷ niệm 250 năm sinh vào năm 2015.

Nguyễn Du về nương náu ở Thái Bình khoảng 10 năm nhưng cụ thể vào những năm nào và hành trạng của ông trong “mười năm gió bụi” ở Thái Bình ra sao và ông đã viết những tác phẩm nào ở Thái Bình vốn là những vấn đề xưa nay đã tốn khá nhiều giấy mực để luận bàn, tranh luận và dường như rất khó đi đến hồi kết.

Sử sách và gia phả dòng họ Nguyễn Du đều cho biết: vào năm Kỷ Dậu (1789), Tây Sơn kéo quân ra Bắc, vua Chiêu Thống chạy sang đất nhà Thanh, Nguyễn Du cùng hai anh em cùng mẹ là Nguyễn Nễ, Nguyễn Úc chạy theo nhưng không kịp; hai người về quê mẹ ở Kinh Bắc, Nguyễn Du về quê vợ ở xã Hải An, sống nhờ nhà người anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn lúc này đã ra cộng tác với triều Tây Sơn và đang giữ chức Thị lang bộ Lại.

Vì sao Nguyễn Du không cùng Nguyễn Nễ và Nguyễn Úc về quê mẹ ở Kinh Bắc mà lại một mình một bóng tìm đường về Hải An để nương nhờ nhà Đoàn Nguyễn Tuấn, một người đang làm quan cho nhà Tây Sơn? Có mấy vấn đề đặt ra:

Một là, vào những thập niên cuối thế kỷ XVIII, vùng đất nay thuộc Thái Bình đang diễn ra khá nhiều sự kiện lịch sử phức tạp. Qua Hoàng Lê nhất thống chí được biết: Đầu năm 1788, kinh thành có biến, Lê Chiêu Thống chạy về Chí Linh (Hải Dương). Tiến sĩ Trương Đăng Quỹ (1733 - ?), người làng Thanh Nê, huyện Chân Định (Kiến Xương) đang giữ chức Đồng bình chương sự đã hiến kế rời bản doanh về Chân Định. Sách Hoàng Lê nhất thống chí chép: “Vua đóng ở huyện Chân Định, dùng nhà Đăng Quỹ làm nơi hành tại. Quỹ đưa con em và người trong họ tới lạy chào, vua đều ban cho quan tước, sai họ chia nhau đi các làng, các huyện chiêu mộ quân nghĩa dũng. Xa gần nô nức hưởng ứng, đến xin hợp quân Cần Vương hẹn ngày cùng đến, thuyền bè kể có hàng nghìn, quân lính có tới vài vạn...”.

Dường như, sự nhạy cảm và khả năng hưởng ứng việc nghĩa của người dân Thái Bình đã tạo sức cuốn hút Nguyễn Du tìm về. Nhưng ông không lường được là người Thái Bình phò Lê Chiêu Thống khi ông vua này chưa đi cầu viện nhà Thanh. Khi Lê Chiêu Thống chạy sang đất nhà Thanh, ông chạy theo không kịp thì về quê vợ nhưng khi ấy người Thái Bình đã xướng nghĩa đón Tây Sơn nên ông buồn chán mà “ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào”.

Hai là, có một tình tiết đã xảy ra ở nhà Trương Đăng Quỹ, có thể đã liên quan đến Nguyễn Du. Đó là việc Phạm Thái (1777 - 1813), người huyện Đông Ngàn, nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, là con của Trạch Trung hầu Phạm Đạt, một cựu thần nhà Lê từng khởi binh chống Tây Sơn nhưng thất bại. Toan nối chí cha, Phạm Thái đi các nơi kết giao với những người cùng chí hướng, trong đó có Trương Đăng Thụ là con trai Trương Đăng Quỹ đang làm quan dưới triều Tây Sơn ở Lạng Sơn. Khi Phạm Thái đang ở Kinh Bắc thì được tin Trương Đăng Thụ mất đã về Chân Định đưa tang bạn rồi được Đăng Quỹ lưu lại trong nhà. Tại đây, Phạm Thái đã gặp Trương Quỳnh Như, con gái Trương Đăng Quỹ, em gái Trương Đăng Thụ. Hai người cùng xướng họa văn thơ rất tương đắc rồi cảm mến, yêu nhau. Trương Đăng Quỹ muốn gả Quỳnh Như cho Phạm Thái nhưng mẹ nàng không đồng ý vì muốn ép gả cho một con nhà giàu trong huyện. Quỳnh Như thất vọng rồi tự tử. Phạm Thái buồn bã, bỏ nhà Trương Đăng Quỹ đi lang thang uống rượu, làm thơ. Từ mối hận tình giữa ông và nữ sĩ Quỳnh Như, Phạm Thái đã viết truyện thơ nôm “Sơ kính tân trang” một áng thơ nôm đặc sắc. Hiện chưa có đủ cứ liệu để nhận định Nguyễn Du và Phạm Thái có là bạn bè của nhau không và sự kiện Phạm Thái về ở nhà Trương Đăng Quỹ có tác động gì đến Nguyễn Du hay không, chỉ biết là hai người đều có gia thế, gia cảnh và chí hướng giống nhau, đều là bậc thầy của thơ nôm...

Ba là, có một tình tiết lịch sử lý thú mà dường như xưa nay ít người bàn tới đó là sự hiện diện cùng thời với Nguyễn Du ở đất Quỳnh Côi thuở ấy lại có người đồng hương là thân phụ Nguyễn Công Trứ đang làm tri huyện Quỳnh Côi. Tiên Điền và Uy Viễn là hai làng cận kề nhau.

Năm 1778, Nguyễn Công Trứ cất tiếng khóc chào đời ở huyện đường Quỳnh Côi. Ở thời điểm ấy, vùng đất nay thuộc tỉnh Thái Bình đang rạo rực không khí Cần Vương phò Lê Chiêu Thống.

Bấy giờ, Hải An đang là nơi hội tụ danh sĩ từ các nơi về. Sử sách lưu truyền rằng, Đoàn Nguyễn Tuấn đã dựng một cái gác cao giữa vườn gọi là Phong Nguyệt Sào (ổ gió trăng) tụ tập danh sĩ đàm đạo văn chương, thế sự. Chính vào thời điểm ấy, Nguyễn Du đã về nương náu tại Phong Nguyệt Sào để ký thác tâm sự của mình vào những áng thơ văn bất hủ và cũng là để chờ thời. Nguyễn Công Tấn với Nguyễn Du vốn là chỗ quan hệ đồng hương, đồng liêu. Hẳn là trong hoàn cảnh ấy hai ông có nhiều dịp giao du, hội ngộ để cùng bàn việc tìm chí hướng. Vào năm 1786, Nguyễn Công Tấn được thăng chức tri phủ Tiên Hưng thì xướng nghĩa Cần Vương. Chung cục: Đoàn Nguyễn Tuấn tìm vào Phú Xuân phò nhà Tây Sơn, Nguyễn Du thì “ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào” rồi về quê ẩn dật còn Nguyễn Công Tấn cũng lui về dạy học ở Hà Tĩnh.

Ba tình tiết nêu trên là để góp phần lý giải cho thỏa đáng hơn về những duyên cớ Nguyễn Du tìm về nương náu ở Hải An. Đương nhiên, bất luận trong trường hợp nào thì Hải An cũng rất xứng đáng được coi là nơi “đất lành chim đậu”.

Được biết, tới đây, UBND huyện Quỳnh Phụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Hội Kiều học tại Thái Bình sẽ phối hợp tổ chức hội thảo khoa học mang chủ đề “Đại thi hào Nguyễn Du với Thái Bình”. Hẳn là tại hội thảo này nhiều vấn đề mang tính khoa học sẽ được bàn thảo nhiều để hướng tới khẳng định sự cần thiết phải xây dựng một công trình tưởng niệm để tôn vinh dấu ấn Nguyễn Du với Thái Bình -  Thái Bình với Nguyễn Du.

Thiết nghĩ, một công trình tưởng niệm Nguyễn Du được xây dựng ở Thái Bình sẽ là một việc làm muộn còn hơn không và nếu xây dựng xứng tầm, xứng là biểu tượng của dấu ấn lịch sử thì nó sẽ là một điểm nhấn để thắp sáng thêm truyền thống rạng rỡ đất văn, oai phong đất võ của một miền quê và cũng chính là để người Thái Bình cùng du khách muôn nơi thêm hiểu, thêm yêu Thái Bình hơn.

Nguyễn Thanh

(Vũ Quý, Kiến Xương)