Chủ nhật, 04/08/2024, 01:15[GMT+7]

Thái Thụy Nuôi ngao trong đầm nước lợ

Thứ 2, 06/09/2010 | 08:50:56
1,940 lượt xem
Từ trước đến nay, ngư dân đầu tư nuôi ngao thường là ở khu vực bãi triều ven biển chứ ít ai nghĩ đến việc đưa con ngao vào vùng đầm nước lợ để nuôi thả.

Vùng bãi triều ven xã Thụy Xuân - Thái Thụy. Ảnh: Ngọc Trâm

Ở xã Thụy Xuân đã có hai nông dân dám “cả gan” đầu tư hàng trăm triệu đồng đưa con ngao trắng (ngao Bến Tre) vào vùng đầm trước đây vốn là khu vực nuôi tôm Sú. Kết quả, con ngao không chỉ được bảo đảm an toàn mà còn sinh trưởng phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) ở Thái Thụy trước thực trạng các đầm nuôi tôm Sú đang thoái hoá, xuống cấp như hiện nay.

Ngay từ sáng sớm, có mặt tại vùng đầm NTTS ngoài đê của xã Thụy Xuân, tôi đã thấy nông dân Nguyễn Đức Anh trên đầm ngao của mình. Vừa kiểm tra độ mặn của nước trong ao nuôi, anh Anh vừa chỉ tay ra cả vùng đầm rộng hơn 30 ha của mấy chục hộ dân trong xã than thở: cách đây khoảng 20 năm, vùng này trù phú lắm, hàng năm người dân chỉ thu bắt tôm, cua, cá tự nhiên cũng có cả trăm triệu.

Đến năm 2000, phong trào nuôi tôm Sú phát triển mạnh, cả làng đổ xô đi nuôi tôm, những năm đầu còn có lãi, nhưng càng về sau môi trường nước nuôi  bị ô nhiễm tôm chết hàng loạt, nhiều hộ thất thu. 2 năm về trước, quá nửa diện tích đầm bỏ hoang hoá.  Hai vợ chồng bao năm bám biển mà sống, khi thấy cảnh này cũng “ xót xa” lắm nhưng cũng chỉ biết tự bảo nhau cố giữ lấy đầm, tìm đối tượng khác nuôi thả may ra khá hơn.

Nghe thông tin ở Tiền Hải xây dựng thành công mô hình nuôi ngao trong đầm nước lợ, anh tìm sang tận nơi để học tập kinh nghiệm sau đó về cải tạo 1.000m2 đắp bờ chắc chắn, vét lớp bùn đáy, phun cát vào ao với độ dày 10cm rồi lấy nước đưa ngao giống vào thả thử nghiệm. Tổng chi phí giống vốn, đầu tư hạ tầng, cải tạo ao hết hơn 200 triệu đồng nên ban đầu hai vợ chồng lo lắm. Ngày nào anh cũng có mặt ngoài đầm theo dõi các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến ngao nuôi như: đo độ mặn, nhiệt độ nước, độ PH để giữ môi trường ao nuôi luôn ổn định; vào mỗi chu kỳ con nước tháo cạn nước đầm thu dọn vệ sinh, lấy te cào đáy đầm làm thoáng mặt đáy tạo điều kiện cho ngao gia tăng hoạt động bắt mồi, sinh trưởng và phát triển nhanh đồng thời  cấp nước mới bổ sung thức ăn tự nhiên cho ngao nuôi. Kết quả, sau 5 tháng đưa vào nuôi thử nghiệm, 1.000m2 cho thu 2 tấn ngao thương phẩm, giá trị đạt 50 triệu đồng.

Vui mừng hơn, sau thành công mô hình thử nghiệm, năm nay anh Anh được phòng Nông nghiệp & PTNT huyện hỗ trợ vốn khuyến ngư xây dựng mô hình nuôi ngao thương phẩm trong đầm nước lợ trên diện tích 5.000m2, ngoài ra hai vợ chồng nuôi thêm 5.000m2 ngao giống. Đến thời điển này, ngao thương phẩm thả được gần 4 tháng, ngao giống thả gần 1,5 tháng; cả hai đối tượng đều sinh trưởng và phát triển tốt.

Anh không dấu nổi niềm vui, tiết lộ thêm với chúng tôi: “Nếu mô hình thành công thì chỉ trong 2 năm, tôi sẽ thu hồi lại được vốn. Nuôi ngao trong đầm, chi phí lớn nhất là tiền đầu tư cải tạo ao, không mất chi phí thức ăn trong khi các điều kiện môi trường nước nuôi hoàn toàn chủ động điều tiết được, con sống đạt tỷ lệ rất cao khoảng 90%, con nào con ấy đều dày mình, béo hơn ngao nuôi ngoài bãi triều, thu hoạch về đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Tính bình quân, 1 ha đầm nuôi ngao thương phẩm, sau khi trừ chi phí lãi gần 120 triệu đồng”.

Từ thành công từ mô hình nuôi ngao của bạn mình, đầu năm nay anh Hoàng Văn Bọt đã mạnh dạn đăng ký với Chi cục Nuôi trồng thủy sản xây dựng mô hình nuôi ngao thương phẩm trên diện tích 6.000m2. Anh Bọt cho biết: “Ngoài nguồn vốn, kỹ thuật do Chi cục hỗ trợ, đến nay gia đình đã đầu tư khoảng 200 triệu đồng cho ao nuôi. Mặc dù vốn bỏ ra lớn nhưng đến thời điểm này, ngao phát triển tốt nên hai vợ chồng đều rất phấn khởi bởi sau nhiều năm bỏ đầm hoang giờ lại có việc để làm. Từ nay đến cuối năm nếu mọi sự đều thuận, tôi sẽ có nguồn thu cả trăm triệu đồng”.

Hiện nay, Thái Thụy có 1.592 ha nuôi trồng hải sản mặn lợ, trong đó chỉ có 169 ha nuôi ngao vùng bãi triều khu vực xã Thái Đô, còn lại hầu hết diện tích chủ yếu nuôi tôm Sú kết hợp nuôi  thêm các đối tượng khác như: cua, cá, rau câu. Tuy nhiên hiện nay, người nuôi tôm ngày càng phải đối phó với những rủi ro do dịch bệnh, môi trường ao nuôi bị ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh, chất lượng tôm giống giảm sút  nên hiệu quả trong nuôi tôm không cao. Vì vậy, sau thành công của mô hình nuôi ngao trắng trong đầm nước lợ ở Thụy Xuân thì việc nghiên cứu nhân rộng mô hình là rất cần thiết, phù hợp với  điều kiện thực tế  của các vùng nuôi tôm Sú không hiệu quả của huyện, nhất là đối với những vùng đầm NTTS đang thoái hoá, xuống cấp.

Ông Phạm Văn Tân, cán bộ kỹ thuật thủy sản phòng Nông nghiệp &PTNT huyện khẳng định: qua nghiên cứu cho thấy con ngao trắng có đặc tính phân bố, thích ứng rộng trên các bãi triều ở những vùng biển cạn, biên độ chịu mặn lớn, thức ăn chính của ngao là những mảnh vụn hữu cơ và sinh vật phù du nên có thể nuôi hiệu quả trong các vùng đầm của Thái Thụy nếu người nuôi tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật từ khâu cải tạo ao nuôi, chọn giống đến việc chăm sóc và quản lý con nuôi.

Tuy nhiên, đến thời điểm này việc xây dựng thành công mô hình nuôi ngao trong đầm nước lợ ở Thái Thụy mới chỉ là điểm khởi đầu, để chuyển dần những diện tích ao đầm nuôi tôm Sú không hiệu quả sang nuôi ngao vẫn là cả một vấn đề nan giải bởi nuôi ngao trong đầm phải đầu tư vốn cả trăm triệu đồng nên không phải người dân nào cũng có thể nuôi được, nhất là sau nhiều năm lao đao, kiệt quệ cả vốn lẫn lãi vì con tôm Sú.

Vì vậy, yêu cầu đặt ra là: Thái Thụy cần rà soát, đánh giá lại thực trạng các đầm NTTS, vận động nhân dân đa dạng hoá con nuôi, những hộ không có vốn đầu tư  dồn đổi nhượng lại diện tích cho những hộ mạnh dạn đưa con ngao vào đầm kết hợp mở rộng diện tích nuôi thả ngao vùng bãi triều ven biển. Cùng với đó, tỉnh, huyện cần có cơ chế khuyến khích hỗ trợ thêm vốn, giống, kỹ thuật cho những hộ nuôi trên quy mô lớn tạo điều kiện để họ yên tâm đầu tư cho sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần cho nghề NTTS của địa phương phát triển ổn định và bền vững.

Nguyễn Hình 

  • Từ khóa