Thứ 2, 12/08/2024, 16:30[GMT+7]

Thực trạng và giải pháp phát triển hệ thống chợ

Thứ 2, 09/05/2011 | 10:31:06
2,334 lượt xem
Trong định hướng, quy hoạch phát triển mạng lưới chợ đến năm 2020, dự kiến trên địa bàn toàn tỉnh sẽ có khoảng 281 chợ các loại với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 450 tỷ đồng. Vì vậy ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách,  UBND tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế để kêu gọi các thành phần kinh tế khác cùng tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ.

Chợ Khô - Đông Hưng.

Từ lâu trên địa bàn tỉnh đã hình thành rất nhiều chợ. Đây không chỉ là nơi mua bán hàng hoá mà còn là nơi để người dân giao lưu, gặp gỡ, trao đổi vì thế chợ như một điểm hẹn văn hoá chốn thôn quê. Ngày nay, bên cạnh các loại hình chợ truyền thống còn xuất hiện nhiều loại hình chợ mới như chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ ẩm thực... Sự phát triển đa dạng cả về quy mô và hình thức của hệ thống chợ đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy thương mại nội địa phát triển, nhất là ở khu vực nông thôn.

 

Tính đến hết năm 2010, trên địa bàn tỉnh hiện có 233 chợ, trong đó có 2 chợ loại I, 41 chợ loại II và 190 chợ loại III. Hơn 80% số chợ hiện có phân bố ở khu vực nông thôn; khu vực thành thị chỉ có 46 chợ, chiếm tỷ lệ 19,74%. Tuy nhiên, sự phân bố các chợ cũng không đồng đều, có những xã, phường có tới 2 chợ, song có nơi vài ba xã liền kề mà chưa hình thành được chợ. Tổng quỹ đất dành cho hệ thống chợ hiện là 600.000m2, trung bình khoảng 2.700m2/ chợ. Về cơ sở vật chất tại các chợ nói chung còn khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu. Tổng diện tích xây dựng tại các chợ hiện mới đạt 28.000m2.

 

Toàn tỉnh chỉ có 38 chợ (chiếm 16,3%) được xây dựng kiên cố, còn lại 45% số chợ xây dựng bán kiên cố và 39% số chợ trong tình trạng dựng lều tạm, thậm chí họp ngoài trời không có lều che. Về tổ chức quản lý, hiện có 7 chợ đang áp dụng mô hình quản lý doanh nghiệp, 24 chợ có ban quản lý, 102 chợ có tổ quản lý, 89 chợ áp dụng cơ chế khoán và có tới 11 chợ chưa áp dụng hình thức quản lý nào, hoạt động hoàn toàn tự phát. Về hình thức họp, đa số các chợ họp hàng ngày, còn lại có chợ chỉ họp theo phiên, có chợ vài ba ngày họp một lần...

 

Hiện có gần 40.000 người đang tham gia kinh doanh buôn bán tại các chợ, trong đó số buôn bán cố định, thường xuyên chiếm khoảng 43,5%, còn lại là kinh doanh không thường xuyên. Trung bình mỗi chợ có khoảng 170 hộ kinh doanh buôn bán. Sản phẩm được đưa ra trao đổi, mau bán tại chợ rất đa dạng từ các mặt hàng phục vụ sản xuất như cuốc, xẻng, liềm, giống cây- con, phân bón... đến các mặt hàng tiêu dùng như quần áo, lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng... Tuy nhiên phần lớn các sản phẩm bày bán tại chợ đều là các nông sản và sản phẩm thủ công mang tính đặc trưng của từng vùng, đa số do người nông dân trực tiếp sản xuất ra và đem bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Hình thức bán buôn chủ yếu diễn ra ở các chợ đầu mối, chợ chuyên doanh và các chợ ở khu vực thành thị.

  

 Mặc dù giữ vị trí và vai trò quan trọng góp phần phát triển thương mại- dịch vụ, nhất là ở khu vực nông thôn nhưng nhìn chung hệ thống chợ vẫn còn nhỏ bé và sơ sài, cơ sở vật chất tại hầu hết các chợ còn quá thô sơ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Vị trí một số chợ chưa phù hợp với quy hoạch, điều kiện vệ sinh môi trường, hệ thống cấp- thoát nước, bãi chứa rác chưa được quan tâm đúng mức. Gần nửa số chợ vẫn chưa có bộ máy quản lý, trên 85% số cán bộ quản lý chợ chưa được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ...

  

Trong định hướng, quy hoạch phát triển mạng lưới chợ đến năm 2020, dự kiến trên địa bàn toàn tỉnh sẽ có khoảng 281 chợ các loại gồm 29 chợ loại I, 79 chợ loại II và 173 chợ loại III. Giảm bán kính phục vụ trung bình mỗi chợ xuống còn 2km/ chợ và duy trì số lượng dân cư trung bình cho mỗi chợ khoảng 7.000- 8.000 người. Phấn đấu tăng tỷ lệ hàng hoá và dịch vụ lưu thông qua các chợ chiếm 55% vào năm 2015 và 30% vào năm 2020. Từng bước xoá bỏ các chợ tạm, nền đất, mái tranh, tăng số lượng chợ xây dựng kiên cố và bán kiên cố.

 

Đối với khu vực thành thị cần hạn chế xây mới các chợ ở khu vực nội thành; lựa chọn để nâng cấp, cải tạo một số chợ quy mô lớn hiện có thành các chợ trung tâm quy mô loại I hoặc các khu thương mại- dịch vụ tổng hợp, từng bước chuyển hoá các chợ dân sinh loại nhỏ thành các siêu thị hạng III hoặc các cửa hàng thực phẩm. Đối với khu vực nông thôn sẽ nâng cấp, cải tạo hoặc xây mới các chợ thị trấn, thị tứ thành chợ trung tâm loại I và loại II, các chợ còn lại sẽ tập trung nâng cấp, cải tạo theo hướng kiên cố và bán kiên cố.

 

Để hoàn thành mục tiêu xây mới và cải tạo hệ thống chợ theo kế hoạch đòi hỏi một lượng kinh phí rất lớn. Dự kiến giai đoạn 2011- 2015 cần khoảng 250 tỷ đồng và giai đoạn 2016- 2020 cần thêm 208 tỷ đồng. Vì vậy ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách, tới đây UBND tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế để kêu gọi các thành phần kinh tế khác cùng tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ, khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng chợ theo hình thức BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao). Ngoài ra, cần có thêm cơ chế hỗ trợ về đất đai, ưu đãi về thuế, san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật (điện, nước sạch, thông tin liên lạc)... Có như vậy, mới đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng, kinh doanh chợ.

Vũ Mạnh

  • Từ khóa