Thứ 2, 23/12/2024, 23:38[GMT+7]

Hướng đi đúng từ các vùng chuyển đổi ở Thái Thụy

Thứ 3, 31/07/2012 | 11:05:48
1,573 lượt xem
Hiệu quả sản xuất từ những mô hình thực tế chuyển đổi diện tích úng trũng, chua mặn sang nuôi trồng thủy sản, xây dựng gia trại, trang trại... những năm qua đã minh chứng hướng đi này là đúng đắn, tạo đà để nông nghiệp của huyện biển phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hoá.

Vùng chuyển đổi từ làm muối sang nuôi tôm, cá vược ở Thái Thụy

Thái Thụy có từ 3.000 đến 4.000 ha diện tích đất úng trũng, chua mặn không thuận lợi cho phát triển trồng trọt. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, huyện đã huy động nhiều nguồn lực chuyển những diện tích này sang nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), chăn nuôi, xây dựng các gia trại, trang trại tập trung. Hiệu quả sản xuất từ những mô hình thực tế những năm qua đã minh chứng hướng đi này là đúng đắn, tạo đà để nông nghiệp của huyện biển phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hoá.

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, anh Bùi Thanh Bảy (xã Thụy Liên) là người đi tiên phong trong huyện nhận đấu thầu 4 ha đất ngập mặn ven sông Diêm Hộ để đầu tư chuyển đổi NTTS. Trải qua biết bao cơ cực, vất vả đào đất, đắp bờ ngăn mặn, nhiều lần thất bại vì thiên tai, dịch bệnh, cuối cùng trang trại tổng hợp chăn nuôi theo hướng đa cây, đa con của anh trở thành điển hình của huyện Thái Thụy. Trong các ao, hai vợ chồng đầu tư thả tôm, cua, cá vược, ếch Thái Lan, rô phi lai xa, cá lóc bông, trắm đen, …, trên bờ nuôi hàng ngàn vịt đẻ, trồng cây vừa lấy bóng mát, chống xói lở, làm chỗ cho đàn cò đến trú ngụ. Trung bình, mỗi năm trang trại của anh Bảy xuất ra thị trường 30 tấn cá các loại, vài trăm ngàn quả trứng gia cầm, sau khi trừ chi phí thu lãi 500 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ khác.

Sau nhiều năm lận đận nuôi con tôm sú, anh Phạm Đức Quát (xã Thái Thượng) đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng kè bờ, cải tạo ao, mua dàn quạt sục khí, chuyển hướng sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Trên diện tích 2 ha tại vùng NTTS của xã, mỗi vụ anh thả 160 vạn tôm giống, chăm sóc, phòng dịch cho tôm theo đúng quy trình kỹ thuật nên liên tiếp mấy năm nay đều được mùa. Riêng vụ tôm xuân hè năm 2011, sau khi trừ các khoản chi phí anh lãi gần 200 triệu đồng. Năm nay,  các ao nuôi tôm tiếp tục được mùa, mặc dù giá tôm thương phẩm có giảm hơn so với năm ngoái nhưng chắc chắn anh có trong tay hơn 100 triệu đồng tiền lãi.

Trong chăn nuôi, tại xã Thái Thọ, Công ty Vạn Năng đầu tư nuôi gia công 850 lợn nái, 5.000 lợn thịt trên 8,7 ha diện tích chuyển đổi, mỗi năm lợi nhuận hơn 2,2 tỷ đồng. Trang trại của hộ anh Nguyễn Văn Kình đầu tư 4 tỷ đồng trên diện tích 2,7 ha nuôi 2.500 lợn thịt, lợi nhuận hơn 500 triệu đồng mỗi năm. Tính đến hết tháng 6/2012, Thái Thụy có 3.344 hộ gia đình ở 42 xã, thị trấn thực hiện chuyển đổi 1.407,13 ha diện tích đấy cấy lúa, làm muối, trồng cói kém hiệu quả sang NTTS, chăn nuôi, xây dựng mô hình gia trại, trang trại tổng hợp.

Tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho chuyển đổi đạt hơn 371,7 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước gần 162,13 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung cho vùng chuyển đổi; vốn đầu tư của nhân dân để xây dựng cơ bản, phục vụ sản xuất kinh doanh 209,57 tỷ đồng. Sau nhiều năm nỗ lực đầu tư cho sản xuất, đến nay các vùng chuyển đổi đã trở thành trọng tâm trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện biển. 3 mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao đã được hình thành:  mô hình chuyên NTTS nước lợ (540ha) ở các xã ven biển nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, cá, rau câu; mô hình sản xuất đa canh (824ha) phân bố hầu hết ở các xã ven sông, úng trũng nội đồng; mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn (42,5ha) ở 2 xã Thụy Ninh, Thái Thọ. Trong NTTS, người dân chọn cách đa dạng hoá con nuôi theo điều kiện cụ thể từng vùng, từng địa phương: nuôi quảng canh cải tiến, nuôi thâm canh, nuôi công nghiệp, nuôi theo hướng sinh thái.

Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm từ chỗ nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc nay đã chuyển dần sang nuôi tập trung, quy mô lớn kết hợp với NTTS và trồng trọt (mô hình VAC) để tận dụng sản phẩm dư thừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hạn chế rủi ro. Toàn huyện hiện có 7 trang trại chăn nuôi tập trung quy mô hàng trăm đến hàng ngàn gia súc, gia cầm. Năm 2011, tổng giá trị sản xuất tại các vùng chuyển đổi của huyện Thái Thụy đạt hơn 1.116,6 tỷ đồng; giá trị sản xuất bình quân đạt 793,56 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt trên 238 triệu đồng. Cũng nhờ chuyển đổi, hàng ngàn lao động ở nông thôn có việc làm, ổn định cuộc sống, trong đó nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, trở thành triệu phú, tỷ phú.

Cũng theo lời anh Viện: tuy lợi ích, hiệu quả đã được khẳng định nhưng thực tế hiện nay tại các vùng chuyển đổi ở Thái Thụy cũng còn tồn tại nhiều hạn chế và khó khăn cần tháo gỡ. Để phát huy hơn nữa hiệu quả kinh tế trang trại nói riêng, nông nghiệp  nói chung theo hướng sản xuất hàng hoá, tập trung quy mô lớn, thời gian tới Thái Thụy cần phải rà soát, đánh giá và tổ chức quy hoạch lại tổng thể vùng chuyển đổi của toàn huyện trên cơ sở quy hoạch nông thôn mới từng địa phương. 

Làm tốt công tác quản lý Nhà nước đối với khu vực chuyển đổi kinh tế trang trại, nhất là quy hoạch sử dụng đất, xây dựng, bảo vệ môi trường. Xây dựng cơ chế chính sách phát triển chăn nuôi quy mô lớn và phát triển NTTS nội đồng, đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống vật nuôi tại huyện để chủ động nguồn giống có chất lượng tốt phục vụ sản xuất. Tăng cường mở các lớp tập huấn KHKT, cử cán bộ xuống cơ sở hỗ trợ nông dân, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tình trạng bị tư thương ép giá. Huyện cũng cần huy động các nguồn vốn đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng những vùng còn đầu tư dở dang, những vùng chưa có, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất theo hướng ổn định, bền vững.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày