Thứ 6, 02/08/2024, 13:23[GMT+7]

Phát triển các khu công nghiệp tập trung Giải pháp giúp ngành công nghiệp "cất cánh" thời hội nhập

Thứ 2, 04/10/2010 | 13:59:04
1,432 lượt xem
Chủ trương xây dựng, phát triển các khu công nghiệp (KCN) đã được đề ra từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (năm 2001) và tiếp tục được khẳng định trong các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gần đây. Nghị quyết số 04 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp giai đoạn 2006- 2010 xác định cần tập trung đầu tư phát triển mạnh mẽ CN- TTCN, hình thành một số khu- cụm CN tập trung nhằm tạo sự đột phá, mở đường. Đây đồng thời là giải pháp quan trọng góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ c

Thành phố Thái Bình đang trên đà phát triển Ảnh: Thành Tâm

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình, thời gian qua các ngành chức năng đã phối hợp tham mưu xây dựng Đề án quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho Thái Bình quy hoạch 7 KCN với tổng diện tích 1.213 ha. Trên cơ sở quy hoạch của Chính phủ, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 6/ 7 KCN gồm: KCN Phúc Khánh (129,76 ha), Nguyễn Đức Cảnh (102 ha), Tiền Hải (251 ha), Cầu Nghìn (97,5 ha), Gia Lễ (84,43 ha) và Sông Trà (109 ha).

Nhìn chung các KCN được chọn quy hoạch đều nằm ở vị trí có nhiều lợi thế như gần đường giao thông, gần nguồn cung cấp lao động, gần vùng nguyên liệu, phân bố tương đối rộng tại các huyện, không quá tập trung ở một khu vực. Quy mô các KCN chủ yếu là vừa và nhỏ phù hợp với điều kiện, khả năng phát triển của từng vùng, không làm tăng đột biến về kế hoạch thu hồi đất, bố trí lại dân cư, ảnh hưởng đến vùng sản xuất truyền thống.

Trong số các KCN nói trên thì KCN Phúc Khánh và Nguyễn Đức Cảnh là những mô hình đột phá đầu tiên về triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Để thu hút các nhà đầu tư, thời kỳ đầu tỉnh đã phải sử dụng vốn ngân sách kết hợp với hỗ trợ của Trung ương để xây dựng hạ tầng. Khi môi trường đầu tư có nhiều thuận lợi, tỉnh chuyển trọng tâm sang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia kinh doanh hạ tầng các KCN.

Dây truyền kéo sợi của Công ty cổ phần dệt sợi Đam San (KCN Nguyễn Đức Cảnh - TP) Ảnh: P.V

Đến nay đã huy động được 4 nhà đầu tư tự bỏ vốn hàng trăm tỷ đồng xây dựng hạ tầng KCN và các công trình phụ trợ. Cơ chế thu hồi đất tại các KCN cũng được điều chỉnh theo hình thức “cuốn chiếu”, tức là nhà đầu tư vào đến đâu thu hồi và bàn giao đất tới đó. Cùng với việc quy hoạch và đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các KCN, các ngành chức năng còn tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư và hỗ trợ nông dân bị thu hồi đất phục vụ phát triển KCN.

Điển hình là Quyết định số 52 của UBND tỉnh ngày 25/ 7/ 2002 và Quyết định số 07 của UBND tỉnh ngày 9/ 7/ 2009 về một số chính sách khuyến khích đầu tư tại Thái Bình; Quyết định số 11 của UBND tỉnh ngày 14/ 8/ 2009 về một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến NSTP giai đoạn 2009- 2015; Quyết định số 12 của UBND tỉnh ngày 14/ 8/ 2009 về một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào cụm CN Mỹ- Xuyên...

Ngoài ra, hàng năm tỉnh còn thành lập quỹ khuyến công, mỗi năm trích hàng tỷ đồng từ ngân sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đào tạo lao động, tiếp cận công nghệ mới, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường; xây dựng đề án dân sinh, giải quyết việc làm đối với các hộ dân bị thu hồi đất phục vụ phát triển công nghiệp. Nhờ vậy đến nay 4/ 6 KCN gồm Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Tiền Hải và Gia Lễ đã cơ bản lấp đầy diện tích theo quy hoạch; các KCN còn lại là Sông Trà và Cầu Nghìn cũng đã thu hút từ 1- 3 dự án đầu tư, trong đó có dự án trị giá hàng chục triệu USD.

Tính đến giữa năm 2010 đã có 130 dự án đầu tư vào 6 KCN, trong đó KCN Phúc Khánh thu hút 47 dự án, KCN Nguyễn Đức Cảnh thu hút 38 dự án, KCN Tiền Hải thu hút 34 dự án, KCN Gia Lễ thu hút 7 dự án, KCN Cầu Nghìn thu hút 3 dự án và KCN Sông Trà thu hút 1 dự án. Tổng vốn đầu tư của các dự án nói trên lên tới 8.836 tỷ đồng, trong đó có 35 dự án FDI với số vốn đăng ký chiếm 3.642 tỷ đồng.

Cùng thời gian này Thái Bình đã thu hồi hơn 500 ha đất phục vụ cho việc quy hoach các KCN, trong đó đã cho doanh nghiệp thuê 348 ha để xây dựng nhà máy xí nghiệp. Đến nay đã có 108 dự án hoàn thành xây dựng, chính thức đi vào hoạt động với tổng số vốn thực hiện khoảng 6.700 tỷ đồng.

Nhìn chung số vốn đăng ký bình quân của mỗi dự án tăng đều qua các năm theo hướng năm sau cao hơn năm trước; năm 2003 khoảng 18,5 tỷ đồng/ 1 dự án thì nay đã tăng lên gần 48 tỷ đồng/1 dự án. Cá biệt có dự án quy mô vốn lên tới 53 triệu USD, tương đương 890 tỷ đồng, đó là dự án Nhà máy luyện và cán thép của Công ty TNHH thép đặc biệt Shengli tại KCN Cầu Nghìn.

Đa số các dự án sau đầu tư đều đi vào sản xuất và thực hiện đúng các chỉ tiêu theo đăng ký, chỉ có một số ít dự án phải chuyển đổi chủ đầu tư hoặc thay đổi mục tiêu đầu tư. Các dự án đã đi vào sản xuất tương đối đa dạng về ngành nghề, trong đó may mặc chiếm khoảng 10,23%, dệt sợi chiếm khoảng 12%, cơ khí- điện tử chiếm 26,78%, chế biến NSTP chiếm 4,73%, sành sứ- thuỷ tinh- VLXD chiếm 20,47%, bao bì chiếm 4%, các ngành khác chiếm 22% Việc quy hoạch, xây dựng các KCN không chỉ góp phần thu hút ngày càng nhiều các dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh mà còn đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Nếu như năm 2003 mới có 26 dự án đầu tư vào KCN đi vào sản xuất với giá trị sản lượng 70 tỷ đồng, chiếm 3% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp thì đến năm 2008 đã có 93 dự án đi vào sản xuất mang lại giá trị sản lượng trên 1.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,38%. Tính đến hết tháng 6/ 2010 đã có 108 dự án đi vào sản xuất với giá trị sản lượng 6 tháng đầu năm đạt 1.240 tỷ đồng, cao hơn cả năm 2008.

Ngoài ra, các dự án trong KCN đang tạo việc làm cho khoảng 44.000 lao động và đẩy tỷ trọng CN- XDCB chung toàn tỉnh từ 19,35% năm 2003 lên khoảng 37% của năm 2010.

Vũ Mạnh

  • Từ khóa