Thứ 6, 22/11/2024, 20:53[GMT+7]

Sơn La phát huy vai trò hợp tác xã kiểu mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thứ 2, 10/04/2017 | 09:54:48
1,795 lượt xem
Những năm gần đây, với sự quan tâm của chính quyền các cấp, các mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới ở tỉnh miền núi Sơn La đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Hiệu quả phát triển của các mô hình HTX kiểu mới đã không chỉ giúp người lao động nâng cao đời sống mà còn thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Thu hoạch cá ở HTX thuỷ sản Hồ Quỳnh ở xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Ảnh: NQ

Tăng cường liên kết người sản xuất

Được biết đến là một điển hình trong khai thác tiềm năng lòng hồ thuỷ điện Sơn La, HTX thuỷ sản Hồ Quỳnh ở xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai được thành lập năm 2014. Trên cơ sở tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có của địa phương, thời gian đầu HTX thuỷ sản Hồ Quỳnh có 8 thành viên tham gia liên kết nuôi trồng thuỷ sản. Các thành viên đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong toàn bộ quá trình sản xuất; trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ nhau nâng cao hiệu quả kinh tế. HTX cũng thường xuyên mời cán bộ chuyên môn, cán bộ khuyến ngư về tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhất là về thời điểm thả cá giống, cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh… Đặc biệt, Ban quản lý HTX còn chủ động liên hệ với các nhà hàng, doanh nghiệp trên địa bàn để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy, nhận thức, kinh nghiệm sản xuất của xã viên đã có những chuyển biến tích cực, các hộ tham gia HTX đều yên tâm sản xuất. Đến đầu năm 2017, HTX thuỷ sản Hồ Quỳnh đã có 25 thành viên. Hoạt động sản xuất của HTX được mở rộng bao gồm các hình thức chủ yếu như nuôi thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Hiện nay, HTX thường xuyên duy trì 78 lồng cá các loại như cá lăng, nheo, mè, trắm, rô phi… cùng khoảng 50 con trâu, 70 con bò, gần 400 con dê sinh sản… Các hộ tham gia HTX đều có thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/hộ/tháng.

Cũng được thành lập năm 2014, HTX Hưng Thịnh là mô hình liên kết các hộ nông dân tham gia trồng táo ở Tiểu khu 3, xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La). Với cách làm sáng tạo, sau khi thành lập, 7 thành viên đầu tiên trong HTX Hưng Thịnh đã cùng góp vốn mua một xe ô tô tải 3,5 tấn để chuyên chở táo đi bán ở các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, quả táo làm ra đã không bị thương lái ép giá như trước. Hiện nay, HTX Hưng Thịnh đang áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Nhiều sản phẩm của HTX đã được bày bán tại các siêu thị lớn ở Hà Nội. Đến hết năm 2016, HTX đã có 17 thành viên với tổng diện tích đất sản xuất là trên 20 ha; vốn điều lệ đạt hơn 2,5 tỷ đồng. Bên cạnh sản phẩm chủ lực là quả táo, HTX Hưng Thịnh còn phát triển một số loại cây ăn quả chất lượng cao như: Thanh long ruột đỏ, nhãn ghép, bưởi da xanh, chanh đào, na Thái.... Từ năm 2016, HTX cũng mở rộng thêm một số hoạt động kinh doanh khác như xây dựng, cơ khí, bách hóa tổng hợp… với tổng doanh thu đạt 7 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, HTX Hưng Thịnh đã tạo việc làm thường xuyên cho 35 - 40 lao động trong xã, mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Ông Lò Văn Hoan ở Tiểu khu 3, xã Mường Bú cho biết: “Tham gia HTX Hưng Thịnh, gia đình tôi được HTX cho vay vốn ưu đãi với số tiền hơn 50 triệu đồng. Đến nay, tôi đã có gần 1 ha cây ăn quả các loại. Nhờ thu hoạch từ trồng cây ăn quả, gia đình tôi đã ra khỏi diện hộ nghèo của xã”.

