Thứ 3, 23/07/2024, 04:27[GMT+7]

Quỳnh Phụ : Hệ thống đê, kè, cống tương đối an toàn

Thứ 4, 03/05/2017 | 09:17:09
2,482 lượt xem
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra, biện pháp quan trọng nhất chính là thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, nâng cao khả năng phòng, chống bão, lũ của hệ thống đê điều. Theo đánh giá của UBND huyện Quỳnh Phụ, hiện nay hệ thống đê, kè, cống trên địa bàn tương đối an toàn trong điều kiện lũ, bão nhỏ, bình thường.

Trạm bơm Quỳnh Hoa, xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ).

Huyện Quỳnh Phụ hiện có hai hệ thống đê chính gồm đê hữu Luộc và đê hữu Hóa. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn hệ thống đê bối Quỳnh Lâm, đê bối Quỳnh Hoa và đê bối An Khê. Là tuyến đê trọng điểm trong công tác phòng, chống lụt bão, đê hữu Luộc có chiều dài 20,5km, bắt đầu từ Km16+500 thuộc địa phận xã Quỳnh Ngọc đến Km36+000 thuộc địa phận xã An Khê, được nối tiếp với Km0+000 triền đê hữu Hóa. 

Trước mùa mưa, bão năm 2017, qua kiểm tra, đê hữu Luộc có khả năng ổn định và an toàn. Tuy nhiên, do triền đê có địa chất yếu, phía trong đồng có nhiều đầm, ao khi lũ lên cao các đoạn này thường xuất hiện mạch sủi, một số đoạn bị thẩm lậu mái đê. Những đoạn đê bị đào xén chân, các kè bị chất tải dễ sạt trượt, gây nguy hại đến an toàn của đê. Nhiều đoạn mặt đê xuất hiện ổ gà, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân cũng như phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão. Bên cạnh đó, trên tuyến đê hữu Luộc hiện còn tồn tại một số vi phạm Luật Đê điều như xây dựng trang trại chăn nuôi, lán tạm gây ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ ở xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoa, Quỳnh Giao, An Khê… Một số đỉnh kè còn chất tải quá cao như kè Hiệp (Quỳnh Giao), kè Đại Nẫm (Quỳnh Thọ), kè Lộng Kê (An Khê). Tình trạng xe quá tải vận chuyển vật liệu xây dựng vẫn thường xuyên diễn ra tại các đoạn đê thuộc địa phận xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Giao...

Một số tuyến đê tại huyện Quỳnh Phụ đang bị xuống cấp do xe chở vật liệu xây dựng quá tải gây ra.

Tuyến đê hữu Hóa có chiều dài 16km từ xã An Khê đến xã An Mỹ, giáp với đê biển số 8 thuộc xã Thụy Ninh (Thái Thụy). Đến nay, toàn tuyến đê hữu Hóa đã được cứng hóa bằng vật liệu đá bây, bê tông, chất lượng tương đối bảo đảm. Cũng như đê Hữu Luộc, tình trạng vi phạm Luật Đê điều trên tuyến đê hữu Hóa diễn ra với các hành vi như xây dựng lò vôi, lò gạch, xây dựng nhà xưởng ở ngoài bãi, trong hành lang thoát lũ tại các xã An Ninh, thị trấn An Bài, xã An Cầu… Hệ thống đê chính huyện Quỳnh Phụ có 7 kè đá lát mái, trong đó đê sông Luộc có 4 kè và đê sông Hóa có 3 kè. Đến nay, đã có 5 kè mới được tu bổ, 2 kè bị hư hỏng nặng do không được tu bổ thường xuyên nên bị xô tụt đá…

Theo ông Nguyễn Đình Triệu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, năm 2016, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, huyện Quỳnh Phụ đã thực hiện tốt công tác củng cố, tu bổ đê điều như: Tiếp tục thực hiện dự án nâng cấp đê hữu Hóa giai đoạn 2, đoạn từ K5 đến K16; cứng hóa mặt đê hữu Luộc, đoạn từ K31+500 đến K32+200; xử lý kè Đại Nẫm đoạn từ K28+500 đến K28+630; xử lý khẩn cấp kè đê bối xã Quỳnh Lâm. Ngoài ra, các xã, thị trấn vùng duyên giang đã đầu tư tu sửa nhỏ các công trình đê điều như san lấp ổ gà, phát quang chân đê, triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn… Bên cạnh những tuyến đê đã được tu bổ, sửa chữa vẫn còn nhiều đoạn bị xuống cấp; tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê, kè ở một số địa phương vẫn còn diễn ra. 

Trước mùa mưa, bão năm 2017, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã đôn đốc, hướng dẫn các địa phương phối hợp thực hiện việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, xác định rõ các trọng điểm xung yếu, lập phương án kỹ thuật xử lý khẩn cấp khi bị tác động của mưa, bão làm nước dâng cao. Ngoài ra, phòng cũng phối hợp với Hạt quản lý đê điều huyện thường xuyên kiểm tra hệ thống đê, kè, cống, kịp thời phát hiện sự cố và đề xuất biện pháp xử lý; đồng thời tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm Luật Đê điều như làm nhà, xây dựng lán trại, tường rào... trong hành lang bảo vệ đê.

Hải Nam