Thứ 3, 23/07/2024, 16:23[GMT+7]

Phát triển nuôi trồng thủy sản Các giải pháp đồng bộ trong phòng chống dịch bệnh

Thứ 6, 01/04/2011 | 07:59:25
1,548 lượt xem
Các vật nuôi thuỷ sản chủ yếu là ngao, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, cá vược, cá song, trê lai, rô đồng... Thực tế cho thấy, khi diện tích nuôi và số lượng nuôi tăng cao thì dịch bệnh, ô nhiễm ao, hồ, đầm ngày càng tăng.

Vùng bãi triều nuôi trồng hải sản huyện Tiền Hải. Ảnh: Thành Tâm

Trong những năm gần đây, nuôi trồng thuỷ sản của Thái Bình phát triển khá mạnh cả về thuỷ sản nước mặn, lợ và ngọt. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, năm 2010 tổng diện tích nuôi đạt trên 13 nghìn ha, trong đó nước mặn 1.089 ha, nước lợ 3.658 ha, thuỷ sản nước ngọt 8.594 ha...Diện tích nuôi tập trung chủ yếu ở 21 xã của huyện Thái Thụy và Tiền Hải.

 

Do tăng nhanh cả về diện tích và số lượng vật nuôi nên tình trạng ô nhiễm, lây lan dịch bệnh ở các ao, vùng, đầm cũng tăng theo. Để chủ động phòng chống dịch bệnh, khai thác triệt để tiềm năng mặt nước, mặn, lợ, ngọt, khuyến khích người nuôi  yên tâm đầu tư mở rộng diện tích, thời gian qua Chi cục Thú y đã tập trung nhân lực, vật lực phòng chống dịch bệnh động vật thuỷ sản, đồng thời có các giải pháp đồng bộ cho thời gian tới.

 

Các vật nuôi thuỷ sản chủ yếu là ngao, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, cá vược, cá song, trê lai, rô đồng... Thực tế cho thấy, khi diện tích nuôi và số lượng nuôi tăng cao thì dịch bệnh, ô nhiễm ao, hồ, đầm ngày càng tăng. Nguyên nhân do giống được nhập từ các nơi về nên không kiểm soát hết được xuất xứ con giống, dịch bệnh; một diện tích nuôi bị bệnh thì các diện tích khác rất dễ nhiễm, do lây lan từ nguồn nước, thức ăn...

 

Để từng bước phòng, kiểm soát, thanh toán triệt để nguồn bệnh, góp phần cho nuôi trồng thuỷ sản phát triển an toàn, bền vững. Chi cục Thú y đã thường xuyên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thú y thuỷ sản từ Chi cục đến mạng lưới cơ sở.

 

Năm qua, Chi cục đã mời chuyên gia bệnh học thuỷ sản của Viện nghiên cứu thuỷ sản I về tập huấn cho toàn bộ cán bộ chuyên môn; mở 15 lớp tập huấn thú y thuỷ sản cho 1.498 cán bộ thú y cơ sở. Do đó, các Ban chăn nuôi thú y xã đã tích cực thực hiện công tác thú y thuỷ sản ở cơ sở; công tác giám sát, báo cáo và xử lý dịch bệnh dần đi vào nền nếp, có hiệu quả.

 

Để phòng, ngăn ngừa dịch bệnh ngay từ khâu sản xuất, vận chuyển giống thuỷ sản, Chi cục đã thành lập hai đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định kiểm dịch, thủ tục sản xuất. Kết quả có 100% số hộ đều ký cam kết không vận chuyển tôm sú, tôm thẻ chân trắng giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch; hầu hết các cơ sở đều có giấy phép đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều cơ sở chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và vệ sinh thú y thuỷ sản.

 

Theo kiểm tra, khảo sát của Chi cục, năm 2010 dịnh bệnh vẫn còn xuất hiện trên cá, tôm. ông Đỗ Quý Phương, Chi cục phó Chi cục Thú y cho biết, tháng 4/2010 tại xã Thụy Trường (Thái Thụy) có hiện tượng cá vược chết bất thường với tỷ lệ cao ở 15 ha. Qua kiểm tra, mổ khám, nguyên nhân cá chết do bị nhiễm vi khuẩn đường tiêu hoá từ thức ăn tươi sống không bảo đảm và môi trường ao bị ô nhiễm. Chủ hộ nuôi không quản lý chặt diện tích ao có cá bị nhiễm bệnh nên đã lây lan ra diện rộng.

 

Ngoài ra, tháng 9/2010 tại trại sản xuất giống cá rô phi ở Duyên Hải (Hưng Hà) cũng đã   xảy  ra  hiện tượng cá chết  hàng  loạt, khoảng 2 tấn. Qua xác minh, nguyên nhân cá chết do vi khuẩn Streptococus gây ra. Trước hai hiện tượng trên, Chi cục đã hướng dẫn hộ nuôi xử lý: Trộn thuốc Tiên Đắc và một số kháng sinh trị bệnh đường tiêu hoá vào thức ăn cho cá, đồng thời kết hợp xử lý nguồn nước;  tiêu huỷ cá chết, khử trùng môi trường ao, bổ sung vitamin C...

 

Do đó, sau một tuần dịch bệnh đã ổn định, không phát sinh thêm, cá phát triển bình thường. Hay bệnh trên tôm sú cũng đã xảy ra ở một số hộ xã Nam Cường, Đông Minh (Tiền Hải), Thái Đô (Thái Thụy), với diện tích 28,2 ha. Theo kết quả xét nghiệm có 10/17 mẫu tôm bệnh dương tính với bệnh đốm trắng. Toàn bộ diện tích ao nuôi tôm đã được Sở Nông nghiệp & PTNT cấp cho 840 kg hoá chất Chlorine để xử lý. Để xảy ra dịch bệnh trên cá, tôm,  một phần do nhận thức của các hộ nuôi còn hạn chế về công tác thú y; khi mua con giống thả không quan tâm đến nguồn gốc.

 

Mặt khác, do chính quyền một số xã chưa thực sự vào cuộc trong việc phòng chống dịch bệnh động vật thuỷ sản trên địa bàn quản lý. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ thú y từ tỉnh đến cơ sở mới được tập huấn về chuyên môn nên không có kinh nghiệm nhiều...

 

Để hướng tới môi trường nuôi an toàn, góp phần cho ngành thuỷ sản phát triển ổn định, bền vững, Chi cục Thú y đã xây dựng các giải pháp đồng bộ từ kiểm dịch giống động vật thuỷ sản sản xuất trong tỉnh đến vận chuyển từ tỉnh ngoài vào; tăng cường thanh tra, quản lý thuốc thú y thuỷ sản. Theo đó, Chi cục đã thành lập các đội kiểm tra lưu động, đồng thời phối hợp với các chốt kiểm dịch của tỉnh để kiểm soát chặt chẽ nguồn giống nhập từ tỉnh ngoài về. Thực hiện kiểm dịch tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, ngao và phúc kiểm tôm sú giống nhập; kiểm dịch từng loài cá truyền thống nước ngọt.

 

Ngoài ra, còn kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y ở cơ sở sản xuất giống, cơ sở kinh doanh thuốc thú y và thức ăn cho động vật thuỷ sản. Duy trì các hoạt động chẩn đoán, xét nghiệm một cách chính xác, kịp thời về bệnh đốm trắng, tôm còi ở tôm sú; giám sát dịch bệnh liên tục các tháng trong năm. Bên cạnh việc xử lý dịch bệnh, Chi cục sẽ nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất để phòng tránh bệnh, như kỹ thuật  làm nền, xử lý đáy ao, lấy nước trước khi  nuôi; kỹ thuật xử lý ao có dịch...

           

Nguyên Bình

  • Từ khóa