Thứ 2, 01/07/2024, 13:17[GMT+7]

Phát triển giao thông đường bộ Nút nhấn cho tốc độ kinh tế năm 2010

Thứ 6, 31/12/2010 | 18:23:33
2,193 lượt xem
Như vậy là sau dấu ấn lịch sử phá thế "ốc đảo" của cầu Tân Đệ, cầu Triều Dương, cầu Quý Cao…, Thái Bình lại có thêm một cây cầu vượt sông lớn, nối liền Thái Bình với các tỉnh bạn, đặc biệt là tạo mối liên hệ mật thiết với vùng tam giác tăng trưởng kinh tế.

Trên công trường xây dựng cầu Hiệp. Ảnh: Thành Tâm

Năm 2010, vượt qua mọi khó khăn, thách thức từ bối cảnh chung của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới cũng như trong nước… nền kinh tế của Thái Bình vẫn đạt tốc độ tăng trưởng hai con số cao nhất từ trước tới nay: 14% - mức tăng khá so với các tỉnh bạn. Đạt được kết quả khả quan này, không thể không kể đến vai trò quan trọng của ngành GTVT - ngành kinh tế kỹ thuật "đi trước mở đường" cho kinh tế - xã hội phát triển.

Riêng trong năm 2010, hàng loạt dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm có ý nghĩa chiến lược được triển khai thực hiện, không chỉ tạo bước đột phá trong phát triển mạng lưới giao thông đường bộ của một tỉnh vốn xưa là "ốc đảo", mà điều có ý nghĩa hơn là tạo nút nhấn thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế, rút ngắn khoảng cách tiến tới mục tiêu xây dựng tỉnh nông thôn mới.    

Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, sau quá trình triển khai thực hiện đúng các quy định về đầu tư xây dựng theo hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao), dự án tuyến đường bộ nối hai tỉnh Hà Nam - Thái Bình với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật thi công và cắm cọc giải phóng mặt bằng (GPMB), bàn giao cho Hội đồng đền bù GPMB các huyện Hưng Hà, Đông Hưng, Quỳnh Phụ.

Đây thực sự là hướng mở cho "lối ra" đối lưu kinh tế vốn đang trong "thế bí" của khu vực phía Bắc tỉnh. Bởi làm một phép tính nhanh, chi phí vận tải sẽ tăng gấp đôi nếu các huyện phía Bắc tỉnh Thái Bình vẫn phải sử dụng những lộ trình truyền thống trên Quốc lộ 39 và Quốc lộ 10 để giao lưu kinh tế với các tỉnh lân cận.

Với tổng vốn đầu tư 2.347 tỷ đồng, tuyến đường bộ nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được xây dựng quy mô cấp II đồng bằng hoàn chỉnh; tổng chiều dài 26,2km; điểm đầu đấu nối với cầu vượt sông Hồng, điểm cuối giao với QL10 tại khu vực xã An Vinh (Quỳnh Phụ).

Khi tuyến đường này được xây dựng hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng sẽ nâng cao mật độ đường chính của khu vực phía Bắc, tạo sự cân bằng về mật độ đường cấp cao giữa các huyện trong tỉnh; giảm tải và rút ngắn hành trình khi phải qua các tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 21, Quốc lộ 39.

Và chính sự rút ngắn hành trình này không chỉ tạo điều kiện thu hút đầu tư cho khu vực phía Bắc tỉnh nói riêng, giúp các địa phương nằm trong khu vực này phát huy thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng, mở rộng giao lưu đối ngoại…; mà còn kết nối trực tiếp Thái Bình với Hà Nam và đường cao tốc Bắc Nam, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và vững chắc.

Cùng với dự án xây dựng tuyến đường bộ này, Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép triển khai xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng nối hai tỉnh Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Quy mô cầu vượt sông Hồng xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực với tổng chiều dài 2.846,6m (trong đó phần cầu dài 2.159,1m, đường dẫn dài 687,35m), tổng bề rộng mặt cắt 23m tương ứng với quy mô mặt cắt ngang đường phía Thái Bình; tổng vốn đầu tư 2.040 tỷ đồng.

Nằm trong số các dự án lớn triển khai thực hiện bằng hình thức BT còn phải kể đến dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường 39B đoạn từ Thị trấn Thanh Nê - Kiến Xương đến Thị trấn Diêm Điền - Thái Thụy.

Với tổng mức đầu tư 2.072 tỷ đồng, toàn tuyến đường dài khoảng 28,9 km sẽ được cải tạo nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng. Công trình khởi công tháng 10/2010, đã thực hiện thiết kế thi công, hoàn thành công tác rà phá bom mìn, cắm cọc GPMB và bàn giao cho Hồi đồng đền bù các huyện Kiến Xương, Tiền Hải và Thái Thụy; hiện đang thi công 4km đoạn tránh Thị trấn Thanh Nê - Kiến Xương…

Cũng trong năm 2010, còn rất nhiều dự án giao thông đường bộ do Bộ quản lý thực hiện đầu tư trên địa bàn có ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Điển hình như dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 39 từ Triều Dương đến Diêm Điền, dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 10 từ La Uyên đến Tân Đệ.

Với hệ thống giao thông đường bộ hình thành trên hai trục Quốc lộ quan trọng là trục dọc theo Quốc lộ 10 và trục ngang theo Quốc lộ 39, thì việc triển khai hai dự án đầu tư này đồng nghĩa với việc tạo tiền đề thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Bình ngày càng nhanh và bền vững hơn. Đặc biệt, "động thái" xóa "nút cổ chai" của đoạn tuyến Quốc Lộ 10 từ La Uyên đến Tân Đệ sẽ càng làm phát huy tối đa hơn lợi thế của một hành lang vận tải chính bảo đảm sự thông thương giữa hai khu vực phía Đông và Tây tỉnh; đồng thời tăng thêm mối liên hệ mật thiết, sự giao lưu kinh tế đối ngoại giữa các tỉnh Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quốc lộ 18. Khi chưa có tuyến cao tốc thì đây là tuyến hành lang duy nhất gần biển của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Bên cạnh đó, một số dự án do tỉnh quản lý như dự án xây dựng cầu Hiệp với tổng mức đầu tư 245,4 tỷ đồng, dự án đường bờ Nam sông Kiên Giang với tổng mức đầu 193,3 tỷ đồng, dự án xây dựng đường vành đai phía Nam Thành phố với tổng mức đầu tư 188,18 tỷ đồng, dự án xây dựng đường ra Cồn Đen huyện Thái Thụy, đường Thái Thủy - Thái Thịnh, đường 221A, đường 223, đường 222… đã và đang chuẩn bị khởi công cũng góp phần tạo một mạng lưới giao thông ngày càng hoàn thiện hơn, thông suốt hơn, mang lại hiệu quả cao hơn.

Tận dụng tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có cộng với tăng cường đầu tư xây dựng công trình mới bằng nhiều nguồn vốn, phương châm này Thái Bình đã thực hiện ngay từ những năm 90 thế kỷ 20 và đã trở thành địa phương đi đầu cả nước trong phong trào điện - đường - trường - trạm.

Dấu ấn của một thời vang bóng ấy đã khẳng định vai trò quan trọng đi trước mở đường, tạo tiền đề, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của ngành GTVT. Hướng tới tương lai Thái Bình trở thành tỉnh nông thôn mới, từng bước hòa nhập vào sự phát triển chung của vùng và cả nước, không có con đường nào khác là tiếp tục tạo đà tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, nông nghiệp theo hướng hiện đại…

Và để có ngày mai ấy, phải bắt đầu từ ngày hôm nay - từ việc đi trước một bước trong đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung.

 TB


  • Từ khóa