HTX thuỷ sản Hồ Quỳnh và HTX Hưng Thịnh chỉ là 2 trong số hàng trăm mô hình HTX kiểu mới đang hoạt động có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đồng chí Nguyễn Hữu Tăng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La cho biết: Thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, với sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền và sự tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, phần lớn HTX trên địa bàn tỉnh đã tiến hành chuyển đổi thành công. Cùng với đó, nhận thức của người dân về vai trò và lợi ích của mô hình HTX được cải thiện nên các mô hình HTX kiểu mới đã thực sự tạo thêm những cơ hội để các hộ sản xuất tăng cường liên kết trên cơ sở bảo đảm tốt về lợi ích và nâng cao đời sống người lao động.

Động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững

Thực tế hoạt động của các HTX ở Sơn La thời gian qua cho thấy, với những cách làm hiệu quả, các mô hình HTX đã ngày càng tăng về cả số lượng, quy mô; đồng thời, mở rộng về lĩnh vực hoạt động qua đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và góp phần tích cực cho xây dựng nông thôn mới. Tính đến cuối năm 2016, Sơn La đã có gần 240 mô hình HTX đang hoạt động, bao gồm: 155 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; 38 HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ, quản lý chợ; 18 HTX lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, điện nước; 16 HTX lĩnh vực xây dựng; 2 HTX lĩnh vực vận tải… Tổng số vốn hoạt động của các HTX trong toàn tỉnh ước đạt trên 2.000 tỷ đồng với khoảng hơn 2,4 vạn thành viên. Những mô hình HTX này đã trực tiếp tạo việc làm cho gần 3.700 lao động địa phương.

Điểm nổi bật ở tỉnh Sơn La đó là vai trò của Liên minh HTX tỉnh được phát huy có hiệu quả. Theo đó, Liên minh HTX tỉnh Sơn La đã làm tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp đánh giá hoạt động của các HTX để củng cố, kiện toàn lại các HTX hiện có. Trọng tâm là hướng vào các hoạt động dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, phát triển sản xuất hàng hóa găn với các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương như sản xuất chè, hoa, rau, củ quả chất lượng cao, các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, mây tre đan... Cùng với đó, Liên minh HTX cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh Sơn La có chính sách hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho HTX đưa giống mới, công nghệ sinh học, bảo quản, chế biến nông sản và thực hiện nhiều hình thức xúc tiến thương mại như: tham gia các hội chợ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm…

Đặc biệt, bám sát xu hướng của thị trường và đòi hỏi của người tiêu dùng, việc xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản đã được nhiều HTX ở Sơn La quan tâm, triển khai thực hiện. Đến đầu năm 2017, Sơn La đã có 83 HTX, tổ hợp tác, hộ cá thể xây dựng được thương hiệu nông sản với quy mô trên 645 ha. Điển hình như các mô hình: Trồng rau, cây ăn quả, sản xuất rượu của HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 huyện Mộc Châu; HTX sản xuất rau an toàn Ta Niết, Tự Nhiên (Mộc Châu), Chiềng Phú (Yên Châu), Tiên Sơn, Diệp Sơn (Mai Sơn)... Các mô hình này đều đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Không chỉ mở rộng thị trường tiêu thụ ở các siêu thị tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, một số hàng nông sản của các HTX ở Sơn La còn bước đầu được xuất khẩu ra nước ngoài. Năm 2016, lợi nhuận các mô hình HTX ở Sơn La ước đạt khoảng trên 30 tỷ đồng. Đây vừa là những tín hiệu vui đối với hàng vạn hộ nông dân Sơn La, đồng thời cũng cho thấy, các mô hình HTX trên địa bàn tỉnh đang thực hiện khá tốt vai trò động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng bền vững.

Có thể thấy, với sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền các cấp và sự năng động, sáng tạo của người sản xuất, các mô hình HTX ở Sơn La đã và đang dần trở thành nhân tố quan trọng trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm, cải thiện, nâng cao thu nhập cho các thành viên tham gia HTX và người lao động trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo dangcongsan.vn