Thứ 2, 01/07/2024, 15:18[GMT+7]

Thực trạng và định hướng phát triển nuôi ngao theo hướng hàng hoá

Thứ 7, 21/08/2010 | 10:17:23
1,950 lượt xem
Thái Bình, có 5 cửa sông lớn đổ ra biển, tạo ra một vùng bãi triều rộng khoảng 25.000 ha rất thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thuỷ sản mặn, lợ. Lượng nước từ các sông đổ về hạ lưu kéo theo lượng bùn, trầm tích hữu cơ, muối khoáng và nhiều yếu tố khác với khối lượng lớn, bị dòng chảy của biển, các cồn ngăn lại.

Mấy năm trở lại đây, đầu tư nuôi ngao đã đem lại nguồn lợi nhuận tơ lớn.

Với những yếu tố trên, trong nhiều năm qua nông dân vùng ven biển huyện Tiền Hải, Thái Thuỵ đã đầu tư nuôi ngao cho giá trị kinh tế hàng trăm tỷ đồng, góp phần cải thiện cuộc sống ngư dân vùng biển. Tuy nhiên, so với tiềm năng diện tích hiện có vẫn chỉ là nuôi nhỏ lẻ, tự phát, đồng thời chưa có sự quản lý sâu sát từ các ngành chức năng, do đó đòi hỏi trong những năm tới cần có sự quy hoạch tổng thể, đưa ra định hướng cho nghề nuôi ngao phát triển bền vững theo hướng hàng hoá.

 

Ông Vũ Văn Trạc, một hộ nuôi ngao ở Đông Hoàng (Tiền Hải) cho biết: “Trước năm 1989, trên các bãi triều ven biển ở Đông Minh, Nam Thịnh lượng ngao tự nhiên khá lớn, bà con khắp các vùng lân cận thường xuyên đổ về cào bắt, do đó lượng ngao tự nhiên giảm dần. Bên cạnh đó, thị trường lại có nhu cầu sử dụng sản phẩm này ngày một gia tăng, không chỉ tiêu thụ tại các chợ quê mà ngao còn được đi tiêu thụ rộng khắp các chợ ở thành phố trong và ngoài tỉnh.

 

Trước thực trạng này, nhiều hộ dân  nhạy bén dùng một số biện pháp như đóng cọc, vây lưới giống ngao tự nhiên để quản lý và đến khi ngao đạt cỡ thương phẩm mới bắt đem bán...”. Và trên thực tế, sau năm 1989 (thời điểm sơ khai của nghề nuôi ngao với quy mô khoảng 150 ha), quy mô, sản lượng đã tăng lên nhanh chóng, như năm 1999 sản lượng ngao thương phẩm khai thác tự nhiên, thu từ vây nuôi đạt 4.200 tấn, năm 2000 đã tăng lên 5.500 tấn, năm 2001 đã đạt 6 nghìn tấn, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, Hồng Kông và nội địa.

 

Theo các hộ nuôi ngao ở Đông Minh cho biết, sản lượng ngao thương phẩm tăng nhanh đã dẫn đến nguồn ngao giống tự nhiên cạn kiệt, do khai thác quá ồ ạt, số hộ nuôi tăng chóng mặt, nên ngao giống phải nhập từ các tỉnh ngoài về, như Thanh Hoá, Nghệ An, Hải Phòng. Sau một thời huy hoàng của việc nuôi, khai thác ngao, đến năm 2002 – 2003, sản lượng ngao đã giảm hẳn, chỉ đạt gần 3 nghìn tấn / năm.

 

Song, đây lại là thời điểm đánh một dấu mốc quan trọng để xuất hiện các “đại gia” ngao và đưa nghề này phát triển theo hướng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Một số người nuôi ngao ở Nam Thịnh (Tiền Hải) đã cất công vào Bến Tre, Tiền Giang mang giống ngao trắng về nuôi thử trên diện tích 5 ha, kết quả cho thấy giống ngao này thích ứng được thời tiết, khí hậu, môi trường ven biển của tỉnh và cho năng suất, giá trị kinh tế cao hơn so với giống ngao dầu của địa phương.

 

Với hướng nuôi giống ngao mới này đã thu hút nhiều hộ dân đầu tư sức lực, tiền của và dần phát triển nuôi trên toàn bộ diện tích vùng bãi triều Tiền Hải, sản lượng tăng lên nhanh chóng, thị trường được mở rộng sang các nước EU, đánh dấu một hướng đi mới trong nghề nuôi ngao vùng ven biển Thái Bình. Năm 2004, diện tích nuôi ngao ở Tiền Hải, Thái Thụy đạt 800 ha, năng suất đạt 10 tấn / ha, tổng giá trị kinh tế đạt 52.117 triệu đồng; đến năm 2009 diện tích nuôi ngao đã tăng lên 1.089 ha, năng suất 21, 58 tấn/ ha, có hộ nuôi đạt 100 tấn / ha, giá trị bình quân đạt 233, 4 triệu đồng / ha.

