Chủ nhật, 28/04/2024, 06:22[GMT+7]

Biển vọng lời chiêu tuyết

Thứ 2, 03/09/2018 | 21:20:40
1,395 lượt xem
Những thư tịch cổ lưu sót lại ở làng Thư Điền, xã Tây Giang và làng Phương Trạch, xã Phương Công, huyện Tiền Hải có ghi rằng cách ngày nay hơn 600 năm những làng trên còn là cồn bãi hoang sơ. Cư dân họ Phạm là những nguyên mộ từ Lam Kinh (Thanh Hóa) phiêu dạt tới đây tìm kế sinh nhai để tồn tại đã đặt tên đất là Ấp Diêm.

Từ đường chi họ Phạm làng Thư Điền, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải có đắp nổi 4 chữ “Hội thống tôn Nguyên”.

Những thư tịch cổ lưu sót lại ở làng Thư Điền, xã Tây Giang và làng Phương Trạch, xã Phương Công, huyện Tiền Hải có ghi rằng cách ngày nay hơn 600 năm những làng trên còn là cồn bãi hoang sơ. Cát đã kết tinh nước biển thành những đụn muối trắng lấp lánh dưới nắng hè gay gắt. Cư dân họ Phạm là những nguyên mộ từ Lam Kinh (Thanh Hóa) phiêu dạt tới đây tìm kế sinh nhai để tồn tại đã đặt tên đất là Ấp Diêm. Vì hàm oan mà họ đã sống những tháng ngày tủi cực, mai danh, ẩn tích cho đến ngày thủy tổ dòng họ được minh oan…

Ngọc phả họ Phạm ở làng Phương Trạch, xã Phương Công có ghi thủy tổ tên tự là Tất Hiếu, húy là Liên, thụy là Trung Chính. Đôi câu đối còn lưu ở từ đường có ghi:

Thất đại di lưu đồng tộc phả
Nhất thù ấm tý ngũ chi phương

Đại ý rằng trong vòng tám đời tính từ cụ thủy tổ được lưu thờ tại vùng đất này vì nặng uẩn khúc hàm oan đã tôn đời thứ bảy lên làm cốt chủ thứ nhất. 

Từ uẩn khúc phát hiện được ở Phương Công nhóm nghiên cứu chúng tôi quyết định về từ đường chi họ Phạm làng Thư Điền, xã Tây Giang để tìm thêm sự ứng linh. Điều thu hút chúng tôi từ “cái nhìn đầu tiên” là ngôi từ đường đã được tôn tạo lại, màu sơn còn khá mới nhưng vẫn giữ nguyên vị trí tọa thủ hướng Bắc quay lưng ra biển. Con cháu dòng tộc chỉ biết rằng ý chỉ của các cụ xưa muốn từ đường luôn hướng về đình Nam và bái vọng từ đường họ Phạm ở làng Phương Trạch. Những gợi ý đó đã giúp nhóm nghiên cứu chúng tôi tập trung vào mối quan hệ giữa hai chi họ Phạm ở Phương Trạch (Phương Công) và Thư Điền (Tây Giang) để dần hé lộ bí mật về một chi họ lưu lạc từ phương xa đến đất Tiền Hải rất sớm. Sự có mặt của ngôi từ đường dòng tộc họ Phạm tạo nên các cuộc tranh luận về vùng đất “ven bờ cuối bãi” vốn từ lâu đã được coi là sinh sau, đẻ muộn vậy mà nó đã xuất hiện bên biển hơn 600 năm trước.

Chính sự quay lưng ra biển của từ đường họ Phạm, làng Thư Điền, hướng mắt nhìn về Phương Trạch chứa đựng nhiều tồn nghi bởi dân gian có câu: “Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam” trong kiến trúc đình, đền, chùa thì thường lấy trục Đông - Tây làm hướng chính chứ ít khi tọa Nam hướng Bắc. Một điểm đáng chú ý khác là cả hai ngôi từ đường họ Phạm, làng Phương Trạch và Thư Điền đều có bức đại tự khắc bốn chữ sơn son, thếp vàng “Hội thống tôn Nguyên”, nghĩa là tất cả đều chung một nguyện ước tôn một tước vị có chữ là Nguyên. Câu hỏi đặt ra “Nguyên” trong bức đại tự là cốt chủ hay là mỹ tự? 

Lần tìm cảo thơm, sách Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, nhà Lê chép: “Mẹ vua Lê Thái Tông là Cung từ Hoàng thái hậu Phạm thị, húy là Trần, người hương Quần Lai, huyện Lôi Dương, xứ Thanh Hóa. Vào năm Thái tổ (Lê Lợi) khởi nghĩa thứ 6 (1423) mùa đông tháng 11, ngày 20 sinh ra vua”. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi: “Cung hoàng Thái hậu Phạm thị là thứ thất của Lê Thái Tổ sinh ra Hoàng Thái tử Lê Nguyên Long. Hoàng Thái hậu Phạm thị có hai người anh trai là Phạm Văn Xảo và Phạm Tri Vận có công lao to lớn giúp Thái Tổ đánh tan giặc phương Bắc nên được Thái Tổ ban quốc tính”. Cả hai người sau này mang họ Lê. 

Đại Việt sử ký toàn thư trang 295 bản kỷ ghi: “Phạm Tri Vận tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Khi Lê Lợi lên ngôi vua, Phạm Tri Vận được ban quốc tính. Thái Tổ lấy Lê Tri Vận làm Tri tả hữu ban, phong liệt hầu, sau phong nguyên cửu quan nội hầu”. Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép Phạm Tri Vận cùng em trai là Phạm Văn Xảo tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ ngày đầu. Phạm Văn Xảo lập công lớn trong trận quyết chiến chiến lược Tốt Động - Chúc Động (1428) đánh tan quân Minh xâm lược, được Lê Lợi xếp vào hạng bốn công thần khai quốc. Năm 1429, ông được ban quốc tính và được thăng hàm Thái Bảo, sau được phong Thái Phó, tước Huyện Thượng hầu. Từ đường họ Phạm làng Thư Điền còn bốn câu thơ chữ Hán khắc treo như sau:

Sơn hà Nam quốc xuân cẩm tú
Phạm tộc Thư Điền đức lưu quang
Tứ tự cao minh ân Hoàng Thượng
Tư Nguyên hà ẩm khai Quế hương

Đối chiếu bốn câu thơ chữ Hán này với bức đại tự ở hai từ đường họ Phạm, làng Phương Trạch và Thư Điền là “Hội thống tôn Nguyên” cho ta biết rằng “Tứ tự” nghĩa là bốn chữ trong đại tự được treo kia là nhờ ơn đức Hoàng Thượng (tức là vua Lê Nguyên Long - Lê Thái Tông) ban cho. Đình Nam thuộc xã Tây Giang có nhiều sắc phong qua các niên hiệu Vĩnh Khánh, Cảnh Hưng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định… đều ghi: “Đại huệ hoàn danh cao tiết cung thánh lược trí dũng anh hùng hào kiệt… đạt ân cơ chuẩn nghiệp khai trị đại vương”. Đây chính là lời minh oan của các bậc quân vương đối với công thần khai quốc Phạm Văn Xảo. 

Ngược dòng lịch sử, năm 1418, khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ, Phạm Văn Xảo tham gia khởi nghĩa Lam Sơn và được Bình Định Vương Lê Lợi trao chức Khu Mật Đại Sứ. Từ đó ông bắt đầu cuộc đời cầm quân đánh giặc, xông pha chiến trận. Trận đánh quyết liệt ở Xa Lộc diễn ra vào tháng 10 năm 1426, Phạm Văn Xảo lập công lớn đánh tan quân giặc giải phóng một vùng đất rộng lớn từ Thanh Hóa vào phía Nam. Thắng lợi này giúp Lê Lợi vững tin mở cuộc tấn công ra Bắc. Trong trận Tốt Động - Chúc Động, Phạm Văn Xảo là một trong bốn vị tướng cao cấp của Lê Lợi lập công xuất sắc. Sử cũ chép rằng: “Bày binh bố trận xong, Phạm Văn Xảo đã tình nguyện dẫn một đội quân nhỏ giả vờ tập kích bất ngờ vào thành Đông Quan. Tướng giặc chỉ huy thành Đông Quan là Trần Trí thấy quân Phạm Văn Xảo quá ít liền ào ạt xông ra đánh. Phạm Văn Xảo vờ thua và chạy về Ninh Kiều (nay thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội). Trần Trí chủ quan cứ thế hăng hái đuổi theo. Hắn bị lọt vào ổ mai phục, quân Lam Sơn xông ra đánh cho tơi tả. Giặc bị giết tại chỗ trên 2.000 tên. Trần Trí hốt hoảng chạy thẳng về Đông Quan”.

Đáng tiếc thay, công chưa kịp hưởng thì oán đã kề bên. Theo “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn, nguyên nhân của sự việc khai quốc công thần Phạm Văn Xảo mắc oan phải chết là do bọn gian thần Trình Hoàng Bá, Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư đón biết ý vua Lê Thái Tổ lo sợ Thái tử Lê Nguyên Long thừa kế ngai vàng khi còn rất nhỏ sẽ bị tiếm ngôi nên chúng tranh nhau dâng mật sớ đổ tội Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn cấu kết với Đạo Cát Hãn làm phản, khuyên vua nên trừ đi. Phạm Văn Xảo liền bị bắt giam. Ông uất quá tự vẫn. Để tránh hậu họa, con cháu ông phải lưu tán biệt tích. Sau này vua Lê Thánh Tông đã minh oan cho ông.

Ông Phạm Quốc Chử, Chủ tịch Hội đồng họ Phạm huyện Tiền Hải, thôn Đông, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải

Theo gia phả họ Phạm, làng Thư Điền thuở ban đầu lập ấp Diêm, cụ tổ họ Phạm đã dựng một ngôi nhà thờ nhỏ giáp đê biển để thờ phụng tổ tiên. Con cháu giấu biệt tung tích, đến ngày giỗ cũng không dám kêu tên húy. Khoảng năm 1782 ngôi nhà thờ bị bão quật đổ, cụ trưởng tộc chết, các cụ trong dòng tộc lại quyên góp dựng lại nhà thờ ngay trên nền đất cũ cho đến bây giờ. Bên ngoài mặt chính từ đường có đắp nổi bốn chữ “Hội thống tôn Nguyên”. Từ hai chi họ Phạm ban đầu ở làng Phương Trạch và Thư Điền, con cháu họ Phạm ngày một đông vui tỏa ra các vùng lân cận, đặc biệt ở ba xã Nam Hưng, Nam Thịnh, Nam Phú. Các chi họ Phạm ba xã này hiện có 22 chi, 15 nhà thờ, gần 600 hộ với trên 2.200 nhân khẩu.
Cựu chiến binh Phạm Xuân Quynh, khu phố Hùng Thắng, thị trấn Tiền Hải, huyện Tiền Hải

Đến bây giờ con cháu dòng tộc họ Phạm hai làng Phương Trạch, xã Phương Công và Thư Điền, xã Tây Giang mới biết cụ tổ chi họ Phạm chúng tôi vốn là công thần khai quốc triều Lê, Huyện Thượng hầu Phạm Văn Xảo. Cụ bị hàm oan mà chết nên con cháu cụ phải phiêu bạt khắp nơi mai danh, ẩn tích. Tướng quân Phạm Văn Xảo được ban quốc tính (họ Lê), được Thăng hàm Thái Bảo, năm Thuận Thiên thứ hai (1429) tên cụ Xảo được khắc ở hàng thứ ba trong bảng danh sách các khai quốc công thần và được thăng hàm Thái phó, tước Huyện Thượng hầu. Nhưng tiếc thay, cụ bị bọn gian thần gièm pha là có âm mưu làm phản bị bắt giam, tra khảo, cụ đã tự sát.
Ông Phạm Quang Trung, Chủ tịch Hội đồng họ Phạm, làng Thư Điền, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải

Theo sử cũ ghi chép, công thần được ban áo, mũ, phong tước hầu, được ban họ vua phải là người tuyệt đối trung thành với vua; có công lao lớn trong công cuộc lập quốc; hết mình cống hiến cho sự bình yên của dân tộc… Cụ tổ chúng tôi là Huyện Thượng hầu Phạm Văn Xảo được ban quốc tính mang họ vua Lê tức là cụ tổ chúng tôi đã đáp ứng được những điều kiện tối thiểu đó.

Quang Viện

  • Từ khóa