Chủ nhật, 11/08/2024, 16:19[GMT+7]

Hiệu quả bước đầu từ Đề án 1816 ở Thái Bình

Thứ 6, 25/03/2011 | 14:26:38
1,461 lượt xem
Theo Quyết định số 1816/2008/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc triển khai Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (gọi tắt là Đề án 1816)”, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình đã tổ chức tiếp nhận đợt tăng cường đầu tiên tại Khoa Chấn thương từ Bệnh viện Việt- Đức.

Kỹ thuật mổ sống lưng được chuyển giao thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Đây là đợt tăng cường có thời hạn ba tháng của bệnh viện tuyến trên, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là tỉnh nông nghiệp Thái Bình còn thiếu cán bộ y tế. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến vấn đề chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ với mục đích là nâng cao tay nghề cho cán bộ y, bác sĩ của tỉnh.

Tiến sĩ Đinh Ngọc Sơn, Phó Trưởng khoa Chấn thương cột sống Bệnh viện Việt- Đức Hà Nội, cán bộ tăng cường theo Đề án 1816 cho biết: Sau gần 3 tháng tăng cường tại bệnh viện, chúng tôi đã chuyển giao các kỹ năng trong phẫu thuật cột sống như: Tư vấn về con người để triển khai phẫu thuật cột sống; Chuyển giao chỉ định quy trình kỹ thuật mổ chấn thương cột sống thắt lưng và chẩn đoán chỉ định kỹ thuật mổ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng- cùng. Nhìn chung, các cán bộ tiếp nhận chuyển giao về kiến thức, kỹ năng của đơn vị đều có thái độ tiếp thu một cách nghiêm túc và có chuyển biến tích cực trong việc áp dụng vào thực hiện thực tế tại bệnh viện.

Đề án 1816 của Bộ Y tế là một giải pháp quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, góp phần đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các vùng trong cả nước. Bác sĩ Hoàng Thanh Bình- Trưởng khoa Chấn thương Bệnh viện Đa khoa tỉnh mong muốn: Với thời gian chỉ gần 3 tháng, nhưng Khoa đã thực hiện trên 20 ca phẫu thuật cột sống (15 ca thoát vị đĩa đệm) một cách thành công và tiếp nhận được những kỹ thuật mổ hiện đại. Trong thời gian tới, Khoa Chấn thương cũng như bệnh viện rất cần các đợt tăng cường những lần tiếp theo của ngành Y tế theo Đề án để cán bộ y, bác sĩ của khoa từng bước được tiếp nhận những kỹ năng mới trong khám và điều trị cho bệnh nhân. Về lâu dài, có thể tự xử trí những ca bệnh phức tạp mà không cần phải hỗ trợ hay chuyển tuyến trên, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân ở địa phương.

Tuy mới chỉ là những kết quả ban đầu, nhưng điều đó thể hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế không chỉ là giải pháp góp phần quan trọng vào việc giải quyết bài toán về nhân lực của ngành Y tế, mà nó còn mang đậm tính nhân văn, thể hiện truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam; đồng thời, khẳng định Đề án 1816 là một chủ trương hết sức đúng đắn, phù hợp với ý Đảng và lòng dân./.

Tin, ảnh: Lê Sơn

(TTXVN tại Thái Bình)

 

  • Từ khóa