Thứ 7, 23/11/2024, 02:02[GMT+7]

Hà Nội: Gỡ khó để xây dựng nông thôn mới

Thứ 6, 14/04/2017 | 09:21:54
1,131 lượt xem
Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân" giúp diện mạo nhiều vùng nông thôn đổi thay, nâng cao đời sống bà con... Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới vẫn gặp những khó khăn cần sớm được tháo gỡ. Đó là thông tin vừa được đưa ra tại hội nghị giao ban quý I của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy.

Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp sẽ tạo đột phá cho xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Một mô hình trồng hoa lan trong nhà kính tại xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Thái Hiền

Nhiều cơ hội, thách thức mới

Theo Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú, quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, tạo cơ sở vững chắc tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngoại thành. Bước sang giai đoạn mới, cùng với việc tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, thành phố đã ban hành Bộ tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn NTM với các chỉ tiêu cao hơn so với cả nước, đặt ra nhiều cơ hội và thách thức mới.

Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy ở cơ sở vẫn còn không ít khó khăn. Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương dẫn chứng: Chỉ tiêu thành phố giao cho huyện Sóc Sơn trong năm nay có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM. Sau khi rà soát, huyện Sóc Sơn đã chọn thêm 2 xã để tập trung đầu tư hoàn thành tiêu chí về xây dựng NTM. Vì vậy, huyện Sóc Sơn đề nghị sở, ngành liên quan tham mưu thành phố sớm bố trí hỗ trợ kinh phí cho 2 xã của huyện đăng ký bổ sung hoàn thành xây dựng NTM trong năm nay.

Dù được công nhận là huyện NTM, nhưng Đan Phượng cũng gặp không ít khó khăn trong việc nâng cấp tiêu chí về xây dựng NTM và xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng kiến nghị, tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các xã của huyện xây dựng NTM kiểu mẫu như hỗ trợ cho các xã đăng ký hoàn thành xây dựng NTM với kinh phí 5 tỷ đồng/xã.

Năm nay, Quốc Oai phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM để được công nhận là huyện NTM. Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Mạnh Quyền, hiện nay việc tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gặp vô vàn khó khăn và kiến nghị thành phố có chính sách hỗ trợ các mô hình tích tụ ruộng đất trên địa bàn...

Ngoài khó khăn về kinh phí đầu tư cho xây dựng NTM, nhiều địa phương cũng chật vật trong thực hiện tiêu chí về môi trường. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hòa cho biết, xã Quảng Phú Cầu có nghề tái chế phế liệu, mỗi ngày nhân dân xả thải ra môi trường từ 2 đến 3 tấn rác. Trước đây, lượng rác này được doanh nghiệp môi trường thu gom, xử lý nhưng nay không được thu gom nên xảy ra cảnh ùn ứ. Trước thực trạng này, nhiều hộ gia đình ở đây đã tự đốt rác thải gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, gây bức xúc dư luận. Nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả, xã Quảng Phú Cầu khó hoàn thành xây dựng NTM trong năm nay. Đây cũng là thách thức đối với nhiều địa phương, đặc biệt ở một số làng nghề chưa có giải pháp bảo vệ môi trường…

Đầu tư có trọng tâm

Đề xuất hướng tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: Sau khi rà soát, bổ sung quy hoạch, thành phố đã bố trí được nguồn lực, các địa phương khẩn trương tổng hợp, báo cáo để được hỗ trợ kinh phí. Cụ thể, thành phố hỗ trợ 5 tỷ đồng/xã xây dựng NTM trong năm nay; các xã đăng ký thêm, thành phố sẽ tiếp tục bố trí kinh phí hỗ trợ trong thời gian tới. Vấn đề đặt ra, các địa phương sử dụng vốn đầu tư có trọng tâm, tránh dàn trải.

Liên quan đến tiêu chí môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho rằng: Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề vốn rất khó khăn. Để xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải nguy hại, các xã cần phải ký hợp đồng với doanh nghiệp để thực hiện. Địa phương xây dựng lò đốt đơn giản sẽ không thể xử lý triệt để ô nhiễm, do vậy, cần cân nhắc kỹ khi đầu tư để tránh lãng phí. Liên quan đến kiến nghị của các địa phương gặp khó khăn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi bởi quy định giữ đất trồng lúa, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận quy hoạch đất lúa của Hà Nội. Đất trồng lúa được chuyển đổi sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp hoặc trồng rau màu, hoa cây cảnh... nhưng phải phục hồi lại được mặt bằng để trồng lúa khi có yêu cầu.

Một tín hiệu vui, trong năm nay, thành phố ưu tiên đầu tư xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và coi đây là khâu đột phá trong lĩnh vực này. Theo đó, thành phố sẽ tập trung xây dựng từ 1 đến 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghiệp cao, các huyện xây dựng 1 đến 2 điểm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Phạm Văn Khương lưu ý: Các địa phương nên quan tâm nhiều cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo các tiểu vùng sinh thái. Hà Nội có khoảng 25.000ha đất vùng bãi màu mỡ, nên chuyển từ trồng lúa truyền thống sang các loại rau màu, hoa cây cảnh, cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao; đồng thời phân khúc đầu tư cho giống cây trồng vật nuôi hoặc khâu chế biến, đây là 2 phân khúc có giá trị cao trong chuỗi giá trị.

Theo hanoimoi.com.vn