 

Với nghề nuôi ngao trong những năm qua đã thu hút hàng nghìn lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động theo thời vụ như thu hoạch, vận chuyển, cung cấp con giống, góp phần tích cực cho việc xoá đói, giảm nghèo, làm giầu ở Tiền Hải, Thái Thụy.

 

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì nghề này còn nhiều sự hạn chế để phát triển cao hơn, như chủ yếu nuôi tự phát, thiếu quy hoạch, công tác quản lý bất cập, nhân tạo giống chậm, thị trường tiêu thụ phụ thuộc vào doanh nghiệp tỉnh ngoài...

 

Với thực trạng trên, để khai thác thế mạnh vùng triều ven biển và lợi ích kinh tế mà nghề nuôi ngao đem lại, tránh những rủi ro cho nguời nuôi... cần phải hình thành các vùng nuôi ngao tập trung theo quy hoạch, tạo ra sản phẩm hàng hoá phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Theo đó, ngành nông nghiệp đã đưa ra nhiệm vụ quy hoạch là phải xác định được tiềm năng diện tích mở rộng, diện tích khai thác giống tự nhiên và xây dựng kế hoạch cho từng năm.

 

Bên cạnh đó, khi quy hoạch phải bảo đảm được diện tích vùng triều giành cho giao thông, du lịch, đường vận chuyển sản phẩm ngao; vùng nuôi ngao thương phẩm, nhân giống... Hiện nay, Tiền Hải và Thái Thụy có 9 xã có tiềm năng về diện tích cũng như điều kiện tự nhiên phù hợp với đặc điểm sinh học của ngao, như Nam Hưng 300 ha, Nam Thịnh 1000 ha, Đông Minh 400 ha, Thụy Xuân 300 ha...

 

Các diện tích này, giải pháp đưa ra là giao đất theo hình thức chia cho khẩu, các hộ tự chuyển nhượng dồn đổi cho nhau, bảo đảm quy mô vây nhỏ nhất không dưới 1,5 ha, lớn nhất không quá 3 ha... Với mục tiêu này, để bảo đảm đủ giống cho phát triển nuôi ngao phải quy hoạch, quản lý vùng sinh sản ngao giống tự nhiên ngoài bãi ở xã Đông Minh, Nam Thịnh, ước đạt khoảng 1.200 - 1.500 tấn / năm, đáp ứng 10 - 20% nhu cầu con giống. Đầu tư xây dựng mới 3 trại sản xuất giống thuỷ sản nước lợ, trước mắt trong năm nay xây dựng hoàn thiện trại sản xuất giống nước lợ tại Namon> Thịnh...

 

Song song với việc mở rộng diện tích nuôi ngao thương phẩm và ương giống, ngành nông nghiệp đã đề cập đến quy trình nuôi bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bằng việc tập huấn cho hộ dân nắm vững kỹ thuật, hiểu biết về điều kiện tự nhiên, mức độ tác động của các yếu tố môi trường đến quá trình nuôi ngao.

 

Từ đó xây dựng lịch thời vụ, mật độ nuôi, cỡ giống thả sao cho phù hợp với từng vùng sinh thái để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Đối với thị trường tiêu thụ sẽ duy trì và mở rộng xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước EU; về lâu dài khuyến cáo các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến xuất khẩu ngao tại tỉnh.

 

Từ thực trạng và các giải pháp trên, mục tiêu đặt ra cho năm 2011 tổng diện tích nuôi ngao đạt 1.596 ha, sản lượng ngao thương phẩm 35 nghìn tấn, giá trị 175 tỷ đồng; năm 2015 diện tích nuôi 2.525 ha, trong đó ngao thương phẩm 1.942 ha, ngao giống 583 ha, sản lượng ngao thương phẩm đạt 77 nghìn tấn, bình quân 1 ha đạt 480 triệu đồng; năm 2020 diện tích nuôi đạt 3.228 ha, trong đó ương giống 748 ha, còn lại là nuôi ngao thương phẩm, sản lượng 117 nghìn tấn, bình quân 1 ha thu 564 triệu đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 24%/ năm.

 

Nguyên Bình

  • Từ khóa