Thứ 6, 22/11/2024, 00:19[GMT+7]

Hai ngày với Tổng Bí thư Đỗ Mười (Tiếp theo và hết)

Thứ 5, 04/10/2018 | 08:34:46
2,472 lượt xem
Ngày 18, buổi sáng, đồng chí Tổng Bí thư về làm việc với huyện Tiền Hải và huyện Kiến Xương, thăm khu công nghiệp khí đốt, thăm các xí nghiệp ở Tiền Hải, Xí nghiệp Gạch men Long Hầu, Xí nghiệp Thủy tinh cách điện.

Ngôi nhà ở thôn 3, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội) gắn bó với tuổi thơ của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ảnh khai thác internet

Tại đây, đồng chí Tổng Bí thư chăm chú quan sát các dây chuyền sản xuất và vui mừng thấy các sản phẩm gốm sứ do khí đốt từ lòng đất tạo nên, một năng lượng độc đáo của huyện Tiền Hải. Đồng chí chỉ thị các cơ sở này cần tập trung đầu tư, cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Tổng Bí thư nói: Khí đốt đang rẻ thì còn lãi. Nếu giá khí tính cao, cứ làm như hiện tại là lỗ, không hiệu quả.

Sau khi thăm các cơ sở công nghiệp, Tổng Bí thư về làm việc với Huyện ủy Tiền Hải. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Xuân Lai trình bày với Tổng Bí thư về sự đổi thay của huyện ven biển.

Mở đầu, đồng chí Đỗ Mười với những lời chân thành và cảm động:

- Dù đi đâu, về đâu tôi cũng không bao giờ quên được Tiền Hải. Một huyện có phong trào cách mạng kiên cường, bất khuất trong những năm ba mươi. Trong sự nghiệp đổi mới, các đồng chí đã có nhiều cố gắng, có nhiều mặt phát triển khá. Công có nhiều thì quả sẽ lắm. Có công thì sẽ được hưởng quả.

Cường sức làm việc và đức tính giản dị của Tổng Bí thư làm nhiều người càng cảm động hơn. Đồng chí bảo:

- Đón đồng chí Tổng Bí thư không cần ăn uống, đừng dùng sang, vừa tốn kém vừa có hại. Chỉ yêu cầu nước chè xanh không đặc lắm, nhưng cũng đừng loãng, thế là được.

Vừa ghi nhận, biểu dương, đồng chí Tổng Bí thư vừa chỉ ra những hạn chế Tiền Hải cần phải cố gắng khắc phục: Điều kiện các đồng chí có nhiều nhưng chưa được khai thác là bao, cần phải mở rộng hơn nữa vùng nuôi trồng thủy sản, tiến tới một bước công nghiệp hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn, công nghiệp hóa và khai thác khí đốt.

Trầm lặng một lát, đồng chí Tổng Bí thư nói tiếp:

- Về Tiền Hải lần này cũng vui nhiều mà cũng buồn nhiều. Vui thì rõ rồi. Buồn vì Tiền Hải có tiềm năng trời phú, có khí đốt dưới lòng đất, quý lắm, đâu có được, lại có hải sản ngoài khơi. Vậy mà bao năm rồi khai thác chậm quá, buồn chứ!

Đồng chí Tổng Bí thư lắc đầu nói:

- Một năm đạt vài ba tỷ đồng, chả thấm tháp vào đâu. Bước đi như thế ì ạch lắm. Thiếu vốn thì cán bộ, đảng viên góp vào, góp cổ phần. Cơ chế, cơ vận đấy. Không năng động, không làm nhanh là mất cơ hội đấy.

Đồng chí Tổng Bí thư nói tiếp:

- Tiền Hải có biển. Người ta nói rừng vàng biển bạc. Không có rừng các đồng chí có khí đốt thế mà không giàu được thì tại làm sao? Rõ ràng tại con người.

Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh:

- Phải chớp thời vận, đưa công nghiệp hóa vào, công nghiệp hóa nuôi cá, đánh cá. Phải vươn ra đánh bắt ngoài khơi. Tiền Hải phải đạt năm sáu trăm đô một đầu người mới được. Các anh không làm được là có tội với dân, với trung ương đấy.

Đồng chí nói tiếp:

- Xin chúc các đồng chí đoàn kết, tiến nhanh, dân giàu, huyện mạnh, sống hạnh phúc, phải biết thương yêu nhau. Người trong một huyện phải thương nhau cùng.

Thời gian buổi sáng gần hết, đồng chí Tổng Bí thư vẫn tiếp tục đi làm việc với hai xã Lê Lợi, Nam Cao (Kiến Xương), lấn sang buổi trưa. Hai cơ sở này chạm bạc và dệt đũi có thu nhập tiểu thủ công nghiệp chiếm trên 70%. Hai cơ sở kiến nghị với Trung ương về cơ chế, chính sách nhằm duy trì, phát triển các ngành nghề truyền thống hiện có. Đồng chí Tổng Bí thư rất hài lòng về cách sắp xếp lao động làm nghề, khen những sản phẩm chạm bạc tinh tế, độc đáo và đề nghị các cơ sở cần giao lưu, học hỏi, nâng cao chất lượng các sản phẩm mỹ nghệ, đạt giá trị cao hơn nữa.

Đồng chí nói:

- Tôi yêu cầu Kiến Xương (quay sang đồng chí Chủ tịch huyện) nhân rộng mô hình làng nghề truyền thống như đã có, để cả huyện Kiến Xương những năm tới đều làm như Lê Lợi, Nam Cao. Giá trị thu nhập ngành nghề đạt trên 70% như hai xã này thì huyện mới giàu được, dân mới giàu được.

Buổi chiều ngày 18, đồng chí Đỗ Mười làm việc với toàn thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ban, ngành, huyện, thị xã. Đồng chí Chu Văn Rỵ báo cáo với Tổng Bí thư một số kết quả 3 năm Thái Bình thực hiện nghị quyết của Trung ương. Là tỉnh thuần nông, đất hẹp, người nhiều, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm xã hội từ 1991 - 1993 tăng bình quân 8%, thu nhập quốc dân tăng 8,5%. Nổi rõ là sản xuất lương thực, thực phẩm. Năng suất lúa cả tỉnh đạt trên 11 tấn/ha, bình quân lương thực đầu người xấp xỉ 600kg. Nuôi trồng hải sản có nhiều hiệu quả. Ngành nghề truyền thống được phục hồi. Cơ sở hạ tầng đường, trường, trạm, trại phát triển khá. Đời sống nhân dân được cải thiện. Quốc phòng, an ninh ổn định, văn hóa, chính sách xã hội chuyển biến tốt... Tổng Bí thư Đỗ Mười hài lòng về một số mặt Thái Bình đã đạt được. Đồng chí nói:

- 3 năm kể từ khi làm Tổng Bí thư tôi mới có dịp về làm việc trực tiếp với Thái Bình. Các đồng chí đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện đổi mới theo các nghị quyết của Trung ương, có hiệu quả như vậy là tốt.

Đồng chí Tổng Bí thư nói tiếp:

- Đời sống nhân dân được nâng lên, có tích lũy, đầu tư xây dựng hạ tầng khá, quốc phòng, an ninh ổn định. Cơ sở đảng, chính quyền được củng cố, nhân dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng... Thay mặt Bộ Chính trị, tôi biểu dương những thành tựu của các đồng chí.

Đồng chí Tổng Bí thư nói tiếp:

- Tuy có bước phát triển nhưng nhìn tổng thể Thái Bình vẫn là một tỉnh nghèo. Thu nhập mới đạt bình quân 200 đô, còn ít quá. Là tỉnh đại bộ phận nông nghiệp, giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mới chiếm 15% thấp lắm. Con số này mới chỉ nằm trong phạm trù của nông nghiệp mà thôi. Vậy thì làm sao giàu được.

Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh:

- Cần phải chuyển đổi mạnh cơ cấu phát triển kinh tế, gia tăng giá trị công nghiệp lên. Là tỉnh mạnh nông nghiệp mà nông nghiệp không đổi mới, nếu cứ cổ lỗ, lạc hậu là không ăn, là trì trệ.

Với cách biểu đạt thẳng thắn, cụ thể, chân tình và sâu sắc, đồng chí Tổng Bí thư đề cập tới hàng loạt vấn đề có ý tứ chiến lược. Gợi mở hướng đi, cách làm, hỏi tình hình các thành phần tham gia hoạt động giao thông vận tải, quản lý thị trường, chống buôn lậu, chỉ ra những non kém về công tác thương mại. Đồng chí nói:

- Cứ làm theo kiểu quan liêu, trì trệ, cồng kềnh, chậm năng hoạt là chỉ có thua lỗ, mất vốn. Phải năng nổ tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm để bớt khó cho dân, bớt khổ cho dân.

Đồng chí Tổng Bí thư nhắc nhở những người đảm trách công tác này:

- Phải thay đổi cách nghĩ, cách làm đi, đừng bảo thủ. Vấn đề là hiệu quả và lợi ích...

Gợi hướng về nông nghiệp, đồng chí Tổng Bí thư nói:

- Thái Bình cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả hơn. Đưa những giống cây, giống con có năng suất cao vào. Nuôi trồng hải sản phải đi vào tập trung thâm canh, các đồng chí còn nặng tính quảng canh, không ăn. Đánh bắt hải sản phải vươn ra khơi, đừng quyện quanh ven bờ, không hiệu quả đâu.

- Tỉnh các đồng chí có thế mạnh khí đốt, có tiềm năng biển, nông nghiệp phát triển, cơ chế lại mở. Thời cơ làm giàu đấy. Để tuột cơ hội là mất đấy. Nếu biết cách đi, biết cách khai thác, làm giàu đâu khó, triển vọng lắm chứ.

Ghi nhận về hướng phát triển nông thôn, Tổng Bí thư hoan nghênh những cố gắng xây dựng nông thôn ở Thái Bình. Đường, điện, trường, trạm và cơ sở hạ tầng làm như hiện tại là khá lắm. Các đồng chí nên xây dựng mô hình nông thôn xã hội chủ nghĩa trên cơ sở những tiền đề này.

Hài lòng về cơ sở hạ tầng nhưng Tổng Bí thư phê phán cách quy hoạch, xây dựng đô thị của Thái Bình. Đồng chí nói:

- Đô thị của các đồng chí xây dựng lem nhem, lóm nhóm lắm. Phải sắp xếp lại “giang sơn” đi. Phải quy hoạch lại đi.

Đồng chí Tổng Bí thư nói thêm:

- Hai xã Lê Lợi, Nam Cao tôi về thăm nó cũng giống như thị xã. Không biết các đồng chí có định đô thị hóa nông thôn hay nông thôn hóa đô thị.

Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu:

- Phải kiến thiết xây dựng lại. Kiến trúc nó là khoa học, là văn hóa nghệ thuật, là bản sắc dân tộc, không thể đùa giỡn với kiến trúc được.

- Không biết làm thì phải học, học trường lớp, học phong trào, học bạn. Không làm được mà ôm đồm nhiều việc là thất bại đấy.

Thời gian buổi chiều khép lại, đồng chí Tổng Bí thư cô đọng, biểu đạt những lời cuối cùng:

- Các đồng chí có nguồn lao động dồi dào, ý chí của người Thái Bình rất tốt, lại có tiềm năng, có tiềm lực phát triển lắm.

- Thái Bình cần phải đẩy mạnh công nghiệp lên trên nông nghiệp như công thức năm - ba - hai mà các đồng chí đã bàn. Tức là giá trị công nghiệp phải đưa lên năm phần, nông nghiệp ba phần, dịch vụ hai phần. Giá trị công nghiệp càng lớn thì tỉnh mới giàu, dân mới giàu được.

- Trước hết phải tăng cường sản xuất hàng hóa, lấy xuất khẩu là mũi nhọn, tập trung khai thác tiềm năng công, nông nghiệp tiến tới công nghiệp hóa nông thôn. Phải chú ý đưa cách mạng sinh học và tin học vào sản xuất. Tôi xin chúc các đồng chí làm thắng lợi các việc đó. Chúc Thái Bình thắng lợi và giàu mạnh.

Đồng chí Chu Văn Rỵ, Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Đảng bộ và nhân dân Thái Bình hứa thực hiện những chỉ huấn quý báu của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười và kính chúc Tổng Bí thư dồi dào sức khỏe cùng với Bộ Chính trị và Trung ương lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp phấn đấu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Minh Chuyên