Thứ 2, 05/08/2024, 13:16[GMT+7]

Tháo gỡ khó khăn cho vùng nuôi trồng thủy sản ở Thái Đô

Thứ 2, 04/10/2010 | 09:58:50
2,095 lượt xem
Thái Đô có 7 km bờ biển, 1 cửa sông lớn, hàng ngàn ha bãi bồi ven biển. Tận dụng lợi thế này, địa phương đã tập trung phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) và trở thành vùng trọng điểm lớn nhất huyện Thái Thụy với diện tích 733,2 ha.

Nông dân xã Thái Đô (Thái Thụy) thu hoạch tôm trên đầm nuôi.

Tuy nhiên, những năm gần đây, việc nuôi trồng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với vùng nuôi tôm Sú, thường xuyên xảy ra dịch bệnh, năng suất giảm dần, rủi ro ngày càng lớn.

Trong số 733,2 ha diện tích NTTS của Thái Đô có 275 ha thuộc vùng dự án chuyển đổi diện tích cấy lúa năng suất thấp sang nuôi tôm Sú do Bộ Nông nghiệp &PTNT đầu tư từ năm 2003. Khi tiếp nhận dự án, người dân ai cũng mừng vui, phấn khởi, coi đây là cơ hội “đổi đời làm nông”.

Từ năm 2004-2005, phong trào nuôi tôm Sú phát triển mạnh kết hợp nuôi thêm cua, cá hiệu quả đạt khá cao, nhiều diện tích gấp từ 4 đến 5 lần cấy lúa. Riêng năm 2004 là năm đầu tiên đưa vào nuôi thả, khoảng 80% số hộ có lãi, nhiều hộ giàu lên nhờ nuôi tôm, nuôi cua.

Thế nhưng, 4 năm trở lại đây, do  khí hậu thay đổi bất thường, nguồn nước  bị ô nhiễm, chất lượng con giống không bảo đảm, mặt khác hệ thống hạ tầng vùng nuôi chưa hoàn chỉnh nên năm nào cũng xuất hiện tình trạng tôm chết, gây thiệt hại cho người nuôi.

Hai năm 2008-2009, sản lượng tôm Sú vùng chuyển đổi chỉ đạt từ 50 đến 60 tấn, quá thấp so với diện tích nuôi trồng, riêng năm 2008 khoảng 40% số hộ mất trắng.  Nhiều gia đình vì con tôm Sú trở nên lao đao, nợ ngân hàng vài chục triệu đồng.

Do phần lớn diện tích đã chuyển sang làm ao đầm nhưng khi đầu tư nuôi trồng không hiệu quả, nhiều hộ chán nản, khoảng 20% hộ dân đã  bỏ đầm  hoặc cho hộ khác làm để đi tìm việc khác. Với vùng đầm biển, do ở ngoài đê nên rủi ro còn lớn hơn, hàng năm số hộ nuôi có lãi chỉ chiếm từ 10 đến 20 %, hộ không có thu chiếm quá nửa.

Để tháo gỡ khó khăn cho vùng NTTS, những năm qua, UBND xã, HTX dịch vụ nông nghiệp đã tích cực vận động nhân dân đa dạng hoá  đối tượng con nuôi nhằm giảm bớt rủi ro. Vùng dự án giai  đoạn I được Nhà nước đầu tư hoàn thiện các hạng mục công trình như: mương máng, trạm bơm, đường giao thông, hệ thống tưới tiêu .

Đầu vụ, huyện phối hợp với xã kiểm soát nguồn giống và thức ăn, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cải tạo ao đầm đúng kỹ thuật, thả đúng mật độ, thực hiện nghiêm các quy trình chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Nhờ vậy, tập quán canh tác có chuyển biến tích cực, ngoài con tôm Sú, bà con kết hợp nuôi tôm Thẻ chân trắng, cua xanh, cá Vược, cá Rô phi đơn tính... để tăng hiệu quả kinh tế.

Ví như vụ tôm Sú Xuân Hè năm 2010, các chủ ao đầm thả đúng mật độ, đúng lịch thời vụ cộng thêm yếu tố thời tiết thuận nên khoảng 80% hộ có thu, mấy chục ha chuyển sang nuôi cá Vược, cua xanh cũng cho hiệu quả kinh tế cao.

Một điều đáng ghi nhận nữa là hiện nay Thái Đô là địa phương đầu tiên, duy nhất của Thái Thụy đã quy hoạch và nuôi thành công 169 ha ngao vùng bãi triều ven biển. Mặc dù là đối tượng mới nhưng nuôi ngao ít xảy ra dịch bệnh, người nuôi ngao bỏ “một đồng vốn thu bốn đồng lời” nên 69 hộ dân và 1 doanh nghiệp đầu tư nuôi thả đều  phấn khởi.

Năm 2009, sản lượng ngao thu hoạch đạt 5.700 tấn, cho giá trị 28,5 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, người nuôi ngao còn thắng hơn khi sản lượng đã đạt 4.250 tấn, bán được giá, tổng thu gần 8 tỷ đồng. Nhiều hộ chỉ sau một vụ ngao lãi vài trăm triệu đồng.

Sau những “thất thoát” của việc nuôi tôm Sú những năm trước đến nay NTTS thủy sản ở Thái Đô đã có những chuyển biến tích cực, chiều hướng phát triển tốt. Tuy nhiên, để lĩnh vực NTTS  phát triển thực sự ổn định, bền vững thì việc xây dựng mục tiêu, giải pháp thực hiện cụ thể trên từng vùng sản xuất là điều cần thiết nhất hiện nay.

Với vùng dự án, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hạng mục công trình: đường giao thông, cầu cống... giai đoạn II để phát huy hết được hiệu quả nuôi trồng. Trong điều kiện cơ sở hạ tầng hiện có vẫn duy trì nuôi tôm Sú, những diện tích khó khăn chuyển sang nuôi các đối tượng khác cho năng suất, hiệu quả cao hơn như: tôm Thẻ chân trắng, cua xanh, cá Vược.

Về lâu dài, tiếp tục thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, vận động xã viên dồn đổi ruộng, góp đất hoặc chuyển nhượng thành những vùng lớn, khuyến khích những hộ có điều kiện đầu tư nuôi công nghiệp, nuôi bằng chế phẩm vi sinh. Tích cực tuyên truyền,  vận động bà con nâng cao ý thức cộng đồng, giữ gìn vệ sinh môi trường vùng nuôi.

Đối với diện tích vùng đầm ven biển, tổ chức quy hoạch, hợp đồng lại với các hộ thuê đất sau khi hết hạn tạo đều kiện cho họ yên tâm đầu tư sản xuất, kết hợp nuôi đa con với trồng rau câu, trồng rừng sinh thái và khai thác cá tự nhiên, chọn một số diện tích bơm cát vào để sản xuất cua giống, ngao giống. Riêng vùng bãi triều cồn Đen hiện nay 169 ha ngao nuôi trồng cho hiệu quả kinh tế rất cao, tiềm năng còn rất lớn nên khảo sát tận dụng lợi thế để mở rộng diện tích...

Mỗi người dân cũng phải nâng cao ý thức, tổ chức sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật hướng dẫn, chịu khó học hỏi, năng động sáng tạo, tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư nuôi thả tập trung, quy mô lớn góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu trên chính ao đầm nhà mình.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa