Chủ nhật, 25/05/2025, 11:08[GMT+7]

Tháo gỡ khó khăn cho các điểm bưu điện văn hoá xã

Thứ 2, 13/06/2011 | 15:20:59
2,957 lượt xem
Năm 1998, hàng loạt các điểm bưu điện văn hoá xã ( BĐVHX) trong cả nước nói chung, ở Thái Bình nói riêng được đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện cho người dân nông thôn hưởng thụ các dịch vụ bưu chính viễn thông và tiếp cận thông tin qua sách báo. Mục tiêu hướng tới của mô hình này là nâng cao đời sống tinh thần, góp phần phát triển KT-XH vùng nông thôn. Song, những năm gần đây, thực tế hoạt động kém hiệu quả, đã dẫn tới nguy cơ” đóng cửa”. Không ít điểm BĐVHX hoạt động cầm chừng

Toàn tỉnh hiện có 232 điểm BĐVHX tạo thành một kênh cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích phục vụ vùng nông thôn. Trước đây, khi dịch vụ viễn thông chưa được phổ cập, phần lớn doanh thu của các điểm BĐVHX là doanh thu viễn thông.

 

Bình quân một tháng, mỗi điểm phục vụ người dân gọi điện thoại đạt từ 4 đến 5 triệu đồng, thậm chí có điểm đạt từ 8 đến 10 triệu đồng nhưng cho đến nay, do sự phát triển đa dạng của các loại điện thoại cố định (có dây và không dây), di động, Internet…. nên nguồn thu này đã giảm hẳn. Cùng với đó, nhu cầu của khách hàng đối với các dịch vụ bưu chính truyền thống ngày càng ít đi. Sách báo được trang bị đầy đủ nhưng dường như bà con không quan tâm mấy đến kênh thông tin này nên càng về sau lượng người tìm đến đọc càng ít. Do đó, thực trạng đáng buồn trong nhiều năm là hàng ngày điểm BĐVHX mở cửa 8 tiếng chỉ để phục vụ những dịch vụ bưu chính viễn thông cốt lõi,  nhân viên thụ động ngồi “chờ” khách hàng đến sử dụng dịch vụ. Doanh thu của các điểm BĐVHX vì thế cũng ngày càng giảm, có những điểm chỉ đạt vài trăm ngàn đồng/tháng, kéo theo đó là thu nhập nhân viên quá thấp không bảo đảm cuộc sống, phát sinh tư tưởng chán nản muốn bỏ nghề.

 

Thậm chí, từ năm ngoái đến nay, toàn tỉnh có 12 điểm BĐVHX tạm thời đóng cửa do nhân viên tự bỏ làm hoặc không bảo đảm các điều kiện kinh doanh bị Bưu điện tỉnh chấm dứt hợp đồng. Nhiều điểm BĐVHX xuống cấp, nhưng không có kinh phí để sửa chữa, sách báo được đầu tư nhưng xếp đống để đấy dẫn đến mục nát, hư hỏng rất lãng phí.

 

Loay hoay tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn

 

Chị Nguyễn Thị Chung, Trưởng phòng Kinh doanh Bưu chính cho biết: trước những khó khăn trên, từ năm 2010 đến nay, Bưu điện tỉnh đã đưa ra giải pháp: Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả phục vụ và kinh doanh tại điểm BĐVHX. Theo đó, việc điều hành quản lý được phân theo 3 cấp theo dõi chặt chẽ mọi kết quả hoạt động kinh doanh của các điểm BĐVHX. Giờ mở cửa được quy định lại, giảm từ 8 tiếng  xuống còn 6 tiếng/ngày làm việc. Giờ còn lại, nhân viên tăng cường đi tiếp xúc với khách hàng để phát triển dịch vụ tại địa chỉ, chăm sóc khách hàng sử dụng dịch vụ, tuyên truyền công tác văn hoá xã khi được điều động.

 

Ngoài dịch vụ Bưu chính cốt lõi, Bưu điện tỉnh đã tăng cường mở rộng các dịch vụ thu hộ, thu cước viễn thông, trông coi trạm BTS, bán bảo hiểm Bưu điện, bảo hiểm Nhân thọ Bưu chính, bán sách giáo khoa, văn phòng phẩm, lịch, tìm và giới thiệu hợp đồng bảo hiểm con người… và tổ chức bán hàng tới tận địa chỉ của khách hàng để bảo đảm hoạt động kinh doanh, nâng cao thu nhập cho nhân viên.

 

Cùng với đó, đơn vị thực hiện kế hoạch giao khoán doanh thu cho các điểm, việc chi trả thù lao cho nhân viên theo mức độ hoàn thành công việc. Thực hiện giải pháp này hơn 1 năm qua, kết quả bước đầu cho thấy doanh thu của một số dịch vụ phát sinh đã tăng hơn trước.

 

Một số điểm BĐVHX nhân viên năng động, mức lương của họ cũng được bảo đảm từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên con số này vẫn còn quá ít, phần lớn các điểm vẫn hoạt động cầm chừng, thu không đủ bù chi. Ví dụ trong tháng 3/2011, doanh thu của 220 điểm BĐVHX trong toàn tỉnh ( trừ 12 điểm đóng cửa) là 108 triệu đồng, bình quân mỗi điểm chỉ đạt 490 nghìn đồng. Nhiều người chạy đôn chạy đáo phát bưu phẩm, bán card điện thoại, thu tiền điện thoại, Internet…. nhưng thu nhập vẫn chẳng đáng là bao.

 

Bình quân lương tháng 3/2011 của mỗi nhân viên điểm BĐVHX trong toàn tỉnh đạt 1,2 triệu đồng thực sự là quá thấp so với mặt bằng giá cả hiện nay. Chị Lê Thị Thoa, nhân viên điểm BĐVHX Tân Bình ( Thành phố) chia sẻ "  Điểm kinh doanh này đặt ngay tại trung tâm xã, cổng trường đại học nhưng kinh doanh cũng không hiệu quả.  Điện thoại di động phát triển nhanh nên từ năm 2008 đến nay không còn người sử dụng điện thoại cố định nữa, bán tem thư, chuyển phát nhanh thì chỉ có lúc sinh viên chuyển hồ sơ về nhà, còn  kinh doanh các dịch vụ khác không cạnh tranh được với các cửa hàng tạp hoá. Ngoài phục vụ ở điểm, tôi phải kiêm thêm dịch vụ thu tiền điện thoại và Internet nhưng vất vả lắm, đi cả ngày lẫn đêm mỗi tháng tổng thu nhập cũng chỉ được khoảng 1 triệu đồng". Còn chị Đoàn Thị Tuyết Minh đã có 13 năm gắn bó với điểm BĐVH phường Trần Lãm chia sẻ: " Trước kia tôi làm ở đây bận rộn lắm, có ngày phục vụ khách hàng tới 200 cuộc điện thoại, doanh thu mỗi tháng đạt 6 đến 7 triệu đồng, giờ mọi thứ đều ế ẩm, sách báo chẳng ai đến đọc, thu nhập không đủ để nuôi sống bản thân nhiều lúc muốn buông xuôi nhưng nếu bỏ việc lớn tuổi thế này cũng chẳng biết làm gì".

 

Cần sự vào cuộc, tiếp sức của các ngành chức năng

 

Đầu tư xây dựng của các điểm BĐVHX là một chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước .Việc áp dụng linh hoạt các loại hình dịch vụ mới mà Bưu điện tỉnh đã đề ra  cũng là giải pháp cần thiết để cải thiện tình hình trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, để các điểm BĐVHX duy trì hoạt động và hoạt động đúng với chủ trương ban đầu thì ngoài sự nỗ lực của ngành Bưu chính Viễn thông cần có chính sách hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành.

 

Việc cần thiết nhất hiện nay là  có kế hoạch cải tạo, nâng cấp các điểm BĐVHX đã xuống cấp, duy trì và phát triển việc cấp sách báo từ nhiều nguồn. Hỗ trợ tiền lương và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin cho nhân viên các điểm BĐVHX. Bên cạnh đó, mạnh dạn áp dụng một số loại hình dịch vụ mới như dịch vụ: gửi tiền tiết kiệm bưu điện, chi trả bảo hiểm xã hội hoặc các dịch vụ tài chính ngân hàng tại các điểm bưu điện này để nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Ngoài ra, các ngành chức năng cần tận dụng điểm BĐVHX làm nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng, cung cấp thông tin qua mạng Internet, tài liệu hướng dẫn các tiến bộ KHKT phục vụ  người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi qua đó đẩy mạnh phát triển KT-XH vùng nông thôn, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa