Chủ nhật, 28/04/2024, 10:07[GMT+7]

Người chiếu phim về Bác Hồ giữa sào huyệt địch

Thứ 7, 01/09/2018 | 09:37:56
2,246 lượt xem
Đầu năm 1973, giữa những tháng ngày chiến tranh đỏ lửa, lần đầu tiên một bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh được một người con quê lúa chiếu công khai giữa Sài Gòn. Bộ phim như liều thuốc tinh thần quý giá, tiếp thêm ý chí, quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ ta đang đấu tranh giữa lòng địch, không những thế còn gây xúc động mạnh mẽ cho những người lính bên kia chiến tuyến khi nhìn thấy Bác Hồ trên màn ảnh.

Cựu chiến binh Phạm Văn Lãi chăm sóc cây trong vườn nhà.

Đã 45 năm trôi qua nhưng mỗi dịp 2/9, những kỷ niệm đặc biệt về vị Cha già kính yêu của dân tộc lại ùa về trong tâm trí cựu chiến binh Phạm Văn Lãi, quê xã Tự Tân (Vũ Thư). 

Năm 1971, ông Lãi xung phong nhập ngũ khi tròn 19 tuổi, sau thời gian huấn luyện ông được điều động vào chiến trường miền Đông (B2), công tác tại bộ phận điện ảnh quân giải phóng, Cục Chính trị miền. Trên những chiếc xe đạp cà tàng, không quản ngại hiểm nguy, Phạm Văn Lãi cùng đồng đội rong ruổi chở phim cùng máy phát, máy nổ tới các vùng hậu cứ trên các chiến trường Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ để công chiếu động viên tinh thần bộ đội.

Đầu năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, trại Davis là nơi đặt trụ sở của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Sài Gòn để đấu tranh, nhằm bảo đảm Hiệp định Paris được thi hành. Trong 823 ngày đêm làm việc trong ban liên hợp quân sự bốn bên và ban liên hợp quân sự hai bên, ông Lãi được giao nhiệm vụ làm công tác tuyên truyền, chiếu phim phục vụ cán bộ, chiến sĩ ta trong trại Davis kiêm công tác thông tin báo chí phục vụ phái đoàn. Hàng tuần, trên những chuyến bay liên lạc, tiếp tế bằng máy bay vận tải C130 từ sân bay Tân Sơn Nhất ra sân bay Gia Lâm, bên cạnh tài liệu, báo chí… không thể thiếu những cuốn phim nhựa quý giá phục vụ đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ ta trong trại Davis. Dù là những buổi chiếu phim phục vụ cán bộ, chiến sĩ ta trong trại Davis song lực lượng binh lính ngụy trong trại cũng xem cùng. Bên cạnh đó còn có rất đông những “vị khách không mời” xem ké từ ngoài hàng rào, đó là vợ con sĩ quan ngụy bên khu gia binh, thậm chí nhiều quân cảnh, binh lính ngụy trên các bốt gác cũng hạ súng chăm chú hướng mắt vào màn hình.

Trên chiếc máy chiếu phim 35 ly được đưa từ miền Bắc vào, từ bộ phim đầu tiên là Ngọn lửa Nghệ Tĩnh cùng các bộ phim nổi tiếng của điện ảnh cách mạng như: Trần Quốc Toản, Rừng xà nu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm… đến bộ phim Giải phóng châu Âu dài 54 tập chiếu liên tục vào ngày 27/4/1975 để che mắt địch trong lúc quân giải phóng đang áp sát Sài Gòn. Trong nhiều bộ phim được công chiếu, phim Bác Hồ với thiếu nhi có lẽ là bộ phim để lại ấn tượng sâu đậm nhất với ông Lãi trong quãng đời làm điện ảnh phục vụ cách mạng. Tuy là bộ phim ngắn nhưng những hình ảnh thân thuộc, nhân từ của Bác khi chăm sóc, vui chơi cùng các cháu thiếu nhi đã gây niềm xúc động lớn với cán bộ, chiến sĩ ta trong trại Davis nên bộ phim được anh em yêu cầu chiếu đi chiếu lại hàng trăm lần. 

