Chủ nhật, 11/05/2025, 01:02[GMT+7]

Hệ thống ngân hàng tỉnh Thái Bình Đưa dòng chảy vốn tín dụng về nông thôn

Thứ 6, 27/08/2010 | 10:39:03
921 lượt xem
Quyết định 67/1999/QĐ-TTg Về một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, là động lực đồng thời tạo sức bật thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

Được sự hỗ trợ nguồn vốn ngân hàng nhiều hộ gia đình đầu tư phát triển ngành nghề. Ảnh: Ngọc Linh

Tỉnh Thái Bình gắn việc triển khai QĐ 67 với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết chuyên đề phát triển nông nghiệp, nông thôn; các tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch và triển khai đầu tư theo cụm, xã  theo chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh, vùng quy hoạch hàng hóa chất lượng cao, vùng chăn nuôi tập trung, vùng trồng cây xuất khẩu, vùng khai thác, nuôi trồng thủy sản...

Với việc tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội ký ủy thác hợp đồng vay vốn với Ngân hàng CSXH, thành lập các tổ vay vốn đối với Ngân hàng NN & PTNT đưa nguồn vốn đến những địa chỉ cần vốn.

Kết quả sau hơn 11 năm triển khai thực hiện QĐ 67, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn tỉnh đạt 5.724 tỷ đồng, tăng gấp 11 lần so với năm 1999, chiếm  31,2% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân giai đoạn 2000-2009 đạt 31%.

Hàng chục ngàn lượt hộ nông dân và các đối tượng khách hàng  khác ở nông thôn đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Nhờ nguồn vốn này, nhiều người đã thoát nghèo và làm giàu bằng chính sản phẩm nông nghiệp ngay tại quê hương mình. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm qua từng năm.

Các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay theo 5 chương trình kinh tế của tỉnh đạt 3.412 tỷ đồng; đầu tư phát triển gần 500 trang trại với tổng dư nợ trên 300 tỷ đồng; phát triển nghề và làng nghề  456 tỷ đồng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gần 900 tỷ đồng; phát triển kinh tế biển  897 tỷ đồng; phát triển chăn nuôi 1.261 tỷ đồng...

Nguồn vốn ngân hàng góp phần quan trọng vào tăng năng suất, sản lượng lương thực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển mạnh, góp phần xóa bỏ nạn cho vay nặng lãi, phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Ngân hàng Nông nghiệp & phát triển nông thôn là đơn vị chủ lực, chiếm  70% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Đến 6/2010, dư nợ cho vay đạt 3.485 tỷ đồng, riêng cho vay nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 1.093 tỷ đồng. Ngân hàng CSXH là kênh dẫn vốn đến các đối tượng hộ nghèo, gia đình CSXH ở nông thôn dư nợ 1.522 tỷ đồng;  bao gồm:  Hộ nghèo dư nợ 569 tỷ đồng; cho vay học sinh sinh viên gia đình hộ nghèo, cận nghèo dư nợ 795 tỷ đồng; chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường dư nợ 94 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm 60 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo xóa nhà dột nát 10, 5 tỷ đồng.

Là tỉnh có hệ thống Qũy tín dụng nhân dân đứng thứ 2 cả nước, những năm qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động, giúp hệ thống Qũy TDND phát triển, mở rộng quy mô, tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Giai đoạn 1999 - 2010, hệ thống Qũy TDND đã cho gần 700 ngàn lượt hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống, dư nợ đạt trên 18 ngàn tỷ đồng. Vốn đầu tư của hệ thống Qũy TDND đã góp phần quan trọng cho sản xuất nông nghiệp phát triển, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh thành công nổi bật, việc cho vay theo QĐ 67 vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định.  Trong điều kiện đời sống nhân dân khu vực nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, tài sản của nông dân có giá trị rất thấp, việc Nhà nước có chính sách ưu đãi cho vay không phải bảo đảm bằng tài sản đối với nông dân là một chính sách hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nông dân.

Tuy nhiên, với những biến động của nền kinh tế, ảnh hưởng của lạm phát làm cho chi phí đầu tư xây dựng, chi phí nguyên liệu, cây trồng, con giống, thức ăn... tăng cao rất nhiều so với năm 1999, nên mức cho vay không phải bảo đảm bằng tài sản theo QĐ 67 không còn phù hợp, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn hợp lý của các hộ sản xuất.

Để tiếp vốn cho chương trình xây dựng nông thôn mới, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41 về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn được ban hành tạo cơ chế tín dụng thông thoáng hơn so với QĐ 67, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, đặc biệt là nông dân và cư dân sống ở nông thôn, nâng mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.

Để đáp ứng nguồn vốn phục vụ chính sách tam nông của Chính phủ, ông Đinh Ngọc Thạch, giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết: Sau khi NHNN Chi nhánh Thái Bình triển khai NĐ41 và Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng và tổ chức tín dụng tập trung làm tốt công tác huy động vốn, linh hoạt điều chỉnh lãi suất huy động, làm tốt chính sách khách hàng, gắn huy động vốn với cho vay theo cụm xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân.

NHNN tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng NN & PTNT, Ngân hàng CSXH ký kết giao ước với các tổ chức chính trị xã hội, thực hiện phương châm xã hội hóa hoạt động ngân hàng, đưa NĐ41 và Thông tư 14 của ngân hàng NHVN vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Hà Hoa

  • Từ khóa