Không gian và thời gian như ngừng lại trước khoảng sân giữa trại, hàng trăm ánh mắt của ta và địch chăm chú hướng vào màn hình, những giọt nước mắt lăn dài trên má anh em bởi nhiều người lần đầu tiên được thấy Bác Hồ. Cảm giác khi phim về Bác được chiếu lên như xóa nhòa sự đối đầu của những con người hàng ngày, hàng giờ ở hai chiến tuyến. Hình ảnh của Bác, vị Cha già dân tộc như luồng sức mạnh to lớn tiếp thêm ý chí đấu tranh và niềm tin vào ngày toàn thắng cho chúng tôi - ông Hoàng Duy Hòa, xã Thăng Long (Đông Hưng), nguyên cán bộ địch vận của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại trại Davis bồi hồi chia sẻ.

Sự giản dị, thanh cao của Bác còn làm lay động trái tim những người bên kia chiến tuyến. 

Ông Lãi xúc động kể: Ngày 6/2/1973, một phái đoàn của Mỹ vào trại Davis làm căn cước cho phái đoàn của ta, khi thấy trước sân dựng máy chiếu, họ đề nghị cho phép ngồi xem cùng. Lần đầu tiên được thấy “Ông Hồ”, anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ của nhân dân Việt Nam có tầm vóc vĩ đại mà rất mực bình dị, nhân từ, trái ngược hẳn với những gì họ được nhồi sọ khi còn ở chính quốc đã gây niềm xúc động mạnh với 7 người lính trẻ vừa từ căn cứ Trân Châu Cảng tại Hawaii đặt chân đến Sài Gòn. Phim vừa chiếu xong, không ai bảo ai, những người lính trẻ đồng loạt đứng dậy hô vang: “Việt Nam - Hồ Chí Minh”. Khi thấy Huy hiệu Bác Hồ cài trên ngực cán bộ, chiến sĩ ta, những người lính Mỹ nói với sĩ quan liên lạc mong muốn xin được tặng để làm kỷ niệm. Trước khi rời trại Davis, những người lính trẻ bên kia chiến tuyến trang trọng đeo Huy hiệu Bác Hồ trước ngực, xin phép được chụp ảnh lưu niệm dưới bức chân dung của Người và đồng loạt hô vang “Việt Nam - Hồ Chí Minh” một lần nữa. Những chiếc huy hiệu được những người lính Mỹ tháo ra, cẩn thận gói lại, cất kỹ trong ba lô như một kỷ vật vô giá. 

Một lần khác, bộ phim được chiếu phục vụ phái đoàn 80 phóng viên đến từ các hãng thông tấn lớn trên thế giới tác nghiệp trong trại Davis. Nhiều phóng viên nước ngoài chưa một lần may mắn gặp và phỏng vấn Bác, sau khi xem xong bộ phim đã bày tỏ sự ngưỡng mộ lớn lao với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tin tưởng vào thắng lợi chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Ít ai biết rằng lá cờ giải phóng đầu tiên tung bay hiên ngang tại Sài Gòn lúc 9 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 do chính người chiến sĩ chiếu phim Phạm Văn Lãi cắm trong trại Davis và ngày 1/5/1975 ông là người được giao nhiệm vụ thay lá cờ mới hơn lá cờ do Bùi Quang Thận cắm trên nóc dinh Độc Lập.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Phạm Văn Lãi được giao nhiệm vụ mới tại Ủy ban Quân quản, năm 1977 chuyển sang công tác tại Văn phòng Chính phủ… Ông giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính, Văn phòng Chính phủ cho đến ngày nghỉ hưu. Chính trong quãng thời gian cam go, quyết liệt đấu tranh với địch trong trại Davis, những tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác mà ông học được qua bộ phim Bác Hồ với thiếu nhi không những tiếp thêm sức mạnh tinh thần mà với ông đó còn là hành trang quan trọng mang theo trong suốt cuộc đời phục vụ cách mạng của mình.

Trịnh Cường